2014: Tổng thu ngân sách nhà nước vượt dự toán năm

(VOH) - Sáng nay (24/12), Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2014, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2015.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị: Ảnh: FinancePlus

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2014 được thực hiện trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm hơn dự báo. Trong nước, tăng trưởng kinh tế có bước phục hồi, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, tổng cầu tăng chậm, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp, tạm ngưng hoạt động... Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân cả nước; sự phối hợp nhịp nhàng có hiệu quả của các ngành, các cấp và nỗ lực vươn lên của cộng đồng các doanh nghiệp, công tác điều hành tài chính - ngân sách nhà nước năm 2014 đã đạt được những kết quả tích cực. Tính đến ngày 22/12/2014, thu ngân sách nhà nước là 831.190 tỷ đồng, đạt 106,2% dự toán. Ước tính cả năm, thu ngân sách nhà nước đảm bảo mức đánh giá đã báo cáo Quốc hội là 846.400 tỷ đồng. Nguồn vượt thu ngân sách nhà nước dành 10.000 tỷ đồng chuyển nguồn sang 2015 thực hiện chính sách tiền lương, phần còn lại tập trung thanh toán nợ và tăng chi trả nợ của ngân sách nhà nước. Hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao.

Thứ trưởng Bộ Tài Chính Trần Xuân Hà đánh giá: “Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, toàn ngành Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính- ngân sách 2014. Tuy nhiên, công tác quản lý thu ngân sách nhà nước ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa theo sát tình hình thực tiễn, buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá và thất thu ngân sách đã giảm nhưng chưa đạt kết quả mong muốn”.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến sẽ hoàn thành vượt dự toán pháp lệnh thu ngân sách nhà nước năm 2014 là 249.866 tỷ đồng, đạt 110,41% dự toán và tăng 10,29% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện năm 2014 tăng 13,65% so với dự toán và tăng 7,79% so với cùng kỳ, chủ yếu do tăng chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên đạt 96,67%.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết: “Với tinh thần quyết tâm trách nhiệm, thành phố sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai các nhóm giải pháp có trọng tâm nhằm hoàn thành nhiệm vụ của Chính phủ, Bộ Tài chính giao trong năm 2015 góp phần tích cực hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011- 2015. Thành phố sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường các giải pháp quản lý, khai thác và bồi dưỡng nguồn thu; tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, tiết giảm thời gian kê khai thuế cho doanh nghiệp”.

Năm 2015 dự báo có nhiều chuyển biến tích cực hơn, tăng trưởng kinh tế phấn đấu khoảng 6,2%, lạm phát khoảng 5%. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua dự toán thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2015 là 911.100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính tổ chức đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách 5 năm 2011 - 2015 và xây dựng kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020, đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách, kiểm soát chặt chẽ và giảm nợ công, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Năm 2015 là nắm rất quan trọng, năm cuối cùng phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011- 2015, là năm bản lề để tạo tiền đề thực hiện kế hoạch 2016- 2020. Năm 2015, bên cạnh những thời cơ thuận lợi cũng còn nhiều khó khăn thách thức, ngành tài chính sẽ phát huy truyền thống đoàn kết chung sức đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính- ngân sách nhà nước đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao”.

Trước mắt, ngành sẽ tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong thời gian từ nay đến tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về giá, gây biến động giá bất thường, nhất là giá các mặt hàng thiết yếu thuộc danh mục bình ổn giá, danh mục phải đăng ký giá và các mặt hàng quan trọng.

Đến hết năm 2015 các Tập đoàn, Tổng công ty phải thực hiện thoái vốn hơn 20.000 tỷ đồng

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến tháng 11/2014, đã có 90/108 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước được cấp thẩm quyền phê duyệt đề án tái cơ cấu. Trong 11 tháng năm 2014, cả nước đã sắp xếp được 177 doanh nghiệp, trong đó, cổ phần hóa 115 doanh nghiệp, thực hiện sáp nhập 62 doanh nghiệp. Các Tập đoàn, Tổng công ty đã tập trung thực hiện tái cơ cấu 3 mục tiêu về tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp, về tài chính, về quản trị, lao động. Việc thoái vốn đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm như: chứng khoán, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư cũng đạt những kết quả khả quan, với tổng vốn đầu tư đã thoái trong 10 tháng năm 2014 là 2.415 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2013. Như vậy, từ nay đến hết năm 2015 các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước còn phải thực hiện thoái vốn khoảng 20.089 tỷ đồng.