AEC: Cơ hội để doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực

(VOH) - Ngày 31/12/2015 là cột mốc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập.

Khi trở thành một thực thể kinh tế chung, ASEAN sẽ là nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới với GDP đạt 2.400 tỷ USD, thương mại nội khối ASEAN lên tới gần 609 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng thương mại của khu vực và có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2050 nếu xu hướng này tiếp tục phát triển. Đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng trong khu vực.

Bắt tay nhau

Hiện tại, đa số doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhìn nhận Cộng đồng Kinh tế ASEAN như là cơ hội tiếp cận thị trường, gia tăng xuất khẩu trong khi lợi ích này trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN là tương đối hạn chế. Thậm chí có doanh nghiệp nhìn nhận Cộng đồng Kinh tế ASEAN giống như Liên minh Châu Âu (EU).

Theo các chuyên gia, đây là một cách hiểu sai. Bởi các nước ASEAN là không đặt mục tiêu trở thành tổ chức siêu quốc gia, không có đồng tiền chung, chính sách kinh tế, tiền tệ chung vì các nước ASEAN có các cấu trúc chính trị và văn hóa khác nhau.

"Việc tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN cũng là một cơ hội lớn nếu chúng ta biết liên kết với các doanh nghiệp trong cộng đồng ASEAN để xuất khẩu, trở thành một đối trọng mạnh với Trung Quốc và đi vào thị trường Nhật, châu Âu, Mỹ,…thì đó là một thắng lợi. Đã vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN thì doanh nghiệp bắt buộc phải bắt tay trong cộng đồng với nhau", ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, chia sẻ.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN là cơ hội để doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực. Ảnh minh họa: Vietnam+

Kết nối thị trường

Kết nối một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất mới là mục tiêu chính của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, là lợi ích dài hạn mà các doanh nghiệp ASEAN cần nhắm đến. Một thị trường hàng hóa và cơ sở sản xuất duy nhất sẽ thúc đẩy phát triển mạng lưới sản xuất trong khu vực, nâng cao năng lực của ASEAN với vai trò là một trung tâm sản xuất đáp ứng yêu cầu đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm WTO thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: "Trong ASEAN thì tính cạnh tranh và tương đồng khá cao. Hiện nay, tỷ lệ xuất khẩu của Việt Nam sang các nước trong khối ASEAN chỉ từ 12 - 14%. Chúng ta đang nhập siêu từ khu vực này, việc tăng xuất khẩu là không đơn giản. Mặc dù ASEAN là khu vực gần, có lợi thế về khoảng cách nhưng lại có sự tương đồng và cạnh tranh rất cao trong khu vực. Trong khu vực, có lẽ chúng ta hợp tác để kết nối và tạo thành chuỗi giá trị trong khu vực và nâng cao chuỗi giá trị này để cạnh tranh với các khu vực khác thì có lẽ chúng ta sẽ thành công hơn là chúng ta cạnh tranh thị trường trực tiếp".

Hội nhập là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam chưa thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tận dụng tốt cơ hội này.

Sự tham gia của doanh nghiệp Việt vào chuỗi giá trị toàn cầu được đánh giá là thấp so với các nước có nền kinh tế cùng quy mô tương tự trong khu vực Đông Nam Á. Các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn trong việc di chuyển lên chuỗi giá trị nên đã tạo ra 2 tầng doanh nghiệp tách biệt đó là doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

"Nguyên nhân của thực trạng trên, trước hết là do sự thiếu chủ động nắm bắt thông tin từ phía doanh nghiệp. Tuy nhiên, thiếu thông tin cụ thể, thiếu những hướng dẫn rõ ràng, thiếu các đầu mối giải thích cam kết, được cho là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng và nắm bắt các cơ hội to lớn mà các cam kết quốc tế mang lại.

Doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thể tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu, nguyên nhân chính được các doanh nghiệp cho biết là do họ có quy mô quá nhỏ, và chưa tiếp cận được công nghệ phù hợp. Hiện tại, số doanh nghiệp quy mô lớn và vừa chỉ chiếm 4% trong số 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động, còn lại là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ", bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, lý giải.

Khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức thành lập, sẽ hình thành một khu vực hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế thế giới, giúp ASEAN có thể cạnh tranh thành công trên thị trường toàn cầu, đạt được mục đích sản xuất, trở thành nơi cung ứng quan trọng cho thị trường quốc tế, đồng thời bảo đảm thị trường ASEAN có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Các quốc gia thành viên ASEAN cũng nhất trí tham gia nhiều hơn nữa vào mạng lưới cung ứng toàn cầu bằng việc nâng cao năng suất và hiệu quả. Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ trở thành tâm điểm của ASEAN với vai trò chủ động tham gia cùng các đối tác thương mại tự do của ASEAN và đối tác kinh tế bên ngoài trong việc đổi mới cấu trúc khu vực.

Cải cách thể chế...

Để có sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp trong cộng đồng ASEAN, Việt Nam cần cải cách thể chế, làm sao để môi trường đầu tư tại Việt Nam được thông thoáng và tương đồng với các nước trong khu vực. Cùng với đó, Nhà nước cần đầu tư mạnh vào hạ tầng kết nối như: giao thông, viễn thông, logistic… Nhưng điều quan trọng nhất là từng doanh nghiệp phải tìm được đối tác của mình, biết năng lực lõi của mình ở đâu để hợp tác với các doanh nghiệp khác tạo ra sức cạnh tranh lớn hơn. "Một vấn đề cần quan tâm nữa, đó là sự đồng bộ về quản trị, công nghệ của các doanh nghiệp ở các nước, nếu không thì sẽ khập khiễng với nhau. Điều này đòi hỏi ngay chính doanh nghiệp của mình phải vươn tầm trong quản trị, đào tạo trong nguồn nhân lực,… tất cả những vấn đề đó phải ngang bằng thì kết hợp với nhau mới được", ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty VISSAN, nói.

Thời gian nước rút trong lộ trình hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN không còn nhiều. Để tận dụng được những cơ hội từ hội nhập mang lại, doanh nghiệp phải tích cực, chủ động hơn nữa trong nắm bắt thông tin để có thể tự tin và tham gia một cách có hiệu quả vào sân chơi khu vực./.