Cắt giảm đầu tư công, cần phải quyết liệt hơn nữa

(VOH) - Trong nhiều thập kỷ qua, đầu tư công ở nước ta được xem là động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của nền kinh tế, là một thành phần quan trọng của tổng cầu xã hội, cũng như góp phần gia tăng tổng cung và năng lực kinh tế. Vai trò đầu tư công ở Việt Nam gắn liền với quan niệm về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa theo yêu cầu phát triển bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.

Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết số 11, ngày 15/10/2011 Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 1792/CT-TTg về “Tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn Trái phiếu Chính phủ”. Từ đây, việc sử dụng vốn ngân sách hợp lý trong việc đầu tư các công trình đã được quán triệt để các địa phương, ban ngành cùng thực hiện. Theo Tổng cục Thống kê, những ước tính ban đầu về hiệu quả đầu tư sau loạt chính sách cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ nhiều dự án đầu tư công đã cho thấy dấu hiệu tốt hơn. Nếu loại trừ yếu tố giá, khối lượng đầu tư thực chất là giảm, trong khi hiệu quả đầu tư thông qua tỷ lệ đầu tư so với GDP và tốc độ tăng trưởng GDP có sự cải thiện.

Mặc dù đầu tư công trong những năm qua đã làm thay đổi đáng kể kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhờ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước nhưng trên thực tế, lĩnh vực đầu tư này chưa mang lại hiệu quả tương xứng với lượng vốn đã bỏ ra. Thời gian vừa qua, do tình trạng đầu tư dàn trải, sai đối tượng hay cùng lúc triển khai quá nhiều các dự án vượt quá khả năng cân đối của nền kinh tế... nên rất nhiều công trình đầu tư dở dang, thời gian hoàn thành và đưa vào sử dụng bị kéo dài. Hệ quả là nhu cầu đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trong 4 năm tới phải ở mức trên 500 ngàn tỷ đồng, trong khi Quốc hội chỉ cho phép mỗi năm phát hành 45 ngàn tỷ đồng. Như vậy, sẽ có rất nhiều dự án bị “treo” lại trong những năm tới.

Chính phủ dự kiến mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2012 là 140.200 tỷ đồng (bằng 4,8% GDP). Nhiều ĐBQH cho rằng, cần quyết liệt cắt giảm bội chi hơn nữa.

Tổng hợp số liệu từ 63 tỉnh thành cho thấy có tới 638 dự án có sử dụng vốn ngân sách không thuộc đối tượng được khởi công mới trong năm 2011 nhưng vẫn được bố trí 1.763 tỷ đồng để thực hiện. Ngoài ra, có đến 2000 dự án khác sử dụng vốn của ngân sách địa phương không thuộc đối tượng được khởi công mới trong năm 2011 vẫn chưa được cắt giảm. Thậm chí, nhiều dự án đáng lẽ phải cắt giảm nhưng kho bạc nhà nước tại tỉnh, thành đã tiến hành giải ngân sớm hoặc địa phương cố tình xin không cắt giảm đối với các dự án đã khởi công hoặc đã làm xong thủ tục đấu thầu trước ngày 24/2/2011. Chính vì sự đầu tư dàn trải, cùng một lúc triển khai thực hiện quá nhiều dự án, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án đang triển khai xây dựng vượt quá khả năng cấp vốn của nền kinh tế... dẫn đến tình trạng đầu tư công kém hiệu quả.

Thực tế cho thấy, việc đầu tư dàn trải kém hiệu quả còn liên quan tới vấn đề nguồn vốn nhà nước vốn eo hẹp lại gặp phải việc quản lý kém, đầu tư không hợp lý, thiếu đầu tư tương xứng cho những ngành có khả năng lan tỏa, dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Ngoài ra, hiệu quả đầu tư công thấp còn chịu ảnh hưởng của cơ chế khép kín, lợi ích cục bộ, địa phương, sự nể nang cảm tính và tư duy nhiệm kỳ; do thiếu minh bạch; chất lượng quy hoạch và lập dự án thấp. Những nguyên nhân gây nên việc thiếu hiệu quả trong đầu tư công đã được nhận biết. Vậy phải làm sao để nâng cao hiệu quả đầu tư công trong thời gian tới?

Trước hết , chúng ta cần chú ý phối hợp bố trí vốn đầu tư công trên cơ sở quy hoạch đầu tư công được xây dựng có chất lượng cao và ổn định; Cần xây dựng bộ tiêu thức phù hợp và chuẩn hóa để tạo căn cứ lựa chọn và thông qua các dự án đầu tư công theo lĩnh vực và yêu cầu đầu tư, mục tiêu kinh tế - xã hội, môi trường, cũng như các lợi ích quốc gia và địa phương, ngành, cụ thể và dài hạn; kiên quyết thẳng tay cắt những dự án đầu tư nếu không đạt các tiêu chí về hiệu quả kinh tế - xã hội và chưa bảo đảm các yêu cầu về thủ tục, tập trung vốn cho các dự án bảo đảm hoàn thành trong hạn định và có hiệu quả cao; cắt giảm các công trình đầu tư công bằng nguồn ngân sách có quy mô quá lớn, chưa thật cấp bách, có thời gian đầu tư dài. Khuyến khích các chủ đầu tư huy động vốn ngoài ngân sách để đầu tư theo phương thức chìa khóa trao tay, có đặt cọc bảo hành - bảo đảm chất lượng công trình; Kiên quyết chống tham nhũng và thực hiện thường xuyên hơn trách nhiệm giải trình trong đầu tư công.

Công khai các thông tin, quy trình, thủ tục, danh mục dự án vận động đầu tư, nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa, quy định về chính sách và các ràng buộc, chế tài nếu nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết. Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các dự án đầu tư công. Ngân sách nhà nước có hạn trong khi nhu cầu phát triển của đất nước rất lớn, nên nhất thiết phải thay đổi quan điểm trong đầu tư, tạo mọi điều kiện, cơ chế, chính sách để khuyến khích các nguồn lực trong nhân dân, trong doanh nghiệp, trong các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Vốn Nhà nước chỉ nên tập trung cho các vấn đề trọng yếu, then chốt, đột phá của đất nước. Nếu các nỗ lực cải cách này được duy trì và thành công, năm 2012 sẽ là một năm kích thích đầu tư phát triển, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế, an sinh xã hội. Đây cũng là mong muốn và kỳ vọng của người dân Việt Nam dịp đầu năm 2012 này.