Cổ phần hóa và định vị thương hiệu

(VOH) - Dù tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn TPHCM năm qua theo đúng kế hoạch, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn trong tình trạng chưa xác định vai trò của mình nhất là khi năm 2015, Hiệp định thương mại tự do mới (FTA) cũng như khu vực cộng đồng chung ASEAN được hình thành sẽ tạo áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn.

Giữ thương hiệu khi cổ phần hóa

Theo kế hoạch, năm 2015 thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục cổ phần hóa 21 doanh nghiệp, đồng thời thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành hơn 3.600 tỉ đồng... Cổ phần hóa là việc phải làm, thậm chí phải làm quyết liệt khi ngay từ đầu năm các tổng công ty phải ký cam kết đảm bảo tiến độ. Nhưng điều được chú ý nhiều nhất trong lúc này là câu chuyện giữ thương hiệu khi tiến hành cổ phần hóa.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, nhấn mạnh: "Không thể không xác định thương hiệu được. Thương hiệu chúng ta là thương hiệu tốt, cần xác định để định giá thương hiệu và không để thương hiệu mất đi. Kế cả doanh nghiệp nước ngoài khi vào cổ phần hóa thì thương hiệu của Việt Nam vẫn phải giữ. Có thể nay mai là 30%, 40% vốn nước ngoài,... nhưng thương hiệu là thương hiệu Việt, phải duy trì".

Trong quá trình cổ phần hóa, các doanh nghiệp cần phải định vị thương hiệu trong từng lĩnh vực, việc đứng ở vị trí nào, xác định rõ doanh nghiệp mình chiếm bao nhiêu thị phần trong lĩnh vực, để từ đó nếu cổ phần hóa thì bán bao nhiêu tỷ lệ phần trăm giá trị doanh nghiệp - dưới 50% hay trên 50% và Nhà nước có cần nắm giữ vai trò chi phối ? Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh nêu ví dụ: "Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), đây là doanh nghiệp nhà nước có thương hiệu rất lớn. Saigontourist cần định vị giá trị thương hiệu trên thị trường du lịch trong tương lai đối với Việt Nam, đối với ASEAN như thế nào, nhà nước có vai trò như thế nào.. trước khi bàn chuyện bán bao nhiêu cổ phần. Hay như Satra, Co.opmart cần phải hợp tác đầu tư để có vị trí trên thị trường bán lẻ Việt Nam. Đó là quan điểm chiến lược đối với thành phố. Hay Tổng công ty Nông nghiệp, chính yếu bây giờ là nông nghiệp kỹ thuật cao theo hướng tái cấu trúc nông nghiệp thành phố. Tất cả những cái đó để chúng ta định hình lộ trình để làm".

Ảnh minh họa - Nguồn: VCCI.

Giữ lại những ngành trọng yếu

Năm 2015 là hạn cuối để thực hiện kế hoạch hoàn thành cổ phần hóa 31 doanh nghiệp của TPHCM theo phê duyệt của Thủ tướng trong giai đoạn 2013- 2015. Quan điểm của Uỷ ban Nhân dân thành phố là tuân thủ theo Quyết định 37 của Chính phủ về cổ phần hóa doanh nghiệp, chỉ có ngoại lệ đối với hai trường hợp là Công viên Phần mềm Quang Trung và Khu Công nghệ cao, vì đây là những lĩnh vực quan trọng, ngành mới cần vốn nhà nước để thực hiện. Đối với doanh nghiệp công ích, Thành phố cho rằng phải cổ phần hóa hết. Lĩnh vực nào dùng nhiều vốn nhà nước thì càng phải cổ phần hóa để nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý tốt hơn, tạo cơ chế cạnh tranh và tránh được tình trạng tiêu cực.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: "Một số doanh nghiệp mà thành phố phải giữ lại để phát triển với vai trò dẫn dắt thị trường, doanh nghiệp như: Công viên phần mềm Quang Trung hay Khu Công nghệ cao,… Đây là những ngành mới và mang tính trọng yếu của thành phố. Giữ lại những ngành này để hình thành những doanh nghiệp đầu đàn, dẫn dắt quá trình chuyển đổi tái cấu trúc kinh tế. Đặc biệt, những doanh nghiệp này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của TP "

Năm 2015 thành phố sẽ đẩy mạnh tiến độ thoái vốn, hoàn thành trước kế hoạch đề ra và xem xét điều chỉnh tỷ lệ thoái phù hợp với thực tế tại các doanh nghiệp. Trong quý I, các doanh nghiệp có kế hoạch thoái vốn hơn 856 tỷ đồng, quý II hơn 1.126 tỷ đồng, quý III khoảng 1.236 tỷ đồng và quý IV gần 352 tỷ đồng. Vốn thu được do thoái vốn được sử dụng để tăng cường nguồn lực tài chính cho hoạt động kinh doanh, các dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh chính của doanh nghiệp, tập trung vào đổi mới công nghệ, máy móc, đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ quản lý của doanh nghiệp.

Năm 2015 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm kết thúc mục tiêu nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa giai đoạn 2013- 2015 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài một số yếu tố thuận lợi khi các doanh nghiệp đã khởi động từ 2013- 2014, quá trình thực hiện ít nhiều đúc kết được kinh nghiệm… tuy nhiên, vẫn tồn tại không ít vướng mắc khó khăn. Điều này đòi hỏi phải có quyết tâm của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và sự điều hành chỉ đạo quyết liệt của UBND TP mới hy vọng hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa trong năm nay.