Để nhà ở xã hội nhanh chóng đến gần với người có thu nhập thấp

(VOH) - Phát triển nhà cho thuê, thuê mua đang được Bộ xây dựng và các địa phương ưu tiên trong mục tiêu hoàn thiện nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp. Dù hiện nay gói hỗ trợ nhà ở xã hội đã được tung ra để giúp cho người thu nhập thấp có cơ hội mua nhà nhưng trên thực tế, vẫn còn rất nhiều người có thu nhập thấp khó có cơ hội để sở hữu cho mình nhà ở xã hội.


Một dự án nhà ở thương mại tại quận 12, TP HCM.ảnh: TẤN THẠNH- Báo NLĐ.

Hiện cả nước có gần 400 trường đại học và cao đẳng và khoảng 340 trường cao đẳng, trung cấp nghề với gần 3 triệu học sinh, sinh viên... Tuy nhiên, hiện mới chỉ có khoảng 22% số học sinh, sinh viên có nhu cầu được ở trong ký túc xá. Còn các khu công nghiệp thì đều thiếu nhà ở cho công nhân vì số lượng lao động tăng nhanh. Do đó, Việc triển khai chính sách nhà ở xã hội vào thời điểm này là rất cần thiết.

Nghị định số 34 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước có hiệu lực từ ngày 6/6/2013, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung về quản lý, sử dụng, cho thuê, cho thuê mua và bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; trong đó có nhà xã hội. Một trong những mục đích chính của nghị định là góp phần giúp người dân có thu nhập thấp có nhà ở.
Tác động tích cực giúp người dân có thu nhập thấp, có cơ hội sở hữu nhà đó là gói tín dụng nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng lãi suất 6%/năm. Tuy nhiên, việc đưa ra quá nhiều đối tượng được vay đang khiến việc thực hiện trở nên phức tạp. Giải quyết vấn đề này, Bộ Xây dựng đã đề nghị các ngân hàng phối hợp với các chủ đầu tư dự án có nhà ở bán hướng dẫn người mua được tiếp cận vốn vay, nếu có nhu cầu. Tốt nhất là tạo điều kiện để người mua được vay cùng một ngân hàng với chủ đầu tư. Tuy vậy, không được bắt buộc khách hàng là hộ gia đình, cá nhân phải vay vốn tại cùng một ngân hàng mà chủ đầu tư đã vay vốn. Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành nói: "Đây là vấn đề của nhà nước, tiền của quốc dân thì nhà nước phải kiểm soát chặt để tránh trường hợp nó đi không đúng mục đích, khi kiểm soát chặt thì doanh nghiệp phải chập nhận có một số trường hợp đầy đủ thủ tục thì mới được, nên hơi chậm. Nhưng nếu chúng ta không kiểm soát kỹ thì bị lợi dụng cái gói này, tiền đi không đúng mục đích".

Việc giải ngân gói tín dụng này còn là cơ hội giúp cho các ngân hàng thương mại tham gia giải quyết được nhiều vấn đề khó khăn như: tăng trưởng tín dụng, tự quản lý rủi ro, cân nhắc đối tượng cho vay. Bởi về cơ bản, người dân muốn vay được tiền thì phải đáp ứng các điều kiện theo quy định chung hiện vẫn đang áp dụng tại các ngân hàng. Sau đó, ngân hàng phải thẩm định hồ sơ vay vốn, đánh giá khả năng trả nợ của từng khách hàng như đối với khoản vay mua nhà thông thường. Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng, Trường Đại học Mở TPHCM, cho biết thêm: "Với Thông tư 11 Ngân hàng nhà nước đưa ra thì ngân hàng nhà nước chỉ quy định về mặt lãi suất, chỉ quy định về mặt thời gian, cón tất cả trong quá trình cho vay, quản lý rủi ro, đánh giá về người vay như thế nào, thu hồi nợ như thế nào đó là quyền của ngân hàng thương mại. Chúng ta thấy rằng đối với các ngân hàng thương mại sẽ rất là tốt trong quá trình tăng trưởng tín dụng của mình trong thời gian sắp tới, bởi được ngân hàng nhà nước hỗ trợ lãi suất cho người vay và các ngân hàng giải ngân ra được một số tiền khá lớn cho gói hỗ trợ này. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai như vậy, tôi nghĩ rằng các ngân hàng thương mại cần phải quy định những vấn đề cho rõ ràng về thủ tục, các điều kiện như thế nào?"

Quản lý tốt về mặt thủ tục, tính toán chặt chẽ các điều kiện cho vay ngân hàng cũng sẽ tìm được những khách hàng uy tín cho việc giải ngân gói hỗ trợ này, nhiều người dân có đủ điều kiện cũng nhanh chóng tiếp cận với nguồn hỗ trợ. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, vẫn cần có sự phân cấp tín dụng trong việc triển khai nguồn vốn vay, để những công trình cần thiết, cấp bách sẽ được hoàn thiện trong thời gian ngắn, người dân có thu nhập thấp sẽ có thêm nhiều sự chọn lựa. ông Lê Hoàng Châu, mong muốn: "Chúng tôi hy vọng rằng trong thời gian tới sẽ có những nguồn phân cấp tín dụng cho các doanh nghiệp làm các dự án nhà ở xã hội hoặc chuyển mục đích từ nhà ở thương mại qua nhà ở xã hội, nhưng ưu tiên cho những công trình dở dang: đó là những công trình đang làm nhà ở xã hội, đó là những nhà ở thương mại xin chuyển sang làm nhà ở xã hội, đó là những nhà ở thương mại có quy mô lớn, hiện nay đang xin tái cấu trúc lại để chuyển những căn hộ lớn thành những căn hộ dưới 70m2

, thì chúng tôi thấy đó là những sản phẩm phải được ưu tiên".

Để tránh tình trạng biến tướng trong thực hiện chính sách về nhà ở xã hội, vẫn cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của các cơ quan tham mưu trong ngành xây dựng, bất động sản từ Trung ương đến địa phương, bởi chỉ có các cơ quan này mới nắm rõ nhất quy hoạch để đánh giá, xem xét việc chuyển đổi dự án có mang đến hiệu quả cho doanh nghiệp, người mua và thị trường hay không, để mục tiêu cuối cùng là giúp người có thu nhập thấp có cơ hội sở hữu được nhà ở xã hội./.