Doanh nghiệp Việt chủ động kết nối với cộng đồng kinh tế ASEAN

(VOH) - Hội nhập kinh tế đã, đang và sẽ tác động trực tiếp tới nền kinh tế và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Các nước sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam nhưng đồng thời Việt Nam cũng phải mở cửa cho hàng hóa cạnh tranh của các nước. Đây là cơ hội sẽ giúp các doanh nghiệp mở rộng trao đổi thương mại, thu hút đầu tư, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tham gia các chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất và phân khúc trên toàn cầu từ đó, đẩy mạnh xuất khẩu, tiếp cận các kỹ năng, công nghệ, thị trường mới.
Cộng đồng kinh tế ASEAN tới năm 2015 sẽ chính thức mở cửa. (ảnh minh họa: TG&VN)

Nhiều tổ chức, hội ngành nghề đã có những chương trình kết nối doanh nghiệp, nhằm tạo một môi trường kinh doanh liên kết, phát huy sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp Việt bằng sự đoàn kết. Chương trình Asia Connection là một điển hình. Bà Phi Thị Ngọc Anh, Trưởng ban Biên tập Nhịp cầu Doanh nghiệp chia sẻ: “Với bối cảnh kinh tế năng động tại châu Á đầy tiềm năng, vươn đến vị trí dẫn đầu nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là tính năng động, đoàn kết ở khu vực. Asia Connection như một điểm nhấn trong giai đoạn trước thềm hội nhập kinh tế trong khu vực ASEAN. Và Asia là một điểm giao thoa kinh tế, văn hóa xã hội, để giúp cộng đồng doanh nghiệp tìm đến nhau, kết nối bền vững, cùng nhau phát triển tốt hơn, xúc tiến thương mại trực tiếp, kết nối đầu tư”.



Hiện doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia khá sâu vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Có đến 71% doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tham gia mạng lưới sản xuất ở Đông Á. Đối với công ty Savico, vấn đề bảo hộ thương hiệu vô cùng quan trọng và cần thiết trong tiến trình hội nhập. Do đó, công ty đã có chương trình hành động cụ thể bảo vệ thương hiệu của mình. Bà Nguyễn Thu Nga, Phó tổng giám đốc công ty Savico nói: “Savico là một đơn vị đang bước vào hội nhập khu vực và quốc tế, phụ trách công tác quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp, chúng tôi cũng đã có những bước khởi động như đăng ký bảo hộ thương hiệu ở khu vực châu Á cũng như các nước trên Thế giới. Chúng tôi đã ký kết và được chấp nhận thương hiệu trên 20 nước trên toàn cầu. Bảo hộ thương hiệu rất quan trọng trong thời kỳ hội nhập để kêu gọi các nhà đầu tư”.




Với số doanh nghiệp khác, việc chuẩn bị tâm thế cho một thị trường mở có thể sẽ là việc hướng đến sản xuất sản phẩm sạch, nâng cao chất lượng, cải tiến bao bì, mẫu mã để cạnh tranh hiệu quả hơn. Bà Dư Thị Hồng Vân, Giám đốc công ty Hưng Nguyên chi nhánh TPHCM bày tỏ: “Chúng tôi đang hướng tới sản xuất cà phê sạch và cũng sẽ tham khảo thử nhu cầu thị trường như thế nào, thị hiếu người tiêu dùng sau đó sẽ đưa ra sản phẩm phù hợp. Chúng tôi có sản phẩm cà phê sạch nhưng nó chỉ phù hợp với thị hiếu của người Việt Nam. Hiện tại công ty Hưng Nguyên cũng có sản phẩm trái cây sấy, chúng tôi nghĩ khách hàng sẽ dễ chịu hơn vì nó khác với cà phê, nó không theo gu, chúng tôi sẽ xuất khẩu sản phẩm này nhưng có thể thay đổi mẫu bao bì để phù hợp hơn”.



Mỗi doanh nghệp xây dựng cho mình một chiến lược kinh doanh riêng để đối mặt với sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt của thị trường mở. Bởi nếu không có sự chủ động, chiến lược kinh doanh thích ứng kịp thời với sự chuyển biến của thị trường chung, doanh nghiệp có thể phải thu hẹp sản xuất, thậm chí sẽ nhanh chóng bị đào thải. Chuyên gia kinh tế cao cấp Lý Trường Chiến cho rằng: “Cộng đồng kinh tế tới 2015 chính thức mở cửa, thì dòng vốn về tài chính, tri thức và lao động sẽ liên thông giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN, trong khi năng suất của chúng ta còn rất thấp, nếu chúng ta không chuẩn bị tốt, thì chắc chắn trong tương lai chúng ta sẽ gặp khó khăn, thậm chí sẽ bị đào thải. Còn vai trò của nhà nước sẽ là thiết lập các chính sách đảm bảo công bằng và thực thi một cách công khai, nghiêm minh, chắc chắn rằng nó sẽ là động lực thật sự lớn giúp cho các doanh nghiệp và kể cả nền kinh tế chúng ta có thể phát triển”.




Xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thuộc ASEAN được dự báo là sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong thời gian tới, và có cơ hội bứt phá khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN ra đời vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, để doanh nghiệp vận dụng hiệu quả cơ hội của thị trường mở cửa, đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, Chính phủ cũng cần có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp không có khả năng chuyển đổi hoạt động; có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư cho nghiên cứu phát triển; bởi điều này sẽ mang lại sự chuyển giao công nghệ tốt hơn từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt hơn./.