Đòn bẩy để phát triển nông sản Việt Nam

(VOH) - Sau hơn 7 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ngành nông nghiệp Việt Nam mà đặc biệt hàng nông sản đã “hội nhập” vào sân chơi chung, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết để cạnh tranh với nông sản ngoại nhập.

Đòn bẩy từ nguồn vốn tín dụng

Sản xuất nông sản có hai vấn đề chính, đó là “đầu vào” và “đầu ra”. Cả hai yếu tố này đều cần nguồn vốn tín dụng làm chất “xúc tác” thiết yếu, đồng thời cũng là “điểm tựa” quan trọng nhất cho cú “bật nhảy” của nông sản Việt Nam trong hội nhập. Điều này càng trở nên “sống còn” khi cuối năm 2015 sẽ có hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) chính thức có hiệu lực. Khi đó, nguồn vốn tín dụng sẽ càng trở thành “cánh cửa” duy nhất cho Nhà nước có thể hỗ trợ trực tiếp cho ngành nông nghiệp bởi các quy định thương mại quốc tế ngặt nghèo.

Hiện nay, dư luận quan tâm đến thực trạng nhiều mặt hàng nông sản gặp cảnh khốn đốn. Ở đây, vai trò của nguồn vốn tín dụng mang tính chất vĩ mô, xử lý vấn đề tận “gốc rễ” nhưng lại không đi vào chi tiết. Cụ thể, Nhà nước đóng vai trò “nhạc trưởng” điều tiết, quy hoạch, phân bổ nguồn vốn tín dụng trên nhu cầu thực tế và tư vấn từ các nhà khoa học cùng bộ ngành. Từ cơ sở này, bộ ngành, chính quyền địa phương tận dụng các chính sách tín dụng như một công cụ chủ lực, kết hợp với kế hoạch sản xuất nông nghiệp cùng thông tin thị trường để đầu tư cho doanh nghiệp, nông dân.

Phân tích của Viện Chính sách Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy vào năm 2010, khi nguồn vốn tín dụng nông nghiệp có dấu hiệu “chững lại”, hàng loạt điều chỉnh được thực hiện đã tăng tỉ lệ vay từ khoảng 13% năm 2010 lên đến hơn 20% năm 2012. Tính đến tháng 2/2015, tổng dư nợ cho vay nông nghiệp – nông thôn đạt khoảng 740 ngàn tỷ đồng, trong đó khu vực ĐBSCL chiếm hơn 20% với cột mốc 163 ngàn tỷ đồng, tăng gần 2% so với cuối năm 2014.

Ông Lại Xuân Môn – Phó Chủ tịch TW Hội Nông dân Việt Nam cho biết cách mở rộng nguồn vốn vay hỗ trợ nông dân là liên kết. Hội nông dân Việt Nam không chỉ ký với Ngân hàng Nông nghiệp mà còn ký với Ngân hàng Chính sách Xã hội. Ngoài Hội Phụ nữ, Thanh niên, Cựu chiến binh, còn cho vay theo tổ, nhóm.

Về mô hình liên kết vay vốn tín dụng, ông Võ Minh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đánh giá: ”Các hộ không lo về tài chính, kỹ thuật. Công ty thì có đầu vào ổn định và đảm bảo chất lượng sản phẩm như yêu cầu. Về ngân hàng, chúng tôi tập trung quản lý dòng tiền của doanh nghiệp, không quản lý ở các hộ nuôi nữa vì công ty đã ứng vốn cho họ. Như vậy, tất cả các bên tham gia liên kết đều thuận lợi so với mô hình trước đây”.

Ảnh minh họa - Nguồn: TCTC.

Đối diện với thách thức nội tại

Tuy nhiên, chính sách tín dụng phải đối mặt với thách thức không nhỏ từ những “lối mòn” của ngành nông nghiệp. Trước hết là tình trạng yếu kém trong giao thương. Khảo sát của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) cho thấy : có tới 90% hoạt động mua bán không qua hợp đồng văn bản tại ĐBSCL. Thủ tục cho vay còn nhiều rào cản bất hợp lý, các dịch vụ tín dụng nghèo nàn, dịch vụ thanh toán, bảo hiểm nông nghiệp và bảo hiểm tín dụng nông nghiệp còn rất hạn chế.

