Cần cải thiện năng suất lao động của Việt Nam

(VOH) - Nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của người Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương.

Năng suất làm việc của người Việt đứng chót bảng. (ảnh minh họa: vnmedia)

Ngay cả so với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, đó vẫn là một khoảng cách lớn. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc Hội khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội, nhiều đại biểu đã đưa ra bàn thảo vấn đề này và cho rằng Chính phủ cần mổ xẻ vì sao năng suất lao động của Việt Nam đứng cuối bảng trong khu vực, từ đó tìm giải pháp để có năng suất cao nhất.

Sự chủ động của TPHCM

Để nâng cao năng suất lao động, TPHCM đã có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là ứng dụng khoa học kỹ thuật. Doanh nghiệp tham gia chương trình được nhận ưu đãi về chi phí chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, sản xuất thử nghiệm; vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước; ưu đãi về thuế; hỗ trợ xúc tiến thương mại và phát triển thị trường. Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM : “Theo chỉ đạo của Ủy Ban, năm nay , Sở sẽ đánh giá hiện trạng năng suất lao động của các doanh nghiệp nhà nước và chỉ tiêu là năm sau phải tăng năng suất đó. Sở cũng tạo cơ hội để kết nối doanh nghiệp với các tổ chức, cá nhân có khả năng tư vấn trong lĩnh vực KHCN để giúp DN có chương trình phù hợp”.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ và chất lượng nước, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn đã nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu doanh nghiệp giai đoạn 2012 – 2015. Ông Trần Hưng Thành, Phó trưởng phòng kỹ thuật, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn : “Được sự hỗ trợ của Sở KHCN, chúng tôi đổi mới trang thiết bị, công nghệ gần như toàn bộ. Chúng tôi đang nghiên cứu lựa chọn nguồn nước khác trong trường hợp chất lượng nước sông Sài Gòn và Đồng Nai xấu hơn. Bên cạnh đó, để nâng cao năng suất lao động, vấn đề quan trọng nhất là đào tạo nguồn nhân lực. Tổng công ty thành lập trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ cấp nước để nâng cao tay nghề và kỹ năng của người lao động”.

Nhiều doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất trong quá trình thực hiện chương trình hỗ trợ của TP. Đơn giản có thể chỉ là tiết kiệm năng lượng từ bố trí công việc, sắp xếp sản xuất phù hợp hoặc sử dụng đúng năng suất máy móc thiết bị. Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc trung tâm tiết kiệm năng lượng : “Có những đơn vị làm rất thành công. Cách đây khoảng 7 năm, tại Saigontourist chi phí năng lượng chiếm khoảng 20% chi phí sản xuất, hiện nay chi phí này chỉ khoảng 12%. Tiết kiệm năng lượng bản chất đi đến tận cùng chỉ là bài toán đổi mới công nghệ và quản trị sản xuất, chứ không ai nói tắt bớt bóng đèn là tiết kiệm năng lượng. Chúng ta chỉ cần xếp sản xuất sang giờ thấp điểm hoặc trong quá trình sản xuất đa số thiết bị máy móc chạy non tải… Như vậy lãng phí !  Nếu tổ chức sản xuất tốt có thể tiết kiệm được”.

Cần thêm cơ chế, chính sách

Nhà nước, ngành chức năng cần nghiên cứu bổ sung chính sách, luật pháp liên quan đến người lao động nhất là kinh tế ngoài Nhà nước nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động cũng như lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Những chính sách phù hợp sẽ có tác dụng khuyến khích người lao động làm việc có năng suất cao, có thêm thu nhập, hạn chế đình công, lãn công và động viên doanh nghiệp đầu tư máy móc,công nghệ để tạo ra sản phẩm mới chất lượng. Bà Huỳnh Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty An Lạc : “Khoa học công nghệ là vô cùng quan trọng bởi để cạnh tranh đầu tiên phải là công nghệ. Cạnh tranh tập trung vào năng suất, chất lượng và tập trung vào chi phí, mà năng suất chính là sử dụng tốt nhất những gì đang có để tạo ra nhiều của cải vật chất. Người VN mình rất thông minh chỉ có điều vẫn rất tản mát, do vậy mình phải tổ chức lại và nhà nước phải đứng ra tổ chức một cách hệ thống để tạo ra nguồn lực”.

Quốc Hội sẽ thông qua Luật Dạy nghề sửa đổi trong kỳ họp này. Dự thảo luật nhấn mạnh tới sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo lao động thông qua chương trình ưu đãi thuế; góp phần nâng cao năng suất lao động. Đây là chính sách góp phần nâng cao năng suất lao động Việt Nam./.