Thủ tướng Thái Lan Prayut bị Tòa án Hiến pháp đình chỉ nhiệm vụ

Hôm 17/8, phe đối lập đã chính thức kiến nghị lên Tòa án Hiến pháp yêu cầu phán quyết về nhiệm kỳ 8 năm của Thủ tướng Prayut và yêu cầu ông Prayut bị đình chỉ chức vụ trong thời gian chờ phán quyết.

Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 24/8 đã ra phán quyết đình chỉ nhiệm vụ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha trong khi chờ đợi phán quyết về thời hạn nhiệm kỳ. Lệnh của Tòa án Hiến pháp được đưa ra sau khi chấp nhận đơn yêu cầu phán quyết về nhiệm kỳ 8 năm làm thủ tướng của ông Prayut do phe đối lập đệ trình.

Quyết định được đưa ra sau khi tòa án đồng ý xét xử vụ kiện do các đảng đối lập khởi kiện với lập luận rằng ông Prayuth, người lên nắm quyền trong cuộc đảo chính năm 2014, đã đạt giới hạn 8 năm nhiệm kỳ. Hiến pháp năm 2017 của Thái Lan cấm thủ tướng tại vị hơn 8 năm.

Thủ tướng Thái Lan Prayut bị Tòa án Hiến pháp đình chỉ nhiệm vụ 1
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha phát biểu tại Bangkok. (Ảnh: TTXVN)

Hôm 17/8, phe đối lập đã chính thức kiến nghị lên Tòa án Hiến pháp để yêu cầu phán quyết về nhiệm kỳ 8 năm của Thủ tướng Prayut và yêu cầu ông Prayut bị đình chỉ chức vụ trong thời gian chờ phán quyết.

Kiến nghị này do 171 hạ nghị sỹ đối lập ký, được thủ lĩnh đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) Cholnan Srikaew trình lên tòa án thông qua Chủ tịch Hạ viện Chuan Leekpai.

Phe đối lập cho rằng nhiệm kỳ tối đa 8 năm của Thủ tướng Prayut phải hết hạn vào ngày 24/8. Họ cho rằng ông Prayut đã phục vụ hai nhiệm kỳ 4 năm liên tiếp với tư cách thủ tướng kể từ khi ông được bổ nhiệm làm người đứng đầu Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia (đã giải thể) năm 2014.

Đơn kiến nghị của phe đối lập đã được chuyển từ Hạ viện lên Tòa án Hiến pháp hôm 22/8.

Trong khi khi đó, báo Bangkok Post hôm 23/8 dẫn lời Phó Thủ tướng Wissanu Krea-ngam cho biết Thủ tướng Prayut và Nội các của ông sẽ vẫn tại vị ngay cả khi Tòa án Hiến pháp chấp nhận xem xét đơn yêu cầu về nhiệm kỳ 8 năm của ông Prayut.

Phó Thủ tướng Wissanu nói thêm rằng trong trường hợp tòa án quy định Đại tướng Prayut từ chức, Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwon sẽ đảm nhận vị trí thủ tướng tạm quyền và ông Prawit sẽ làm việc với các bộ trưởng nội các khác, trong đó có Đại tướng Prayut là Bộ trưởng Quốc phòng.

Trong ngày 24/8, ông Prayut đã không đến trụ sở Chính phủ và làm việc tại tư dinh ở khuôn viên Trung đoàn Bộ binh số 1.

Ông Prayuth, cựu tư lệnh lục quân Thái Lan, lên nắm quyền sau cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân cử của bà Yingluck Shinawatra năm 2014. Ông đứng đầu chính quyền quân sự 5 năm và tiếp tục làm Thủ tướng sau cuộc tổng tuyển cử năm 2019.

Ông Prayuth ngày càng không được cử tri ủng hộ. Thăm dò dư luận gần đây cho thấy 2/3 số người được hỏi muốn ông rời chức vụ ngay lập tức.