Giá thép thế giới tăng
Giá thép thanh giao tháng 5 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 13 nhân lên tệ lên 4.157 nhân dân tệ/tấn vào lúc 9h30, ngày 16/4, giờ Việt Nam.
Ảnh minh họa: internet
Giá thép Trung Quốc đạt mức cao nhất trong hơn 7 năm vào thứ Hai (15/4) do nhu cầu vững chắc và kì vọng rằng chính phủ sẽ tăng cường các biện pháp kích thích để hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng.
Hợp đồng thép thanh xây dựng trên Sàn giao dịch Thượng Hải chạm mức 3.843 nhân dân tệ/tấn (tương đương 573,01 USD/tấn), mức cao nhất kể từ tháng 9/2011 và chốt phiên giao dịch tăng 1,4% lên 3,829 nhân dân tệ/tấn.
Giá thép cuộn cán nóng tăng 1,7% lên 3.752 nhân dân tệ/tấn.
Các chuyên gia phân tích tại Jinrui Futures cho biết tình hình hiện tại của thị trường thép tốt hơn so với cùng kì năm trước vì hàng tồn kho tại các nhà máy ở mức thấp mặc dù sản lượng tăng.
Trong khi đó, các nhà đầu tư đang kì vọng nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng kinh tế ổn định và tiếp tục gia tăng xây dựng cơ sở hạ tầng, điều này sẽ hỗ trợ nhu cầu thép được duy trì ở mức cao.
Cơ quan quản lí nhà nước Trung Quốc tuần trước đã đưa ra một kế hoạch về đô thị hóa năm 2019 trong đó có cải thiện những dự án cơ sở hạ tầng ở các thành phố vừa và nhỏ, đồng thời mở rộng hệ thống giao thông.
Tính đến ngày 12/4, lượng các sản phẩm thép tồn kho tại các nhà máy Trung Quốc giảm tuần thứ 6 liên tiếp xuống còn 14,25 triệu tấn với trữ lượng thép thanh ở mức 7,67 triệu tấn và thép cuộn cán nóng ở mức 2,24 triệu tấn, theo dữ liệu của Mysteel.
Với những hạn chế sản xuất được nới lỏng ở miền bắc Trung Quốc, các nhà máy thép bắt đầu tăng sản lượng. Tỉ lệ sử dụng tại các nhà máy trên toàn quốc đã tăng lên 69,48% trong tuần trước, mức cao nhất trong 9 tháng.
Hoạt động thép tăng cũng giúp thúc đẩy nhu cầu về các nguyên liệu sản xuất thép.
Giá than mỡ được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng 1,1% lên 1.326 nhân dân tệtấn và giá than cốc tăng 2,1% lên 2.050 nhân dân tệ/tấn.
Giá quặng sắt kì hạn ở mức 653 nhân dân tệ/tấn, gần với mức kỉ lục là 666 nhân dân tệ/tấn.
Trung Quốc cung cấp hơn 40% lượng sắt thép nhập vào Việt Nam
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy lượng xuất khẩu sắt thép các loại 3 tháng từ đầu năm 2019 đạt 1,77 triệu tấn, trị giá 1,13 tỷ USD, tăng 24,2% về lượng và tăng 9,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Sắt thép Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường trong khu vực như Campuchia là 448.000 tấn, tăng 57,6%; Indonesia là 221.000 tấn, tăng 10,9%; Malaysia đạt 172.000 tấn, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước…
Ở chiều ngược lại, cả nước đã nhập khẩu nhóm hàng này 3,37 triệu tấn, trị giá 2,26 tỷ USD, tăng 8,3% về lượng và tăng 3,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào Việt Nam với 1,38 triệu tấn, trị giá đạt 867 triệu USD, tăng 23% về lượng, tăng 4,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Đứng thứ 2 là Hàn Quốc với 438.000 tấn, trị giá 356 triệu USD, giảm 2,6% về lượng và tăng 0,3% về trị giá; đứng thứ ba là Nhật Bản với 439.000 tấn, trị giá đạt 304 triệu USD, giảm 18,6% về lượng và giảm 17,9% về trị giá…
Như vậy, lượng sắt thép từ Trung Quốc vẫn liên tục gia tăng và chiếm hơn 40% hàng nhập khẩu vào Việt Nam.
Trong hai tháng đầu năm, giá nguyên liệu này trên thế giới đi lên không ngừng khiến các sản phẩm bán ra trong nước cũng nhiều lần lên giá. Nhưng báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam cho biết thị trường thép toàn cầu trong quý 1 vừa qua được đánh giá là tạm ổn định. Ví dụ giá quặng sắt ngày 8.4 giao dịch ở mức 92-93 USD/Tấn CFR cảng Thiên Tân (Trung Quốc), tăng khoảng 10 USD/tấn so với đầu tháng 3/2019.