Chờ...

Rơi máy bay Sriwijaya Air: Indonesia tăng cường tìm kiếm hộp đen

(VOH) – Cuộc tìm kiếm các hộp đen của máy bay Sriwijaya Air bị rơi được tăng cường hơn trong ngày 11/1 nhằm thúc đẩy cuộc điều tra nguyên nhân về nguyên nhân khiến chiếc máy bay chở 62 người gặp nạn.

Chiếc máy bay phản lực Boeing 737-500 đã biến mất vài phút sau khi cất cánh từ thủ đô Jakarta, Indonesia, trong trận mưa lớn hôm thứ Bảy và cuộc tìm kiếm cho đến nay đã thu được các bộ phận máy bay và thi thể nạn nhân nhưng không có dấu hiệu của người sống sót.

roi-may-may-indonesia-voh.com.vn
Các thợ lặn đang tìm kiếm mảnh vỡ máy bay và nạn nhân vụ rơi máy bay của hãng Sriwijaya Ai. Ảnh: AP

Giới chức cho biết đã tiếp nhận được tín hiệu từ các hộp đen của máy bay, được xác định ở khu vực giữa đảo Lancang và Laki, thuộc chuỗi đảo Thousand nằm về phía bắc bờ biển Jakarta. Các quan chức cho biết đã đánh dấu vị trí nơi âm thanh được truyền đi từ hộp đen, vốn bị tách rời khỏi đuôi máy bay khi rơi xuống biển.

Khi được tìm thấy, hộp đen sẽ được chuyển đến cảng và giao cho Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia đang thực hiện điều tra vụ tai nạn.

Có hơn một chục trực thăng, 53 tàu hải quân và 20 thuyền, cùng 2.600 nhân viên cứu hộ đang thực hiện tìm kiếm kể từ hôm Chủ Nhật và đã tìm thấy nhiều mảnh vỡ của chiếc máy bay nằm dưới độ sâu 23 mét dưới biển, hướng các nhân viên cứu hộ đến việc tìm kiếm thêm tại khu vực này.

Truyền hình đưa hình ảnh các mảnh vỡ được tìm thấy gồm thiết bị hạ cánh, bánh xe và động cơ phản lực của chiếc máy bay. Ngoài ra còn có hàng chục túi đựng thi thể người được vớt lên chuyển đến một bệnh viện của cảnh sát ở phía đông Jakarta để làm thủ tục nhận dạng.

Giám đốc Cơ quan Tìm kiếm & Cứu nạn quốc gia bagus Puruhito nói các thợ lặn sử dụng thiết bị thiết bị “định vị ping” công nghệ cao khi tìm kiếm mục tiêu.

Chủ tịch ủy ban vận tải, Soerjanto Tjahjono, cho biết các hộp đen có thể cung cấp thông tin có giá trị cho các nhà điều tra. Sau khi thiết bị được tìm thấy và đưa đến cơ sở của các nhà điều tra, sẽ mất 3-5 ngày để làm khô và làm sạch thiết bị cũng như tải xuống dữ liệu của nó, Tjahjono nói.

Điều tra viên Nurcahyo Utomo cho biết họ đã thu thập các đoạn ghi âm và bản ghi các đoạn đối thoại cũng như tiếp tục kiểm tra dữ liệu radar về di chuyển của máy bay và tra hỏi các nhân viên không lưu phụ trách kiểm soát chuyến bay gặp nạn. Sắp tới sẽ có thêm các cuộc thẩm vấn các nhân chứng khác như nhân viên kỹ thuật, ngư dân và chuyên gia để phục vụ cho cuộc điều tra.

Utomo cho biết thêm Cục Điều tra An toàn Giao thông của Singapore cũng sẽ hỗ trợ trong việc tìm kiếm hộp đen, cũng như Ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia của Mỹ sẽ tham gia điều tra vụ tai nạn.

Indonesia, quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới, với hơn 260 triệu dân, đã bị ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông đường bộ, đường biển và đường hàng không vì lượng phà quá đông, cơ sở hạ tầng cũ kỹ và việc kém thực thi các tiêu chuẩn an toàn.

Vào tháng 10/2018, một chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 do Lion Air vận hành đã lao xuống biển Java chỉ vài phút sau khi cất cánh từ Jakarta, khiến toàn bộ 189 người trên máy bay thiệt mạng. Chiếc máy bay liên quan đến thảm họa hôm thứ Bảy không có hệ thống điều khiển bay tự động đã đóng vai trò trong vụ tai nạn của Lion Air và một vụ tai nạn khác của máy bay phản lực 737 MAX 8 ở Ethiopia 5 tháng sau đó, khiến dòng máy bay MAX 8 bị ngưng bay trong 20 tháng.

Vụ tai nạn máy bay của Lion Air là thảm họa hàng không tồi tệ nhất của Indonesia kể từ năm 1997, khi đó 234 hành khách trên chuyến bay của hãng hàng không Garuda thiệt mạng gần Medan thuộc đảo Sumatra. Vào tháng 12/2014, một chuyến bay của AirAsia từ thành phố Surabaya của Indonesia đến Singapore cũng lao xuống biển, làm chết 162 người.

Trong quá khứ, Sriwijaya Air chỉ gặp một sự cố nhỏ vào năm 2008, khi đó một nông dân thiệt mạng khi một chiếc máy bay lao khỏi đường băng khi hạ cánh do sự cố thủy lực.

Mỹ đã cấm các hãng hàng không Indonesia hoạt động tại Mỹ vào năm 2007, tuy nhiên đã xóa bỏ lệnh cấm này vào năm 2016, với lý do đã cải thiện việc tuân thủ các tiêu chuẩn hàng không quốc tế. Liên minh châu Âu trước đây đã có các lệnh cấm tương tự, dỡ bỏ lệnh cấm này vào tháng 6/2018.