WHO: Biến thể Omicron lây nhanh hơn Delta, hy vọng vào tế bào T

(VOH) - Biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh hơn so với biến thể Delta và đang gây ra những ca nhiễm Covid-19 ở những người đã tiêm vắc-xin hoặc những bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 20/12 cho biết biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh hơn so với biến thể Delta và đang gây ra những ca nhiễm Covid-19 ở những người đã tiêm vắc-xin hoặc những bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh.

Tại cuộc họp báo hôm 20/12, ông Tedros nói: "Đã có bằng chứng nhất quán cho thấy Omicron đang lây lan nhanh hơn đáng kể so với biến thể Delta. Những người đã tiêm vắc-xin hoặc những bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh có thể bị nhiễm hoặc tái nhiễm".

WHO: Người đã tiêm vắc-xin và bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh không miễn dịch với Omicron 1
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tại cuộc họp báo ở Geneva ngày 20/12. (Ảnh: AFP via Getty Images)

Nhận định này của người đứng đầu WHO trùng khớp với kết quả nghiên cứu của trường Cao đẳng Hoàng gia London (ICL). Nghiên cứu chỉ ra rằng nguy cơ tái nhiễm với biến thể Omicron cao gấp hơn 5 lần so với các biến thể khác như Delta và các chuyên gia vẫn hoài nghi về khả năng biến thể này gây bệnh nhẹ hơn.

Nhà khoa học hàng đầu của WHO Soumya Swaminathan nói với các phóng viên tại Geneva, Thụy Sĩ hôm 20/12 rằng thật là "thiếu sáng suốt" khi chỉ dựa vào những bằng chứng ban đầu rồi đưa ra kết luận nói rằng Omicron là biến thể "hiền" hơn so với các biến thể trước đó. 

Bà Swaminathan nói, khi số ca nhiễm ngày càng gia tăng, toàn bộ hệ thống y tế sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng.

Tuy nhiên, bà Swaminatan nhấn mạnh, chúng ta biết quá ít về cách đối phó với biến thể mới Omicron chỉ được phát hiện vào tháng trước. Có một thách thức đặt ra là nhiều kháng thể đơn dòng không còn hiệu quả với chủng Omicron. Kháng thể đơn dòng được tạo ra bởi vắc-xin hoặc miễn dịch tự nhiên, nó bám vào protein đột biến trên bề mặt của virus SARS-CoV-2, ngăn virus xâm nhập tế bào và gây bệnh cho vật chủ.

Các chuyên gia hy vọng, tế bào T, trụ cột thứ hai trong phản ứng miễn dịch, có thể ngăn ngừa các bệnh nghiêm trọng bằng cách tấn công các tế bào bị nhiễm bệnh.

Abdi Mahamud, chuyên gia của WHO nói: "Dù chúng tôi đã thấy được sự suy giảm về lượng kháng thể trung hòa, nhưng hầu như tất cả phân tích ban đầu đều cho thấy khả năng miễn dịch qua trung gian tế bào T còn nguyên vẹn. Đây là điều chúng tôi thực sự cần đến".