Bản tin bất động sản hôm nay 20/11: Bình Thuận công bố địa điểm quy hoạch cảng du thuyền quốc tế

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 20/11 có những nội dung: Hàng loạt ông lớn bất đông sản muốn cải tại chung cư cũ Hà Nội; Thị trường căn hộ Tây Hà Nội sôi động về cuối năm…

Căn hộ trung tâm TPHCM chạm ngưỡng 300 triệu đồng/m2, giá đất tăng cao kỷ lục

Thị trường địa ốc TPHCM luôn được các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước đánh giá có rất nhiều triển vọng và tiềm năng trong khu vực, nhất là sự phát triển của phân khúc cao cấp và hạng sang.

Có nhiều yếu tố khiến giới chuyên gia tin rằng BĐS Tp.HCM sẽ còn bùng nổ trong tương lai. Từ thế hệ dân số "vàng", tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa, dòng vốn nước ngoài chảy vào BĐS…cho tới sự bùng nổ của tầng lợp trung lưu và giàu có. Điều này tạo nên sự hấp dẫn của BĐS Tp.HCM so với các thành phố lớn trong khu vực.

Báo cáo mới nhất của JLL, cho thấy thị trường căn hộ đã thiết lập một mặt bằng giá mới. Đã xuất hiện một dự án căn hộ siêu sang của chủ đầu tư đến từ Hong Kong trên đường Tôn Đức Thắng (Quận 1) được chào bán với giá khoảng 300 triệu đồng/m2. Đây là mức giá căn hộ cao nhất trên thị trường Tp.HCM ở thời điểm hiện tại.

Trước đó, thị trường cũng đã có những dự án căn hộ hạng sang có mức giá hàng trăm triệu đồng mỗi m2 xuất hiện. Chẳng hạn như The Grand Manhattan của Novaland hay dự án The Marq, Alpha City tại Quận 1 có mức giá dao động khoảng 8.000 – 10.000 USD/m2 và những căn hộ phân khúc này cũng được bán khá chạy.

Không chỉ có khu vực lõi trung tâm Sài Gòn, căn hộ có mức giá cao ngất ngưởng mà ngay cả những dự án mới ở khu vực ven trung tâm – nơi đang hình thành nên một trung tâm tài chính, thương mại mới của Tp.HCM là khu Đông cũng đã có những dự án căn hộ mới có mặt bằng giá cao hơn hẳn so với năm ngoái.

Bên cạnh sự tăng giá của căn hộ cao cấp và hạng sang, thị trường còn ghi nhận mức tăng giá đất lên cao kỷ lục trong hai năm qua. Theo khảo sát của một số công ty nghiên cứu thị trường, giá đất Quận 1 đã tăng gấp 2-3 lần so với năm 2017.

Sự tăng giá này là do "cơn sốt" đất tại Tp.HCM bùng phát trong những năm vừa qua, mặt bằng giá đất liên tục được đẩy lên cao do bị đầu cơ thổi giá. Tuy nhiên, sau 2 năm hoành hành đến nay giá đất đã có xu hướng chững lại và giảm đáng kể ở một số điểm nóng như Quận 2, Quận 9,…

Tại quận 1, giá đất đã tăng mạnh 2 – 3 lần trong hai năm qua. Cụ thể, hiện giá đất khu vực này trung bình dao động từ 10.000 – 50.000 USD (khoảng 232 triệu – 1,15 tỉ đồng)/m2, thậm chí có những dự án lên đến 70.000-80.000 USD (khoảng 1,6-1,8 tỉ đồng)/m2. Trong khi đó, năm 2017, mức giá ghi nhận được chỉ khoảng 30.000 USD (khoảng 696 triệu đồng)/m2.

Hàng loạt ông lớn bất đông sản Vingroup, FLC, T&T, Geleximco... muốn cải tại chung cư cũ Hà Nội

Hàng loạt ông lớn bất đông sản Vingroup, FLC, T&T, Geleximco... muốn cải tại chung cư cũ Hà Nội

Tại văn bản số 5621 ngày 30/9/2016 của UBND TP. Hà Nội có đến 18 doanh nghiệp được giao lập quy hoạch chi tiết 1/500 toàn khu chung cư cũ. Trong đó, có không ít những "ông lớn" bất động sản cũng muốn nhảy vào "cuộc chơi này".

