Ukraine: Lệnh ngừng bắn chết yểu?

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho rằng thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được tại Minsk - Belarus đang bị đe dọa nghiêm trọng

Trước khi thỏa thuận ngừng bắn mới có hiệu lực từ 0 giờ ngày 15/2 (giờ địa phương), cả quân đội Ukraine lẫn phe ly khai đều tăng tốc tấn công lẫn nhau, khiến thương vong không ngừng gia tăng.

Đổ lỗi cho nhau

Tổng thống Poroshenko nhấn mạnh: “Sau những thành quả đạt được tại Minsk, các đợt pháo kích không chỉ nhằm vào dân thường mà còn tấn công thỏa thuận hòa bình mới. Nga đã đẩy mạnh các chiến dịch tiến công sau đàm phán tại Minsk. Do đó, chúng tôi tin rằng những thành quả tại Minsk đang đối mặt với nguy hiểm”.

Trong khi đó, Mỹ tiếp tục cáo buộc Nga cung cấp vũ khí hạng nặng cho phe ly khai tại miền Đông Ukraine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki hôm 13/2 không chỉ rõ nguồn gốc của thông tin nhưng khẳng định: “Các báo cáo chúng tôi có được cho thấy vài ngày qua, Nga đã chuyển sang biên giới Ukraine xe tăng và các hệ thống tên lửa. Quân đội Nga cũng triển khai hệ thống tên lửa phòng không gần thị trấn Debaltseve”.

Tiếng pháo vẫn vang rền ở TP Donetsk hôm 14/2. Các vụ đụng độ ác liệt tập trung ở quanh Debaltseve, thị trấn chiến lược nối hai vùng Donetsk và Luhansk mà quân ly khai kiểm soát. Trong khi ông Vyacheslav Abroskin, chỉ huy trưởng lực lượng cảnh sát ủng hộ Kiev ở Debaltseve, tố cáo quân ly khai đang phá hủy thị trấn bằng cách không ngừng pháo kích các khu dân cư,  người phát ngôn quân đội Ukraine  Andriy Lysenko bổ sung các tay súng ly khai liên tục xông vào các cứ điểm và căn cứ của quân chính phủ.

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Petro Mekhed  nói quân ly khai muốn “cắm cờ” tại Debaltseve và TP Mariupol trước khi lệnh ngừng bắn chính thức có hiệu lực. Đài BBC dẫn lời ông Mekhed nhận định: “Xung đột sẽ leo thang và Ukraine sẽ tiến hành tất cả biện pháp cần thiết để đáp trả”. Ngược lại, quân nổi dậy cho biết ít nhất 6 người, bao gồm 3 trẻ em, thiệt mạng do các đợt pháo kích của quân chính phủ nhằm vào TP Donetsk và Horlivka.

 

Phe ly khai tiếp tục kiểm soát thị trấn Debaltseve (Ảnh: AP)

Thêm dầu vào lửa

Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển trên thế giới (G7) gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ tỏ ra quan ngại về tình hình Ukraine, kêu gọi tất cả các bên phải tuân thủ thỏa thuận Minsk ngày 11/2. Ngoài ra, G7 tiếp tục lên án động thái sáp nhập bán đảo Crimea của Moscow.

Tình hình thêm căng thẳng khi ông Dmitry Yarosh, lãnh đạo phong trào cực hữu Right Sector, bác bỏ thỏa thuận hòa bình mới tại Minsk và tuyên bố các đơn vị bán quân sự của họ sẽ tiếp tục chiến đấu theo kế hoạch riêng. Trong một tuyên bố trên mạng xã hội Facebook ngày 13-2, ông Yarosh nhấn mạnh bất kỳ thỏa thuận nào với “những kẻ khủng bố” (ám chỉ lực lượng ly khai) đều không có hiệu lực pháp lý.

Không chỉ thẳng thừng bác bỏ các sáng kiến của Đức và Pháp, ông Yarosh còn khuyên Tổng thống Poroshenko nên đến Mỹ và Anh để “học tập các chính sách chống Điện Kremlin thích hợp”. “Đây có thể là một tín hiệu xấu cho thỏa thuận, có thể phá hủy thỏa thuận trước khi nó bắt đầu. Right Sector đưa ra thông báo này ngay trước khi thỏa thuận có hiệu lực, tức là họ có thể đang sắp xếp các hành động khiêu khích” - ông Lode Vanoost, cựu cố vấn an ninh của Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE), nhận định.