ĐBSCL - Cần liên kết để thu hút FDI

(VOH) - Trong những năm đầu mở cửa, việc mời gọi nhà đầu tư nước ngoài (FDI) quan tâm đến Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với sức hấp dẫn của vùng nguyên liệu nông sản, nguồn nhân công rẻ... đã thu hút sự quan tâm của không ít nhà đầu tư. Tuy nhiên, do không có sự gắn kết chặt chẽ giữa các địa phương, vùng ĐBSCL ngày một tụt lại phía sau so với một số vùng khác, nhất là vùng Đông Nam bộ cận kề.
Mỗi năm,Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 22% GDP của cả nước. Ảnh: VOV

Nếu tính lũy kế từ năm 1988 đến năm 2013, các tỉnh ĐBSCL thu hút đầu tư nước ngoài được 830 dự án còn hiệu lực với tổng vốn hơn 11 tỷ USD, chỉ bằng 4,9% so với cả nước. Phần lớn dự án thu hút được tập trung ở Long An với trên 490 dự án, kế đến là Kiên Giang khoảng 35 dự án. Nguyên nhân tỷ lệ đầu tư thấp là do hạ tầng giao thông còn kém, đầu tư công hạn chế, thiếu động lực, lao động qua đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư, thiếu liên kết chặt chẽ giữa các địa phương để phát huy thế mạnh... Vì vậy, mặc dù là “điểm sáng” ở thời kỳ đầu, nhưng ĐBSCL trong nhiều năm nay lại là “vùng trũng” trong bản đồ thu hút đầu tư nước ngoài của cả nước.

Nhiều hoạt động chung thu hút FDI đã và đang được thực hiện giữa các tỉnh trong vùng cùng sự tham gia của các bộ, ngành trung ương như: Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL được tổ chức hàng năm; các Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch vùng ĐBSCL thay cho các hoạt động riêng lẻ, chồng chéo của các tỉnh; nhằm tăng cường thu hút FDI theo định hướng chung. Ông Nguyễn Hữu Đệ, Phó Giám đốc Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ cho biết: "Chúng tôi muốn kêu gọi những đầu tư để đầu tư ở các cơ sở chế biến hay là đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng, nhất là trong lĩnh vực của các luồng lạch trong hệ thống phát triển các cảng biển, cảng sông, hay là cảng cạn và các hệ thống đường bộ, đường giao thông như thế nào để có thể kết nối các tour tuyến du lịch. Chúng tôi rất quan tâm trong lĩnh vực hạ tầng du lịch hay logistic để giúp cho các chuổi cung ứng của ngành như chuổi gạo, thủy sản hay chuổi trái cây của khu vực được phát triển".

Theo định hướng phát triển ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 mà Chính phủ đã phê duyệt, thì ĐBSCL sẽ là vùng sản xuất nông sản lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, là vùng kinh tế phát triển năng động, ổn định, có môi trường đầu tư nước ngoài thuận lợi. Để là được điều này, ĐBSCL đã có những chuyển biến tích cực nhằm tìm kiếm phương thức hợp tác để vừa thúc đẩy lợi thế chung vừa khai thác lợi thế riêng của từng tỉnh. Bến tre là tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, tuy nhiên, từ thực tế này, tỉnh này đã có chính sách thu hút đầu tư hợp lý cho từng ngành, lĩnh vực và đã vươn lên top 6 trong 63 tỉnh, thành cả nước về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, được đánh giá rất tốt. Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre, bày tỏ: "Bến tre có 3 thế mạnh chính là dừa, thủy sản và phát triển du lịch, hiện nay Bến Tre cũng ưu tiên kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực đó, và đặc biệt là các hạ tầng khu cụm công nghiệp là mối quan tâm đầu tiên. Vì nếu mình muốn thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, thì phải có hạ tầng, có quỹ đất sạch. Bến Tre mong muốn tìm được các nhà đầu tư về hạ tầng các khu cụm công nghiệp. Tỉnh Bến Tre do là tỉnh có điều kiện KTXH khó khăn và đặc biệt khó khăn nên chính sách ưu đãi của mình thuộc loại cao nhất".

Để tạo sức hút mới từ những dự án đầu tư, tỉnh Vĩnh Long cũng đã có nhiều chính sách mới, vừa mang tính cấp thiết, vừa mang tính bền vững lâu dài nhưng vẫn tạo được nét riêng. Ông Phạm Thành Khôn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long, nói: "Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Long vừa thông qua đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thủy sản Vĩnh Long trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, và Vĩnh Long cũng đã xây dựng được các danh mục dự án mời gọi đầu tư tập trung chủ yếu là lĩnh vực chế biến mặt hàng nông sản và phát triển hạ tầng. Bên cạnh đó, Vĩnh Long cũng đã đưa ra các chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư các vấn đề về quy hoạch, xây dựng dự án, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ về đào tạo…đây là một số chính sách, đặc biệt Vĩnh Long đưa ra với kỳ vọng những chính sách hỗ trợ này sẽ giúp cho các nhà đầu tư quan tâm hơn nhiều đến Vĩnh Long".

Lợi thế của ĐBSCL không chỉ với các sản phẩm nông nghiệp mà còn là từ vị trí địa lý chiến lược. Đó là thế mạnh để phát triển kinh tế biển; từ đảo ngọc Phú Quốc đến tuyến hàng hải quốc tế rất gần, tuyến hành lang kinh tế trong Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng; liền kề với TP Hồ Chí Minh, tuyến biên giới Tây Nam, nằm trong bán kính 500 km của ASEAN mà vùng châu thổ này là tâm điểm... Để đưa Vùng ĐBSCL thực sự trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp, thủy sản, là một trong những trung tâm năng lượng của cả nước; các địa phương cần cùng nhau kết hợp chia sẻ lợi ích, chia sẻ thị trường, khai thác lợi thế chung của vùng về cơ sở hạ tầng như: sân bay, cảng biển, cầu đường; các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực để tránh đầu tư lãng phí; huy động sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư của các thành phần kinh tế; cải thiện thu hút đầu tư cũng chính bằng mối liên kết chia sẻ thông tin đầu tư với doanh nghiệp nước ngoài. Bà Lê Hương Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư phía Nam, Cục đầu tư nước ngoài nêu ý nghĩa: "Để tăng cường hoạt động xúc tiến của các địa phương, chúng tôi liên kết và làm việc tốt với các đầu mối tham tán của VN đặt tại nước ngoài, cũng như các hiệp hội tổ chức nước ngoài, và các hiệp hội của VN tại nước ngoài để đưa thông tin các dự án cũng như thông tin kêu gọi đầu tư của các địa phương trực tiếp đến các nhà đầu tư. Việc chúng ta tăng cường thông tin đến các nhà đầu tư mà chúng ta muốn kêu gọi là vô cùng quan trọng, cho nên sắp tới chúng tôi sẽ cùng phối hợp, kết nối được các đầu mối ở nước ngoài, để thông tin chính xác đến các nhà đầu tự mà họ có nhu cầu đầu tư vào VN".

Phát triển kinh tế kinh tế vùng không chỉ tác động tích cực đến toàn khu vực ĐBSCL, mà còn tác động đến TP Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ và các kết nối liên vùng khác. Nếu gắn được quá trình liên kết các chuỗi giá trị kinh tế, đây sẽ là khâu đột phá để ĐBSCL trở thành một cực thu hút đầu tư và tăng trưởng trong những thập niên tới./.