Có thể kể đến như Công ty CP Mặt Trời (Sun Group) ghi tên cải tạo 3 khu tập thể: Khu tập thể Kim Liên với 42 nhà cao từ 2-6 tầng; khu tập thể Thanh Xuân Bắc với 61 nhà cao 5 tầng; khu tập thể Thanh Xuân Nam với 8 nhà cao từ 3-5 tầng.

Cty CP Tập đoàn FLC với khu tập thể Kim Giang, với số lượng 68 nhà cao 2-5 tầng.

Tập đoàn T&T với hai khu thuộc Tập thể Bách Khoa với 29 nhà cao 2-5 tầng và Tập thể Đại học Thủy lợi với 12 nhà cao từ 2-5 tầng.

Cty Cổ phần XNK Tổng hợp Hà Nội (Geleximco): Khu tập thể Khương Thượng với diện tích 14,8ha, 30 nhà chung cư cao từ 2-5 tầng.

"Ông lớn" Vingroup cũng đề xuất 5 khu tập thể: Khu tập thể Ngọc Khánh có 58 nhà cao tầng từ 2-5 tầng; khu tập thể Giảng Võ có 22 nhà cao từ 3-5 tầng; khu tập thể Đường Sắt với 9 nhà cao từ 2-5 tầng; khu tập thể 60 Thổ Quan với 6 nhà cao từ 2-5 tầng; khu tập thể xí nghiệp xây lắp H24 với 10 nhà cao từ 2-5 tầng…

Đến cả doanh nghiệp làm thép như Cty CP Tập đoàn Hòa Phát cũng đăng ký cải tạo Khu tập thể Tân Mai với diện tích 20ha, 88 nhà cao từ 2-5 tầng.

Vinaconex cũng muốn cải tạo Khu tập thể thuốc lá Thăng Long với 7 nhà cao tầng từ 2-5 tầng...

Mặc dù có nhiều tên tuổi các ông lớn trong ngành tham gia nhưng tốc độ cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội vẫn khá ì ạch, do vướng mắc ở nhiều khâu.

Đến thời điểm hiện tại, 5 khu chung cư cũ đã được lập xong đồ án quy hoạch chi tiết 1/500, đang được Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định để trình UBND thành phố phê duyệt; 17 đồ án đã được báo cáo tập thể lãnh đạo UBND thành phố về ý tưởng quy hoạch...

Chỉ trong vòng 5 năm giá BĐS nghỉ dưỡng đã tăng gấp ba lần

"Dự án khởi điểm cách đây 5 - 7 năm giá chỉ khoảng 20 triệu đồng/m2. Thời điểm này mua đi bán lại đã lên đến khoảng 50 - 70 triệu đồng/m2", ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam nhấn mạnh.

Theo ông Đính, bất động sản du lịch Việt Nam phát triển trong khoảng gần 10 năm nay, đặc biệt trong 5 năm trở lại đây bùng nổ sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Cũng trong giai đoạn 5 năm trở lại đây, số lượng bất động sản du lịch nghỉ dưỡng hằng năm được tiêu thụ rất mạnh, các dự án được phát triển bắt đầu có sự bùng nổ đặc biệt là tại các vùng có lợi thế cảnh quan, ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Quảng Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận....

"Có những năm thống kê lên tới hàng vạn sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng được tiêu thụ. Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay lượng tiêu thụ bắt đầu ít đi. Tại sao lại như thế?"- ông Đính đặt câu hỏi.

"Có thể thấy, 5 năm trước, bất động sản nghỉ dưỡng có giá bán rất thấp, khi ấy các nhà đầu tư tham gia thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tạo mức sinh lợi ở giá bán. Nhưng trong 5 năm qua, theo thống kê của chúng tôi, giá bán bất động sản nghỉ dưỡng lên tới 100%. Dự án khởi điểm cách đây 5 - 7 năm giá chỉ khoảng 20 triệu đồng/m2. Thời điểm này mua đi bán lại đã lên đến khoảng 50 - 70 triệu đồng/m2.

Cũng theo ông Đính, hiện nay khi giá BĐS nghỉ dưỡng đã cao khả năng đầu tư hưởng lợi từ giá không nhiều chính vì vậy các nhà đầu tư cần quan tâm đến tiềm năng khai thác của sản phẩm đầu tư.