Ông Tiết Văn Thành – Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) ví dụ: “Ở Bạc Liêu cách đây 2 năm, chúng tôi phải khoanh và xử lý rủi ro 1.000 tỷ đối với con tôm. Quá trình sản xuất gặp cảnh “mất mùa được giá”, “được giá mất mùa” thì chúng tôi phải gánh nhiều rủi ro, đó là khó khăn chung. Nhưng chúng tôi cũng đủ khả năng, nguồn lực để bù đắp và vẫn tiếp tục giúp người dân phục hồi sản xuất”.

Mặt khác, đặc thù sản xuất nông nghiệp chịu nhiều tác động và hậu quả từ thời tiết, biến đổi khí hậu. Tỉ lệ công nghiệp hóa trong sản xuất vẫn ở mức thấp. Chẳng hạn khu vực ĐBSCL hiện có 3.000 máy gặt đập liên hợp trong khi nhu cầu thực tế lên đến 10.000 máy. Điều này càng khẳng định, chính sách tín dụng dù đóng vai trò đòn bẩy chủ lực nhưng vẫn phải kết hợp nhiều yếu tố khác, đặc biệt là sự phối hợp giữa các Bộ ngành chức năng và chính quyền địa phương để phát huy hiệu quả thật sự.

Cơ chế, chính sách tín dụng phải gắn liền với lợi ích nông dân

Một tín hiệu lạc quan gần đây là sau khi có nhiều kiến nghị cần sớm thay thế hoặc điều chỉnh Nghị định 41 của Chính phủ về tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn, Nghị định 55 đã được Bộ NN-PTNT ban hành. Ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: “Các cơ chế chính sách làm sao khai thác tối đa tiềm năng kinh tế, phát triển nông nghiệp nông thôn. Qua đó làm sao để nông dân ấm no, sung túc trên mảnh đất, ao tôm, ao cá, đồng ruộng của chính họ”.

Thực tế cho thấy, chúng ta cần một chính sách tín dụng nông nghiệp phù hợp để song hành cùng đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nhằm phát huy sức mạnh tổng lực. Ngoài ra, chúng ta cũng cần những điều kiện khác như năng lực quản lý nguồn vốn của hệ thống ngân hàng; việc định hướng và tổ chức sản xuất từ chính quyền địa phương; sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành chức năng và cải thiện tỉ lệ công nghệ khoa học trong sản xuất, nâng cao trình độ của người nông dân, kết nối với doanh nghiệp.

Một góc Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM - Ảnh: AHTP.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nông nghiệp bây giờ nổi lên 2 vấn đề là hạn hán và tiêu thụ sản phẩm thì phải giúp những cái trước mắt còn tái cơ cấu nông nghiệp là quá trình liên tục. Xuất nhập khẩu phải cố gắng tìm cách mở thị trường. Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc “mở đường” cho trái dừa, xoài, nhãn, thanh long; rồi Úc, New Zealand, tiếp theo là Mỹ. Thiếu máy chiếu xạ thì khuyến khích doanh nghiệp đầu tư. Vướng mắc của doanh nghiệp thì hết sức giải quyết. 

Để phát triển, các lĩnh vực đều rất cần kinh phí và lĩnh vực nông nghiệp không ngoại lệ. Tuy vậy, để phát huy được công cụ chủ lực này, ngành nông nghiệp Việt Nam cần tạo ra hệ thống kết nối chặt chẽ nhiều yếu tố khác nhau làm nền tảng. Trong đó, động lực mạnh mẽ nhất, quan trọng nhất, chính là lợi ích của nông dân phải được đặt lên hàng đầu.

Cơ hội từ Nhật Bản

Nông nghiệp trong nước đang duy trì hợp tác với Israel và cả những cơ hội mở rộng với Hàn Quốc cùng một số quốc gia khác. Tuy vậy, với nhiều điểm chung cũng như thuận lợi sẵn có, Nhật Bản dường như đã vào “phom” và nằm ở vị trí tiên phong cho hợp tác phát triển nông nghiệp với Việt Nam lâu dài. Điều này được nêu rõ trong buổi tiếp đoàn đại biểu tỉnh Wakayama, Nhật Bản hồi tháng 3-2015 của chủ tịch nước Trương Tấn Sang, chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vào tháng 5-2015 và hàng loạt hoạt động liên kết  phối hợp cấp tỉnh, thành giữa hai nước. 

 

Lễ ký kết Biên bản thảo luận về hợp tác nông nghiệp giữa TPHCM với Nhật Bản - Ảnh: SGGP.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Nhật Bản năm 2014 đạt trên 14,7 tỷ USD, tăng gần 8% so với năm 2013. Trong đó, thủy sản dẫn đầu các mặt hàng nông sản với giá trị xuất khẩu gần 1,2 tỷ USD còn sản phẩm từ hạt điều và khoai mì đạt mức tăng trưởng hơn 200%.

Tại tỉnh Lâm Đồng, nông dân Nhật Bản lặn lội đến lập nghiệp và kết nối với nông dân Việt Nam để mở vườn rau sạch với hiệu quả kinh tế cao. Thực tế cũng cho thấy, doanh nghiệp Nhật Bản là những người “sốt sắng” đầu tư, hỗ trợ ngư dân miền Trung đóng tàu mới, tiếp cận công nghệ hiện đại đánh bắt xa bờ và bao tiêu cả sản phẩm. Một số ngư dân miền Trung chia sẻ, từ chương trình hợp tác với Nhật Bản, khoảng 1 tuần từ lúc câu lên khỏi mặt nước, cá ngừ được đưa về bờ. Từ đó, cá được “đóng thùng” vào Sài Gòn, bay đi Nhật, đi Mỹ..

Ở Nhật Bản, hoạt động của hệ thống hợp tác xã nông nghiệp được tổ chức một cách chặt chẽ với mục tiêu và định hướng rõ ràng. Toàn bộ nông dân Nhật Bản có thể tự cập nhật và chia sẻ thông tin về giá cả thị trường, cổ phiếu nông nghiệp, thời tiết, khoa học-kỹ thuật. Các hợp tác xã cũng hợp tác với các trường đại học và thành lập một liên minh với hơn 1,4 triệu thành viên, tạo ra môi trường hợp tác sản xuất, quảng bá, đào tạo các công nghệ mới và liên kết thực hiện các nghiên cứu ứng dụng. Đây rõ ràng là mô hình mà nông nghiệp Việt Nam có thể chọn lựa, điều chỉnh và tiếp cận dưới sự hỗ trợ của Nhật.

Ở góc độ kinh tế, Nhật Bản là thị trường tiêu thụ nông sản đầy tiềm năng, đặc biệt là thủy sản và một số mặt hàng trái cây. Khi các hiệp định thương mại tự do được thông qua và “giải phóng” thuế nhập khẩu, các chuyên gia dự đoán kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang Việt Nam sẽ tăng 200%, trong khi chiều ngược lại chỉ tăng khoảng 50%. Trong bối cảnh như vậy, hợp tác và cùng nhau phát triển chính là “lời giải” hợp lý cho bài toán kinh tế này.

Xét tổng thể thị trường nông sản trước “ngưỡng cửa” các Hiệp định Thương mại tự do sắp thông qua, Nhật Bản chính là đối tác “gần gũi” nhất, là sự lựa chọn nhiều ưu thế và tiềm năng mà ngành nông nghiệp Việt Nam đã kiểm chứng. Tất nhiên, sự thận trọng vẫn phải duy trì. Một khi xây dựng hợp tác phát triển nông nghiệp với Nhật Bản hiệu quả, bền chặt, nông nghiệp Việt Nam sẽ được tiếp thêm kinh nghiệm, sự tự tin để tiếp tục mở rộng kết nối với những đối tác khác như Hàn Quốc, Mỹ, EU...

Nông nghiệp Việt Nam lấy việc mở rộng hợp tác để giảm áp lực cạnh tranh làm “hành trang” để tiến sâu vào sân chơi hội nhập. Những nỗ lực kết nối phát triển nông nghiệp với Nhật Bản chính là viên gạch đầu tiên của nền móng cho quá trình này.