Để trái cây Việt Nam có đủ sức cạnh tranh

(VOH) - Festival trái cây Việt Nam với chủ đề “Trái cây Việt Nam thời hội nhập” với mục đích tôn vinh nhà vườn, quảng bá đặc sản miệt vườn đã khép lại, nhưng ngay từ khi bắt đầu diễn ra đã có không ít những hạt sạn.

Hạt sạn lớn nhất là trong kịch bản của Ban Tổ Chức cung cấp cho báo giới có ghi rõ: Trái cây Việt Nam hướng đến kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ đô la Mỹ/ năm. Con số nghe thật hoành tráng, hấp dẫn nhưng sự thật ra sao? Ngay cả nước cường quốc xuất khẩu trái cây chuyên nghiệp như Thái Lan mà mỗi năm chỉ đạt gần 800 triệu đô la Mỹ.

Theo Quyết định số 52 của Bộ NN&PTNT ngày 5/6/2007 về phê duyệt qui hoạch phát triển rau, hoa, quả, cây cảnh đến năm 2010 và tầm nhìn 2020. Trong đó, năm 2010 đạt 760 triệu đô la/ năm được tính theo USD. Cụ thể, rau 155 triệu đô la, quả 295 triệu đô la, hoa 60 triệu và có cả hồ tiêu là hồ tiêu 250 triệu đô la. Đến năm 2020 phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ đô la. Nghĩa là đã có luôn hồ tiêu, chứ không phải riêng trái cây. Rõ ràng, ngay cả người viết báo cáo cũng không phân biệt được con số cụ thể. Tuy nhiên, để năm 2020 kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt 760 triệu đô la thì chúng ta phải đi theo con đường nào? Khi mà hàng năm, cứ đến Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp nông chúng ta đều tồn tại những điều đã biết rồi, đã biết nguyên nhân của “bệnh” rồi nhưng không tìm được thuốc chữa. Đó là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên không có vùng nguyên liệu tập trung để đáp ứng những đơn hàng lớn, ổn định để phục vụ xuất khẩu và chế biến. Canh tác tự phát mỗi nhà vườn một giống, một quy trình không theo tiêu chuẩn nào; nhà vườn - doanh nghiệp thu mua, chế biến không tìm được tiếng nói chung dẫn đến không tiêu chuẩn, không thương hiệu. Và đáng lo nhất là giữa các doanh nghiệp còn xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán dẫn đến giá nguyên liệu đầu vào biến động, đẩy nông dân và những doanh nghiệp làm ăn chân chính vào tình cảnh khó khăn. Bức xúc vấn đề này, Ông Huỳnh Quang Đấu, Giám đốc Công Ty Dịch Vụ Kỹ Thuật Nông nghiệp An Giang kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Trái cây Việt Nam nói:

Để phát triển sản xuất trái cây có hiệu quả, chúng ta phải thiết kế, hình thành được chương trình liên hoàn sản xuất trái cây theo chuỗi giá trị gia tăng một cách chuyên nghiệp. Trước tiên đi từ các doanh nghiệp có thị trường đầu ra. Rồi đến địa phương quy hoạch vùng sản xuất, thực hiện quy hoạch bắt đầu từ con đường tổ hợp, hợp tác xã. Nhấn mạnh đến vấn đề này, Tiến Sĩ Nguyễn Minh Châu - Viện Trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết:

Tiếp đó, các ngành chức năng phải quan tâm xây dựng vườn ươm giống và tăng cường công tác quản lý vườn cây ăn trái ngay từ giai đoạn đầu mới phát triển cây, rồi quy trình VietGap hoặc global Gap đi kèm. Gắn liền tổ chức nông dân với cụm doanh nghiệp có thương hiệu, có nhà máy chế biến. Đây là vấn đề đáng lưu ý, vì hiện nay tiêu thụ trái cây tươi chiếm tỷ lệ nhỏ so với lượng trái cây toàn vùng, do vướng nhiều vấn đề trong khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến. Do đó, chế biến trái thành các sản phẩm có giá trị gia tăng khác là hướng đi cần thiết đế nâng cao giá trị trái cây miền Tây, giúp nhà vườn thoát khỏi cảnh được mùa, mất giá triền miên. Đơn cử như Thái Lan, kim ngạch xuất khẩu trái cây hàng năm gần 800 triệu đô la, nhưng trên 600 triệu đô la là các sản phẩm chế biến từ dứa cayen. Song song đó, phải xây dựng các tuyến đường để xe có tải trọng lớn có thể đi vào những vùng nguyên liệu dễ dàng hơn. Mở rộng hơn nữa mối quan hệ nhằm quảng bá hình ảnh trái cây Việt Nam ra thị trường thế giới. Chú trọng xây dựng thương hiệu quốc gia.

Nếu nhà vườn, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học cùng bắt tay nhau giải quyết được những vấn đề hóc búa trên,  hy vọng trái cây Việt Nam lấy lại thị trường nội địa và đủ sức bằng vai phải lứa với trái cây Thái Lan, trung Quốc trên thị trường thế giới.

Kiều Oanh