Bình Thuận công bố địa điểm quy hoạch cảng du thuyền quốc tế

Với mục tiêu trở thành điểm đến du lịch hàng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Bình Thuận đã lên chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng để làm bàn đạp đẩy mạnh các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, thể thao biển, giải trí… Cụ thể, sau khi nghiên cứu thủy văn, các tiêu chí về xây dựng, khai thác du lịch, giao thông kết nối, khả năng thu hút vốn của các nhà đầu tư…, lãnh đạo tỉnh thống nhất chọn vị trí xây dựng cácbến du thuyền tại 19 điểm trên địa bàn.

Công văn số 1898/UBND-KGVX ngày 23/05/2017 của UBND Bình Thuận quy hoạch rất rõ số lượng và vị trí các bến du thuyền, phục vụ cho khách nội địa lẫn quốc tế. Theo đó, TP. Phan Thiết sẽ có 7 bến du thuyền, Tuy Phong, Bắc Bình, Lagi có 3 bến ở mỗi huyện thị,Hàm Thuận Nam (khu vực Kê Gà) có 2 bến, Hàm Tân có 1 bến.

Đà Nẵng mua lại lô “đất vàng” của Vietnam Airlines ở Công viên 29-3

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố đang đàm phán mua lại lô đất số 27, đường Điện Biên Phủ để làm công viên.

Lô đất đất số 27 trước đây thành phố Đà Nẵng đã bán cho Tổng Công ty hàng không Việt Nam.

Trước đây, nhà và đất tại số 27 đường Điện Biên Phủ, nằm trong khuôn viên Công viên 29/3 thành phố Đà Nẵng thuộc sở hữu nhà nước, do Công ty Công viên cây xanh quản lý. Tháng 6 năm 2009, UBND thành phố Đà Nẵng đồng ý bán nhà và đất này cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam diện tích khoảng 5.300m2 với giá hơn 51 tỷ đồng. Công ty này được giảm 10% tiền sử dụng đất do nộp tiền một lần trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng. Khu đất này được sử dụng xây dựng trụ sở văn phòng trung tâm dịch vụ hàng không.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố có chủ trương mua lại lô đất này bằng cách hoán đổi một lô đất khác nhưng chủ đầu tư không đồng ý. Hiện tại, qua đàm phán, phía chủ đầu tư đã thống nhất trả lại cho thành phố. Tuy nhiên, do đây là doanh nghiệp nhà nước, theo quy định quá trình xử lý thu hồi đất đối với cơ quan nhà nước phải có ý kiến của cơ quan thầm quyền.

Theo ông Huỳnh Đức Thơ thành phố lấy lại khu đất này để làm công viên: “Lô đất ở Công viên 29-3 trước đây bán cho Tổng Công ty hàng không Việt Nam để làm trụ sở của Tổng Công ty hàng không. Phía Tổng công ty hàng không Việt Nam cũng thống nhất bán lại để thành phố làm công viên. Nhưng giải quyết thế nào thì thành phố tiếp tục làm. Bởi vì, trước đây giao đất không đúng, quy trình định giá thủ tục không đúng. Xử lý những vấn đề liên quan đến đất đai của công ty Nhà nước phải có ý kiến của cơ quan chủ quản.”

Người nước ngoài được phép mua nhà ở 16 dự án tại Hà Nội

Sở Xây dựng TP.Hà Nội vừa công bố danh sách các dự án nhà ở thương mại đảm bảo về an ninh, quốc phòng cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu trên địa bàn.

Cụ thể, tại quận Long Biên có 3 dự án là: Khu nhà ở xã hội tại ô đất B8.NXH của Công ty CP phát triển nhà Phúc Đồng; CT15 Việt Hưng, Khu đô thị mới Việt Hưng, của Liên danh CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam và Công ty CP Đầu tư NNP; Mipec Riverside do Công ty CP Hóa dầu Quân đội làm chủ đầu tư.

Tại quận Cầu Giấy có 2 dự án là Dreamland Plaza của Liên danh Công ty CP Xây lắp Giao thông công chính và Công ty CP đầu tư bất động sản Vinaland; Công trình hỗn hợp nhà ở, văn phòng và trung tâm thương mại tại 265 Cầu Giấy của Liên danh Công ty CP Hóa chất và vật tư khoa học kỹ thuật và Công ty CP Tập đoàn FLC.

