Nghi nhân viên lãnh sự quán Anh ở Hong Kong bị bắt tại Trung Quốc!?

(VOH) - Bộ Ngoại giao Anh bày tỏ lo ngại sau khi một nhân viên của Tổng lãnh sự quán nước này ở Hong Kong tới Thâm Quyến, Trung Quốc công tác vào ngày 8/8 và hiện đã mất tích.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Anh cho hay: "Chúng tôi cực kỳ lo ngại về các báo cáo nói rằng một nhân viên của chúng tôi đã bị bắt khi đang từ Thâm Quyến trở về Hong Kong. Chúng tôi đang hỗ trợ gia đình anh ấy và đang thu thập thêm thông tin từ nhà chức trách ở tỉnh Quảng Đông và Hong Kong."

Trước đó, có tin tức cho rằng Simon Cheng, nhân viên Tổng lãnh sự quán Anh tại Hong Kong, đã mất tích khi tới Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Thâm Quyến là thành phố  tiếp giáp với Hong Kong và là nơi tập trung các tập đoàn công nghệ cao.

Theo truyền thông địa phương Hong Kong Free Press (HKFP), ông Cheng là nhân viên phụ trách về thương mại và đầu tư, có chuyến công tác đến Thâm Quyến vào ngày 8/8 vừa qua thông qua cửa khẩu Lo Wu (La Hồ). Bạn gái của ông Cheng cho biết trên tờ HK01 rằng ông dự định sẽ quay trở lại Hong Kong ngay trong ngày hôm đó bằng tàu cao tốc, tuy nhiên sau đó không thấy ông quay về.

Được biết, việc kiểm tra an ninh các tuyến tàu cao tốc Thâm Quyến - Hong Kong do các nhân viên an ninh phía Trung Quốc đại lục đảm nhiệm, và ga cuối ở Hong Kong được xem là lãnh thổ của Trung Quốc đại lục.

Nhân viên lãnh sự quán Anh ở Hong Kong nghi ngờ bị bắt tại Trung Quốc

Nhân viên lãnh sự quán Anh ở Hong Kong nghi ngờ bị bắt tại Trung Quốc

Cuộc tuần hành hôn hòa của 1,7 triệu người Hong Kong vào cuối tuần qua ngày 18/8 (Ảnh: BBC)

Hong Kong đang trải qua 11 tuần biểu tình liên tiếp, bắt nguồn từ việc phản đối một dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm sang xét xử tại các tòa án Trung Quốc. Vào cuối tuần qua, bất chấp mưa gió, khoảng 1,7 triệu người Hong Kong đã tham gia cuộc tuần hành ôn hòa, đánh dấu sự thay đổi lớn của phong trào biểu tình sau các cuộc đụng độ bạo lực trước đó.

Trung Quốc lên án các hành vi bạo lực của người biểu tình và thể hiện sự ủng hộ đối với chính quyền Hong Kong và Trưởng đặc khu Carrie Lam. Chính quyền Bắc Kinh cũng nhiều lần yêu cầu Anh không can thiệp vào vấn đề Hong Kong cũng như công việc nội bộ của Trung Quốc.

Trong lịch sử, Hong Kong từng là thuộc địa của Anh, nhưng được trao trả cho Trung Quốc đại lục vào năm 1997 theo Tuyên bố chung ký kết vào năm 1984 giữa Anh và Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc phải đảm bảo quyền tự trị và tự do của Hong Kong trong vòng 50 năm kể từ khi chính thức trao trả, tức là cho đến năm 2047. Tuy nhiên, vào năm 2017, Trung Quốc nói rằng tuyên bố này là "tài liệu của quá khứ" và không có ý nghĩa thực tế.