Giá thuốc tăng, gánh nặng lên vai người bệnh

(VOH) - Bất chấp công văn kêu gọi bình ổn giá thuốc của Cục Quản lý dược đã gửi đến sở y tế các tỉnh thành, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc: đề nghị giám sát thị trường thuốc chữa bệnh, hạn chế tối đa việc tăng giá thuốc. Đồng thời, yêu cầu các sở y tế chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phẩm trên địa bàn đảm bảo cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác phòng chữa bệnh cho các cơ sở khám chữa bệnh, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc; nghiêm cấm các doanh nghiệp đầu cơ, tích trữ thuốc, gây khan hiếm và đẩy giá thuốc lên cao để trục lợi. Thế nhưng, văn bản của Cục Quản lý Dược vừa ra không lâu, thì không ít các doanh nghiệp đã tìm biện pháp để tăng giá thuốc.

Từ trước đó, các chợ bán thuốc sỉ khu vực Q.10 đã tăng giá nhiều loại thuốc, trong đó có loại tăng đến 90%. Nhìn vào bảng giá và so sánh với tháng trước một số mặt hàng như: thuốc nhỏ mắt Osla giá 10.000 đồng tăng 3.000 đồng; cốm vi sinh Biobaby 69.000 đồng tăng 4.000 đồng; Omega3 giá 106.000 đồng tăng thêm 16.000 đồng, dầu gội Nizozal giá 84.000 tăng thêm 7.000 đồng; Tam thất OPC điều trị kháng sinh, kháng viêm của Công ty Cổ phẩn Dược phẩm OPC 42.000 đồng/hộp tăng 25.000 đồng. Cũng loại thuốc này, tại một nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng, quận 3 giá thuốc bán lẻ đã tăng lên 46.000 đồng/hộp 20 viên. Cloroxit 63.000 đồng/lọ tăng 5.000 đồng. Cô Lê Thu Vân, chủ nhà thuốc bán lẻ ở Q.6 cho rằng:

Đa số bệnh nhân khi mua theo toa thường chọn các nhà thuốc bệnh viện hoặc đến thẳng trung tâm bán sỉ, nhất là với những loại thuốc đặc trị, tâm lý họ cho rằng mua ở chợ sỉ thường rẻ hơn. Chị Oanh một trình dược viên cho biết có nhiều người cho rằng, một hộp thuốc mà giá chỉ tăng vài ba ngàn thì không đáng kể nhưng nếu tính phần trăm thì rất cao.

Ông Nguyễn Văn Khoa - Giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu thuốc ở quận Tân Bình cho biết: có đến 90% nguyên liệu để sản xuất dược phẩm trong nước phải nhập khẩu từ nước ngoài. Giá ngoại tệ nhảy múa trong thời gian qua khiến cho các doanh nghiệp giật mình thon thót, nhất là những doanh nghiệp nhỏ, chủ yếu sản xuất, kinh doanh theo kiểu mì ăn liền, không dự trữ nguyên liệu từ trước. Vậy nên khi nước lên thì thuyền cũng lên theo. Đối với các doanh nghiệp lớn việc tăng giá cũng phải hết sức cân nhắc bởi còn liên quan đến việc xin phép. Theo một số doanh nghiệp không được tăng giá là khó khăn bởi họ vẫn bán thuốc theo giá ngoại tệ được kê khai từ trước trong khi giá ngoại tệ hiện tại đã thay đổi từ lâu.

Giá thuốc tăng cũng ảnh hưởng ít nhiều đến việc cung ứng thuốc vào các bệnh viện theo các hợp đồng đấu thầu trước đây, dĩ nhiên nhiều doanh nghiệp đã cam kết không được tăng giá dù ngoại tệ có thay đổi cho đến khi hết hợp đồng thầu. Dù vậy vẫn có tình trạng cung ứng cầm chừng, chỉ khi nào bệnh viện hối thúc quá họ mới cung ứng nhằm kéo dài thời gian hoặc gửi công văn báo cho bệnh viện là giá tăng nên chưa nhập được thuốc để chờ qua năm 2011 điều chỉnh giá. Hoặc trước đó đã có sự cam kết sẽ thương lượng lại giá cả nếu có sự biến động quá lớn nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhau. Trao đổi với ông Tống Viết Phải - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược - Thiết bị y tế Đà Nẵng - ông cho biết: các hợp đồng cung ứng thuốc cho bệnh viện là nguồn doanh thu không nhỏ của doanh nghiệp, nên khi giá tăng, các doanh nghiệp cũng không thể tự ý làm eo làm sách mà cũng phải dựa trên tinh thần thương lượng, nếu năm sau bệnh viện loại hồ sơ thầu là một thiệt thòi không nhỏ:

Thuốc là một mặt hàng thiết yếu nên giá tăng ảnh hưởng lớn đến chất lượng điều trị cũng như đời sống người dân. Về phía sở y tế TP, từ đây đến cuối năm sẽ quản lý giá thuốc như thế nào để người dân có thể yên tâm. Nối tiếp vấn đề vừa nêu, trong phần 2, Phóng viên Nhất Hương sẽ có cuộc trao đổi với PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan – PGĐ Sở Y tế TP trong chương trình Thời sự 5h30 sáng mai, mời quý vị đón theo dõi.