Tại quận Hà Đông có 4 dự án gồm: Khu nhà ở Ngân Hà Vạn Phúc (TSQ Galaxy 1) do Công ty CP thương mại và đầu tư Toàn Cầu GTC làm chủ đầu tư; Khu nhà ở Him Lam Vạn Phúc do Công ty CP thương mại và đầu tư Toàn Cầu GTC làm chủ đầu tư; Khu chung cư quốc tế Hoàng Thành City của Công ty CP đầu tư và phát triển hạ tầng Hoàng Thành; Nhà ở chung cư để bán cho cán bộ, chiến sĩ công an TP Hà Nội do Công ty CP thương mại và đầu tư Linh Châu làm chủ đầu tư.

Tại quận Thanh Xuân có 2 dự án gồm: Khu nhà ở thấp tầng để bán tại số 2A, ngõ 85 phố hạ Đình của Công ty CP Thi công cơ giới xây lắp; PCC1 Thanh Xuân tại số 44 Triều Khúc của Công ty CP Cơ khí ô tô Hòa Bình.

5 dự án còn lại người nước ngoài được phép mua nhà trên địa bàn TP.Hà Nội gồm: Dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch tại xã Ninh Hiệp (quận Gia Lâm) của Công ty TNHH Tập đoàn thương mại Tuấn Dung; Goldmark City (quận Bắc Từ Liêm) của CTCP thương mại quảng cáo, xây dựng, địa ốc Việt Hân; Nhà ở cao tầng kết hợp hành chính đơn vị ở tại ô đất NO-CT2 thuộc dự án Hải Đăng City (quận Nam Từ Liêm), do CTCP Đầu tư địa ốc Hải Đăng làm chủ đầu tư.

Dự án xây dựng lại khu tập thể 30A Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) của CTCP Tư vấn đầu tư tài chính Toàn Cầu; và dự án Tổ hợp văn phòng, căn hộ và biệt thự tại 16 Láng Hạ (quận Ba Đình) của Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Phương Đông cũng là những dự án cho phép người nước ngoài mua nhà.

Thị trường căn hộ Tây Hà Nội sôi động về cuối năm

Một số khu vực như quận Thanh Xuân có mức tiêu thụ căn hộ tăng nhiều lần so với quý trước, theo JLL Việt Nam.

Với các tuyến đường huyết mạch như Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, Thanh Xuân là khu vực có tốc độ phát triển hạ tầng, đô thị hóa nhanh. Bên cạnh đó, quỹ đất còn nhiều dự địa khiến khu vực trở thành tâm điểm đầu tư của các dự án nhà ở.

Theo JLL Việt Nam, trong quý III/2019, thị trường bất động sản Hà Nội chứng kiến cầu vượt cung. Lượng căn hộ tiêu thụ tại Hà Nội tăng 67% so với quý trước, dẫn dắt bởi nguồn cầu mua ở thực. Xét theo địa bàn, khu vực phía Tây thành phố dẫn đầu với lượng tiêu thụ tăng gấp 4 lần so với quý trước.

Nguồn cung phân khúc cao cấp hạn chế. Trong khoảng 6.400 căn hộ chào bán trên thị trường chỉ có 850 căn đến từ 4 dự án mới. Giá sơ cấp đạt 1.473 USD mỗi m2 (khoảng 34 triệu đồng), chủ đầu tư đẩy mạnh giải phóng các dự án căn hộ có diện tích lớn.

Một số chuyên gia cho rằng, về cuối năm khách hàng tăng mua căn hộ vì tâm lý mua nhà đón Tết. Vì vậy, giá căn hộ cao cấp tại Thanh Xuân bàn giao với tiện ích hoàn thiện có mức giá tăng nhẹ so với thời điểm quý ba.

Thanh Hoá: Xây khu nhà ở xã hội rộng 2,4ha

Theo phê duyệt, khu đất thực hiện dự án có phía Tây Bắc giáp đường Đông Bắc 4; Phía Tây Nam giáp đường Voi – Sầm Sơn; Phía Đông Nam giáp đất nông nghiệp; Phía Đông Bắc giáp đất nông nghiệp.

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp tại phường Quảng Thành, TP.Thanh Hóa.

Theo phê duyệt, khu đất thực hiện dự án có phía Tây Bắc giáp đường Đông Bắc 4; Phía Tây Nam giáp đường Voi – Sầm Sơn; Phía Đông Nam giáp đất nông nghiệp; Phía Đông Bắc giáp đất nông nghiệp.

Tổng diện tích khu đất thực hiện dự án rộng 24.518m2; trong đó, diện tích xây dựng nhà chung cư là 19.615m2(chiếm tỷ lệ 80%); Diện tích xây dựng nhà ở thương mại thấp tầng là 4.902m2 (chiếm tỷ lệ 20%).

