Giá thép tiếp tục tăng cao lên mức kỷ lục

(VOH) - Giá thép ngày 7/5 tiếp tục tăng mạnh trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Giá thép kỳ hạn của Trung Quốc đã tăng kỷ lục do nhu cầu mạnh trong khi giá nguyên liệu tăng cao.

Giá thép thế giới tăng tiếp

Giá thép hôm nay giao tháng 10/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 53 nhân dân tệ lên mức 5.667 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 10h00 (giờ Việt Nam).

Giá thép xây dựng hôm nay 7/5/2021
Ảnh minh họa: internet

Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)

Giá thép tiếp tục tăng cao lên mức kỷ lục 2

Vào hôm thứ Năm (6/5), giá thép kỳ hạn của Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục sau kỳ nghỉ Lễ Lao động kéo dài 5 ngày, vượt quá triển vọng về nhu cầu và giá các nguyên liệu sản xuất thép.

Cụ thể, giá thép thanh vằn xây dựng SRBcv1 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 4,7%, ghi nhận mức cao kỷ lục là 5.672 nhân dân tệ/tấn.

Tương tự, giá thép cuộn cán nóng SHHCcv1, được sử dụng trong sản xuất thùng xe và thiết bị gia dụng, cũng đã tăng 4% lên mức kỷ lục là 5.957 nhân dân tệ/tấn.

Giá quặng sắt phiên này cũng tăng do mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia xấu đi. Australia là nhà cung cấp khoảng 2/3 nhu cầu quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc.

Theo đó, giá quặng sắt giao tháng 9/2021 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên (DCE) tăng 6,8% lên 1.184 nhân dân tệ/tấn. Trên Sàn giao dịch Singapore (SICOM), giá quặng sắt giao tháng 6/2021 tăng 4,9% lên 196,10 USD/tấn.

Australia là nhà cung cấp quặng sắt lớn nhất thế giới và đáp ứng khoảng 2/3 nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu thô của Trung Quốc.

Tuy nhiên, căng thẳng leo thang giữa thủ đô Bắc Kinh và thủ đô Canberra khiến Trung Quốc áp đặt một loạt lệnh trừng phạt thương mại đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Australia, từ rượu vang đến than đá.

Đối với Việt Nam, những thay đổi về chính sách liên quan đến ngành thép gần đây của Trung Quốc được nhận định sẽ làm lợi cho các nhà sản xuất thép dùng công nghệ lò cao của Việt Nam (như TISCO, Công ty Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM), Hòa Phát, Formosa Hà Tĩnh…) nhờ giảm chi phí nguyên liệu nhập khẩu như quặng sắt và than mỡ/cốc. Tuy nhiên, đối với các nhà sản xuất thép theo công nghệ lò điện hồ quang (Thép Việt Ý, Thép Miền Nam…), việc thay đổi chính sách trên của Trung Quốc sẽ tác động trên khía cạnh giá nguyên liệu đầu vào tăng, đặc biệt là thép phế liệu.

Nguồn cung nguyên liệu làm thép ra sao giữa lúc giá thép tăng chóng mặt?

Trong khi giá thép vẫn không ngừng tăng cao thì từ đầu năm đến giữa tháng 4/2021, các loại nguyên liệu thép như phôi thép, phế liệu sắt thép, quặng và các loại khoáng sản khác cũng đều tăng cả lượng và giá trị nhập khẩu.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 4/2021, nhập khẩu các loại nguyên liệu sắt thép gồm phôi thép, phế liệu sắt thép, quặng và khoáng sản khác, than các loại đều tăng cả lượng và giá trị.

Trong đó, tăng mạnh nhất là phôi thép với sản lượng 224 tấn, giá trị 541.600 USD,  lần lượt tăng hơn 146% về lượng, 193% về giá trị.

Tiếp theo là quặng và các khoáng sản khác với sản lượng hơn 1 triệu tấn, tăng 62,3%, giá trị 149,5 triệu USD, tăng 165% so với so với cùng kỳ năm ngoái.

Cộng dồn từ đầu năm đến giữa tháng 4/2021, nhập khẩu hầu hết nguyên liệu sản xuất thép tăng mạnh.

Dẫn đầu vẫn là sản lượng và trị giá nhập khẩu phôi thép với mức tăng vọt lần lượt 328% và 280% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,16 triệu tấn và 2,8 triệu USD.

Riêng nhập khẩu than ghi nhận giảm khoảng 26% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng lúc, giá nhập khẩu các nguyên liệu khác đều tăng mạnh từ 15-65%. Trong đó, giá quặng và khoáng sản khác tăng mạnh nhất gần 65%, lên gần 151 USD/tấn.

Giá các nguyên liệu thép nhập khẩu tăng cao đã kéo giá thép trong nước cũng theo đó tăng lên chóng mặt. Theo Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, giá thép tháng 4 đã tăng khoảng 30-40% so với quý cuối năm 2020.

Còn Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết trong tháng 3/2021, giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép tiếp tục xu hướng tăng mạnh so với tuần đầu của tháng 2 trên cả thị trường toàn cầu và Việt Nam.

Giá bán thép trong nước tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch ở mức bình quân khoảng 15.900-16.000 đồng/kg tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể.

"Dự báo tháng 4 và 5 nhu cầu vẫn tốt song có sự cạnh tranh rất lớn từ các nhà sản xuất thép xây dựng hàng đầu Việt Nam. Giá bán sẽ có khả năng tăng thêm để bù đắp giá nguyên liệu đầu vào tăng", VSA nhận định.

Bảng giá thép ngày 7/5/2021: miền Bắc, miền Trung, miền Nam

Giá thép tiếp tục tăng cao lên mức kỷ lục 3