Đăng cai SEA Games 2021 - cơ hội nào cho TPHCM?

(VOH) - Mới đây, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á đã giao VN quyền tổ chức SEA Games 31 vào năm 2021. Chính phủ cũng đã đồng ý Bộ VH-TT-DL chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng Đề án tổ chức SEA Games 31 tại VN trên tinh thần đổi mới, tiết kiệm, tăng cường tối đa nguồn lực xã hội hóa.

Đăng cai SEA Games được kì vọng sẽ thúc đẩy thể thao thành tích cao của Việt Nam (Ảnh: Dân Trí)

Nhiều sự ủng hộ

Theo kế hoạch, trong tháng 9 này, Tổng cục TDTT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trình Dự thảo Đề án đăng cai SEA Games 31 lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Khác với lần giành quyền tổ chức ASIAD 18 năm 2019 vấp phải nhiều sự phản đối của dư luận do điều kiện còn khó khăn và cuối cùng Chính phủ quyết định xin rút quyền đăng cai, việc trở thành chủ nhà SEA Games 31 năm 2021 nhận được nhiều sự ủng hộ. Bởi đây không chỉ là quyền lợi, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, thúc đẩy thể thao thành tích cao - mà còn là trách nhiệm của các quốc gia trong khu vực góp mặt ở đại hội, theo hiến chương của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á.

Việc tổ chức SEA Games cũng có ý nghĩa lớn trong việc phát triển cơ sở vật chất thể thao và hạ tầng xã hội, động viên phong trào thể thao phát triển, cũng như góp phần đào tạo thêm VĐV cho thể thao VN.

Năm 2003, lần đầu tiên VN trở thành chủ nhà Đại hội thể thao Đông Nam Á khi đăng cai SEA Games 22 tại Hà Nội. Theo dự kiến ban đầu, TPHCM sẽ đứng ra tổ chức SEA Games 31. Tuy nhiên, theo dự thảo Đề án mà Tổng cục TDTT đưa ra, thủ đô Hà Nội một lần nữa được xem là ưu tiên số một cho việc đăng cai kỳ SEA Games năm 2021. Lý do được đưa ra là Hà Nội đã có sẵn cơ sở vật chất, chỉ phải bảo dưỡng nên tiết kiệm hơn.

Nên tổ chức ở TPHCM hay Hà Nội?

Ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết: “Ban đầu cũng muốn TPHCM được ưu tiên đăng cai sự kiện này nhưng sau khi tính toán thì thấy nguồn kinh phí bỏ ra đầu tư khá lớn. Về cơ sở vật chất thì Hà Nội tương đối đầy đủ các điều kiện. Chúng ta đã tổ chức SEA Games 22 ở HN cũng như các địa phương xung quanh Hà Nội. Trong quá trình từ đó đến nay, Hà Nội và khu vực phía Bắc cũng xây dựng thêm nhiều công trình”.

Tuy nhiên, phương án tổ chức SEA Games 2021 ở Hà Nội không nhận được sự đồng tình của dư luận. Ai cũng biết, việc đăng cai các Đại hội thể thao lớn luôn được xem là cơ hội để phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, quảng bá du lịch, tạo ra cú hích lớn để nâng tầm thể thao…

Hà Nội từng đăng cai SEA Games 2003, nên việc chuyển SEA Games 2021 vào TPHCM sẽ hợp lý hơn, đồng thời sẽ giúp đầu tư thêm cơ sở vật chất cho thể thao của địa phương có tiềm lực kinh tế mạnh nhất cả nước nhưng cơ sở vật chất thể thao chưa tương xứng.

PGS - TS Dương Nghiệp Chí, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học TDTT nêu quan điểm: “Năm 2003 đã làm ở Hà Nội rồi. Giờ nên đăng cai ở TPHCM ít nhiều có thêm cơ sở vật chất cho TP, góp phần phát triển TDTT. Theo tôi TPHCM về kinh tế tốt hơn, dân cư đông hơn, tiềm năng TDTT cũng không thua kém Hà Nội. Nếu mà xã hội hóa, kinh phí nhà nước bỏ vào ngang ngửa Hà Nội thì nên làm ở TPHCM”.

Cũng theo ông Dương Nghiệp Chí, không chỉ phong trào thể thao phát triển mạnh, cơ sở hạ tầng, nhân lực, vật lực phục vụ cho thể thao của TPHCM cũng thuộc diện tốt nhất nhì so với mặt bằng chung của thể thao cả nước. Sự ủng hộ của người dân đối với phong trào thể thao, cũng như sự quan tâm của các cấp lãnh đạo là những lợi thế khác của TP này.

