Cần khắc phục những hạn chế về đội ngũ nhân lực du lịch

(VOH) - Ngày 30/12, Bộ VHTT&DL đã tổng kết công tác Ngành du lịch 2015 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 2016, lãnh đạo ngành du lịch của 63 tỉnh/thành phố họp ở 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.

Còn nhiều hạn chế dù thu vượt chỉ tiêu

Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Du lịch, năm 2015, Việt Nam đón gần 8 triệu lượt khách quốc tế và 57 triệu lượt khách du lịch nội địa. Tuy nhiên, đáng chú ý, riêng trong 6 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế liên tục suy giảm với mức giảm sâu nhất là trên 12% so với cùng kỳ năm 2015. Ở quý III của năm 2015, tình hình đã phần nào được cải thiện nhưng vẫn chưa ngăn được đà suy giảm của lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Trong bức tranh đó, điều đáng mừng là tổng doanh thu từ du lịch 338 ngàn tỷ đồng, vượt chỉ tiêu.

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, là địa phương có thế mạnh về du lịch với doanh thu từ dịch vụ, du lịch đạt trên 44% nguồn thu toàn xã hội. Tuy nhiên, với địa phương có nhiều thắng cảnh, tài nguyên thiên nhiên và di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long, nguồn thu đó hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng.

Về những vướng mắc, cản trở của hoạt động du lịch ở nước ta hiện nay, bà Thủy nêu thực tế: "Chúng ta mong muốn du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chúng ta có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển nhưng tại sao chưa đến được với nhau. Tôi thấy rằng, vấn đề nằm ở tất cả các khâu, khâu nào cũng có một tí. Việc xúc tiến, quảng bá, chúng ta đã làm nhiều, nhưng chúng tôi cũng mạnh dạn nói rằng, công tác xúc tiến này vẫn còn rời rạc và chưa thực sự đầu tư nhiều về các nguồn lực tài chính, nguồn lực nhân lực".

Vịnh Hạ Long - Ảnh: VTV. 

Cần nâng chất lượng nguồn nhân lực

Một số đại biểu còn cho rằng, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam hiện chưa được cải thiện nhiều so với các quốc gia trong khu vực và quốc tế. Ngay như chính Malaysia, Thái Lan, Singapore cũng đã hơn hẳn nước ta. Nguyên nhân được chỉ ra là do nhận thức xã hội về vai trò của du lịch chưa đầy đủ, liên kết giữa các địa phương còn yếu; chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực du lịch còn nhiều hạn chế. Đây chính là yếu điểm của du lịch nước ta, vì đội ngũ nhân lực du lịch là người trực tiếp giới thiệu hình ảnh của du lịch VN với bạn bè quốc tế.

Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam hiện nay chúng ta đang trao đổi nguồn nhân lực qua lại. Chỗ này mới ra thì thu hút nguồn nhân lực, còn chỗ kia sẽ bị thiếu. Tình hình đó cần chúng ta phải có kế hoạch đào tạo ngắn hạn hoặc trung hạn cho phù hợp, vì thực ra chúng ta đang thiếu đội ngũ người phục vụ chứ không thiếu ở vị trí quản lý.

Chúng ta đào tạo rất nhanh nếu các địa phương với các đơn vị đào tạo có sự phối hợp nhịp nhàng. Đặc biệt, kế hoạch đào tạo nhân lực cho sự nghiệp hội nhập ASEAN và hội nhập TPP. Nếu chúng ta không làm được điều này thì chúng ta sẽ khó cạnh tranh nguồn nhân lực trên sân nhà bởi từ năm 2016 nguồn nhân lực du lịch đã bắt đầu di chuyển, tức là họ có quyền sang nước ta làm việc. Nếu chúng ta thiếu ngoại ngữ, thiếu nghiệp vụ thì sẽ thua họ ngay trên sân nhà và họ sẽ đẩy lực lượng lao động nước ta xuống lao động thấp hơn.

Khách du lịch tham gia tour chèo thuyền tại miền Tây Nam bộ - Ảnh: VNE.

Năm 2016, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 60 triệu lượt khách du lịch nội địa, với tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 370 ngàn tỷ đồng. Để đạt con số ấn tượng này, rõ ràng còn nhiều việc cần làm, trong đó, giải pháp then chốt được đặt ra là nâng cao năng lực của bộ máy quản lý ngành, tăng cường công tác xúc tiến quảng bá ở các thị trường truyền thống, tiềm năng; đa dạng hóa và nâng cao, kiểm soát chất lượng dịch vụ; tập trung phát triển hạ tầng du lịch để cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới.