Giá thép xây dựng hôm nay 14/4: Giá thép và quặng sắt bật tăng

(VOH) Giá thép ngày 14/4 tăng mạnh trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng phiên thứ 3 liên tiếp lên mức cao nhất 5 tuần do nguồn cung sụt giảm trong khi nhu cầu tăng mạnh

Giá thép thế giới đi lên

Giá thép ngày 14/4 giao tháng 10/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 81 nhân dân tệ lên mức 5.143 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h50 (giờ Việt Nam).

Giá thép xây dựng hôm nay 14/4/2021
Ảnh minh họa: internet

Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)

Giá thép xây dựng hôm nay 14/4: Giá thép và quặng sắt bật tăng 2

Ngày 14/4, giá quặng sắt kỳ hạn tại Trung Quốc đã tăng phiên thứ ba liên tiếp, đóng cửa ở mức cao nhất theo ghi nhận trong 5 tuần qua, Reuters đưa tin.

Nguyên nhân là do sự sụt giảm nguồn cung từ các công ty khai thác lớn trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước vẫn neo ở mức cao.

Cụ thể, giá quặng sắt kỳ hạn giao tháng 9/2021 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên (DCE) đóng cửa ở mức 1.023 nhân dân tệ/tấn, tăng 3,3%. Trước đó trong phiên, hợp đồng này cũng đã điều chỉnh tăng 3,5%.

Trong khi đó, giá quặng sắt SH-CCN-IRNOR62 62% Fe giao ngay không xuất hiện biến động mới so với phiên trước đó, tiếp tục ổn định tại ngưỡng 172 USD/tấn.

Dữ liệu từ công ty tư vấn Mysteel cho thấy, các lô hàng xuất khẩu từ Australia và Brazil sang Trung Quốc đạt mức 24,04 triệu tấn vào ngày 9/4, giảm 4,04 triệu tấn so với tuần trước đó.

Các nhà phân tích của Huatai Futures nhận định, giá quặng sắt sẽ duy trì đà tăng do nhu cầu tiêu thụ trong nước được thúc đẩy bởi sự phục hồi kinh tế ở nước ngoài.

Trong cùng thời điểm khảo sát, mức giao dịch đối với các kim loại khác dùng trong sản xuất thép cũng có chiều hướng đi lên.

Theo đó, giá than luyện cốc giao tháng 5/2021 trên Sàn DCE nhích 0,9% lên 1.602 nhân dân tệ/tấn. Giá than cốc tăng 3,2%, ghi nhận mức 2.436 nhân dân tệ/tấn.

Tương tự, giá thép thanh vằn giao tháng 10/2021 trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải cũng tăng 2,4%, đạt mức 5.116 nhân dân tệ/tấn. Giá thép cuộn cán nóng, được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất, tăng 2,2% lên 5.403 nhân dân tệ/tấn.

Xuất khẩu sắt thép mang về hơn 2 tỷ USD trong quý I/2021

Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, tính riêng tháng 3/2021, lượng xuất khẩu sắt thép các loại đạt trên 1,23 triệu tấn, trị giá hơn 899 triệu USD, tăng 64,6% về lượng và 66,4% về trị giá so với tháng trước.

Tính chung quý 1/2021, mặt hàng này xuất khẩu đạt hơn 2,9 triệu USD, trị giá 2,04 tỷ USD, tăng 44,7% về lượng và 85% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Trong 3 tháng qua, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu sắt thép lớn nhất của Việt Nam với hơn 571,5 nghìn tấn, trị giá trên 298,8 triệu USD.

Tiếp đến là thị trường Campuchia hơn 367,6 nghìn tấn, trị giá hơn 240 triệu USD; thị trường Thái Lan với hơn 159,7 nghìn tấn, trị giá hơn 116,2 triệu USD;…

Năm 2021, ngành thép Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng sản xuất 4-6%. Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong quý 1, sản lượng sản xuất sắt thép thô; thép cán tăng lần lượt là 14,4%; 54% so với cùng kỳ năm trước; riêng thép thanh, thép góc giảm 1,6%.

Dự báo, trong năm 2021 ngành thép sẽ tăng trưởng tốt nhờ hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư công cũng như thị trường bất động sản nhà ở có thể nóng trở lại. Ðiều này sẽ tác động tích cực giúp ngành thép đạt mức tăng trưởng cao trong năm nay.

Doanh nghiệp gặp khó vì giá thép tăng cao

 Giá thép tăng 40-50% từ đầu năm đến nay khiến nhiều doanh nghiệp sử dụng loại vật liệu này "đứng ngồi không yên".

Khảo sát của VnExpress cho thấy, loạt doanh nghiệp sản xuất thép trong nước như Gang thép Thái Nguyên (TISCO), Thép miền Nam, Việt Đức, Tungho hay Kyoei... đều tăng giá bán thép các loại từ tháng 3 và dồn dập báo giá tăng theo ngày từ đầu tháng 4 đến nay.

So với hồi đầu tháng 4, mỗi tấn thép cuộn đã tăng gần 1 triệu đồng và thép cây tăng 1,5-2 triệu đồng mỗi tấn. Các mức giá này chưa gồm thuế VAT cũng như chi phí vận chuyển tới công trình.

Giá tăng giúp ngành thép được lợi về giá, song các doanh nghiệp dùng thép là vật liệu sản xuất hay nhà thầu xây dựng lại rơi vào cảnh "đứng ngồi không yên".

Mỗi dự án xây dựng dân dụng, thường thép chiếm tỷ trọng 10-30% tổng giá trị dự án, vì thế biến động giá mặt hàng này tác động rất mạnh tới các nhà thầu. Không ít doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu cho biết, việc thép tăng giá từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả dự án mà họ đã ký hợp đồng với đối tác, khả năng nhận thầu các dự án vì thế bị co lại.

Lo ngại giá thép sẽ tăng tiếp, doanh nghiệp đã phải ứng số tiền lớn để mua thép, trữ sẵn trong kho.

Các doanh nghiệp thép trong nước lý giải tăng giá bán thép do giá phôi thép, thép phế và nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thép tăng cao trên toàn cầu. Giá quặng sắt hiện ở mức trên 170 USD một tấn, tăng 55% so với cuối năm 2020 và gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Thép cuộn cán nóng cũng ghi nhận tăng 44% so với cùng kỳ, ngưỡng giá 660 USD một tấn. Chưa kể, việc thiếu hụt nguồn cung thép và thời gian giao hàng kéo dài ở châu Âu, Mỹ cũng là lý do khiến giá thép tăng mạnh.

Bảng giá thép liên tục thay đổi, nên các đại lý báo giá với khách hàng hàng ngày thay vì tuần như trước và không quên nhắn nhủ "báo giá chỉ có tính chất tham khảo tại thời điểm được lập, giá có thể thay đổi".

Phân tích của các chuyên gia ngành thép cho thấy, chu kỳ tăng giá mặt hàng này vẫn còn tiếp diễn đến cuối năm nay. Một số dự án hạ tầng, đầu tư công lớn sắp triển khai như cao tốc Bắc - Nam, sân bay quốc tế Long Thành... cùng sự hồi phục của thị trường bất động sản sẽ khiến nhu cầu thép tăng 3-5% so với 2020.

Giá thép trong nước tăng cao còn do tác động từ cầu trên thị trường thế giới khi nguồn cung thiếu hụt và thời gian giao hàng kéo dài ở Mỹ, châu Âu. Chưa kể nhu cầu thép tại Trung Quốc tăng cao sau dịch bệnh trước đà phục hồi kinh tế và các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng. Năm 2020, nước này đã nhập 38,56 triệu tấn thép, tăng 150% so với năm trước.

Bảng giá thép miền Nam ngày 14/4/2021

Giá thép xây dựng hôm nay 14/4: Giá thép và quặng sắt bật tăng 3