Thế giới vừa trải qua 12 tháng nóng nhất lịch sử

VOH - Tháng 1/2024 phá kỷ lục tháng 1 nóng nhất lịch sử trước đó vào năm 2020.

Ngày 7/2, cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) cho biết Trái Đất trải qua 12 tháng có nền nhiệt cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Với sự thúc đẩy của hiện tượng El Nino, biến đổi khí hậu đã làm gia tăng các đợt nắng nóng, hạn hán, cháy rừng trên khắp hành tinh, khiến năm 2023 có thể là năm nóng nhất từng được ghi nhận trong 100.000 năm qua.

Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus cho biết các hiện tượng thời tiết cực đoan tiếp tục kéo dài sang năm 2024, đồng thời xác nhận rằng trong giai đoạn từ tháng 2/2023 đến tháng 1/2024, nhiệt độ Trái đất đã cao hơn 1,52 độ C so với mức chuẩn của thế kỷ 19.

Thế giới vừa trải qua 12 tháng nóng nhất lịch sử
Người dân di chuyển dưới trời nắng nóng tại Tokyo, Nhật Bản ngày 30/7/2023 - Ảnh: AFP

Theo Copernicus, thế giới vừa trải qua tháng 1 nóng nhất từng được ghi nhận và đây cũng là tháng thứ 8 liên tiếp nhiệt độ ở mức cao kỷ lục.

Nhiệt độ trong tháng 1 vừa qua cao hơn 1,66 độ C so với ước tính trung bình của tháng này trong giai đoạn 1850 - 1900, thời kỳ tiền công nghiệp.

Các nhà khoa học Mỹ cho biết có 1/3 khả năng năm 2024 thậm chí còn nóng hơn năm 2023. Đồng thời có 99% khả năng năm 2024 nằm trong top 5 năm nóng nhất.

Hiện tượng El Nino bắt đầu suy yếu vào tháng 1/2024 và các nhà khoa học cho biết có thể chuyển sang hiện tượng La Nina vào cuối năm nay.

Những tháng gần đây đã chứng kiến sự tấn công dữ dội của các hiện tượng cực đoan trên khắp hành tinh, trong đó hạn hán tàn khốc đang hoành hành ở lưu vực sông Amazon, mùa đông ấm áp tại khu vực phía Nam châu Âu, cháy rừng gây nhiều thương vong ở Nam Mỹ và lượng mưa kỷ lục ở bang California (Mỹ).

Thỏa thuận Paris năm 2015 đặt mục tiêu hạn chế nhiệt độ nóng lên trong phạm vi 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp, tránh gây ra những hậu quả nghiêm trọng và không thể khắc phục được.