Xây khu đô thị rộng 61ha tại huyện Hoằng Hóa và TP.Thanh Hóa

Khu đô thị gồm các khu chức năng: Khu dịch vụ thương mại; Khu công trình công cộng; Khu ở dân cư (nhà ở chia lô, biệt thự, tái định cư…); Khu công viên, thể dục thể thảo; Khu nhà ở xã hội…

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị Bắc sông Mã thuộc địa giới hành chính xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa và các xã Hoằng Quang, Hoằng Đại, TP.Thanh Hóa.

Theo phê duyệt, Khu đô thị Bắc sông Mã có quy mô lập quy hoạch 610.016m2 (tương đương 61ha); Dân số dự kiến khoảng 7.000 - 8.000 người

Khu đô thị này có phía Bắc giáp đường giao thông (quy hoạch là đường giao thông); Phía Nam giáp đất nông nghiệp (quy hoạch là đường giao thông); Phía Đông giáp đường quy hoạch vành đai 3; Phía Tây giáp đất nông nghiệp (quy hoạch là Đại lộ Bắc sông Mã).

Khu đô thị gồm các khu chức năng: Khu dịch vụ thương mại; Khu công trình công cộng; Khu ở dân cư (nhà ở chia lô, biệt thự, tái định cư…); Khu công viên, thể dục thể thảo; Khu nhà ở xã hội và các khu chức năng đô thị.

Để thực hiện dự án, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu liên danh Công ty cổ phần thương mại đầu tư Đại Lợi và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh thương mại Đỗ Gia có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ bản vẽ, gửi Sở Xây dựng đóng dấu lưu trữ theo quy định; phối hợp với UBND TP.Thanh Hóa, UBND huyện Hoằng Hóa công bố công khai nội dung đồ án theo quy định tại khoản 3 Điều 53 của Luật Quy hoạch đô thị.

Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp với nội dung đồ án quy hoạch chi tiết Khu đô thị Bắc sông Mã thuộc địa giới hành chính xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa và các xã Hoằng Quang, Hoằng Đại, TP.Thanh Hóa…

Thị xã Cửa Lò đề xuất thu hồi 6 dự án chậm tiến độ

Sau khi được UBND tỉnh Nghệ An cho phép gia hạn thời gian 2 năm đối với 14 dự án chậm tiến độ kéo dài trên địa bàn TX Cửa Lò, đến nay đã hết hạn mới chỉ có 3 dự án hoàn thành, số còn lại vẫn “án binh bất động”. UBND TX Cửa Lò đã có đề xuất lên UBND tỉnh Nghệ An thu hồi 6 dự án trong số đó.

Trao đổi với báo đầu tư, Phó chủ tịch UBND TX Cửa Lò, ông Võ Văn Hùng cho biết, sau khi TX Cửa Lò tiến hành kiểm tra và có báo cáo về tiến độ thực hiện của các dự án đầu tư đã được kiểm tra, cho gia hạn, điều chỉnh tiến độ từ năm 2012 đến 2019, thị xã đề xuất thu hồi 6 dự án chậm triển khai.

“Những dự án này gần như là án binh bất động kể cả sau khi được UBND tỉnh áp dụng chính sách cho gia hạn”, ông Hùng nói.

Theo rà soát của UBND TX Cửa Lò đối với 14 dự án đã được UBND tỉnh cho gia hạn trong nhiều năm qua, đến giữa tháng 11/2019, chỉ có 3 dự án hoàn thành, còn lại nhiều dự án không triển khai hoặc tiến độ chậm.

“Bộ sưu tập” Bất động sản tại Novaland Expo 2019 - Cơ hội lớn cho nhà đầu tư  - Triển lãm Bất động sản Novaland Expo tháng 12 (từ ngày 4-8/12/2019) không chỉ mang đến bức tranh tổng thể thị trường trong nhiều lĩnh vực mà còn là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.
Điểm nổi bật tại triển lãm BĐS Novaland Expo tháng 12 sắp tới?- Triển lãm Bất động sản Novaland Expo từ 4-8/12/2019 hứa hẹn giá trị lâu dài, bền vững từ chuỗi DA BĐS và hệ sinh thái dịch vụ, nâng tầm uy tín với sự tham gia của hơn 40 đối tác chiến ...