Theo quan điểm của ông Mai Bá Hùng, PGĐ Sở Văn hóa Thể thao TPHCM, địa phương nào đăng cai SEA Games 2021 cũng vì sự phát triển chung của TDTT nước nhà. Tuy nhiên, nếu TPHCM được chọn đăng cai cũng là một cơ hội tốt. Hiện tại, hệ thống cơ sở vật chất của thể thao TP về cơ bản đáp ứng yêu cầu để tổ chức SEA Games, điều kiện nơi lưu trú, an ninh... cũng được đánh giá cao. Bên cạnh yếu tố tiết kiệm, với những điều kiện hiện có, TP hoàn toàn đủ khả năng đăng cai SEA Games 31, nếu thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ về việc tăng cường nguồn lực xã hội hóa.

Theo ông Hùng, TPHCM cũng có khả năng, đủ điều kiện đăng cai được nếu Chính phủ, lãnh đạo TP đồng ý. Ở góc độ cơ sở vật chất, hiện TP thiếu sân vận động vừa có thể tổ chức khai mạc, vừa tổ chức các trận đấu bóng đá quan trọng và cơ sở tổ chức bơi lội, thể thao dưới nước. Nhưng nếu có chủ trương, nếu có sự tạo điều kiện thì nguồn lực xã hội hóa ở TP hoặc có cơ chế tốt cho nhà đầu tư thì không nhất thiết phải sử dụng ngân sách.

Về kinh nghiệm thì có thể nói TPHCM đã từng tổ chức thành công Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V năm 2006 và ngay cả SEA Games 2003 hay Đại hội thể thao trong nhà châu Á 2009, thành phố cũng đảm trách tổ chức thi đấu có hiệu quả nhiều môn trong chương trình thi đấu. Trên các mạng xã hội, nhiều bạn trẻ còn lập hẳn diễn đàn Hội những người ủng hộ TP đăng cai SEA Games 31.

Bạn Nguyễn Huyền Mi, từng là tình nguyện viên tại Đại hội thể thao trong nhà châu Á nhà năm 2009 cho biết: “Là người dân TPHCM, em rất muốn TP tổ chức, vì về mặt giao thông và cơ sở vật chất thì cũng tốt. Trước kia em từng tham gia tình nguyện, thấy các bạn trẻ, sinh viên TP rất nhiệt huyết trong việc làm tình nguyện viên, hướng dẫn viên”.

Trên thực tế, những quốc gia từng nhiều lần đăng cai SEA Games như Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay Philippines, mỗi lần tổ chức đều luôn tìm cách đưa về các địa phương khác nhau để tạo cú hích phát triển kinh tế, quảng bá du lịch và TDTT. Với vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước, TPHCM hoàn toàn xứng đáng là điểm tổ chức chính của các sự kiện thể thao ở tầm quốc gia và quốc tế.

“Với góc nhìn một nhà báo thể thao, tôi thấy TPHCM nên đăng cai SEA Games 31. So với Hà Nội, TPHCM là một TP trẻ và năng động, giao thông thuận lợi, sở hữu khá nhiều cơ sở vật chất tốt, từng tổ chức Asian Indoor Games năm 2009. Với điều kiện hiện tại, trước hay sau gì chúng ta cũng phải nâng cấp cơ sở vật chất thể thao. Việc tổ chức SEA Games không đơn thuần là tiết kiệm, còn để giới thiệu sự phát triển về văn hóa, du lịch phục vụ người dân, cũng như việc phát triển thể thao sau này”, Nhà báo Quang Liêm, báo Người lao động nêu góc nhìn.

Ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho hay, trên thực tế, Đề án đăng cai SEA Games 31 chưa quyết định địa điểm tổ chức, chỉ xây dựng dự thảo trên tiêu chí tiết kiệm nhất. Vì thế, cơ hội cho TPHCM đăng cai kỳ Đại hội này vẫn còn, nếu đáp ứng tốt các điều kiện về cơ sở vật chất.

“Khi xây dựng đề án thì phải đề ra nhiều phương án, trong đó có phương án lựa chọn không xây dựng mới mà chỉ sửa chữa, nâng cấp, trang thiết bị đáp ứng điều kiện thi đấu quốc tế. Quyết định về địa điểm đăng cai thì chưa. Từ nay đến 2020, nếu một địa phương nào đáp ứng các điều kiện cơ sở vật chất thì các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, đánh giá, trong điều kiện của mình tổ chức như thế nào có lợi nhất, kích thích phát triển TDTT trong cả nước” – Ông Thắng cho biết thêm.

Cần phải nói thêm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đăng cai SEA Games 31 yêu cầu tăng cường tối đa nguồn lực xã hội hóa. Đây là bước gợi mở quan trọng cho thể thao TPHCM thu hút các nguồn lực xã hội, tham gia đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thể thao hiện đại, góp phần cải tạo hệ thống cơ sở vật chất TDTT - không chỉ cho SEA Games 2021 mà cả cho tương lai.

Điều quan trọng là Thành phố cần sớm mạnh dạn nắm bắt cơ hội trước khi Chính phủ phê duyệt. Vấn đề còn lại là cách làm, và đặc biệt, cần tính toán để sau SEA Games, những công trình thể thao vẫn được sử dụng một cách thiết thực và hiệu quả.