Giá tiêu hôm nay 26/1/2019: Tăng 1.000 đồng/kg tại Bà Rịa - Vũng Tàu

(VOH) - Giá tiêu hôm nay 26/1/2019 tăng trở lại 1.000 đồng/kg tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Giá một số địa phương khác tại các tỉnh Tây Nguyên và miền Nam đi ngang.

Cụ thể, giá tiêu tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu  tăng 1.000 đồng/kg lên mức 48.000 đồng/kg.

Riêng giá tiêu tại Đắk Lắk (Ea H'leo), Đắk Nông (Gia Nghĩa), Bình Phước ổn định ở mức 47.000 đồng/kg.

Giá tiêu tại Gia Lai và Đồng Nai đang ở mức thấp là 46.000 đồng/kg.

Việt Nam đã bước vào vụ thu hoạch hạt tiêu sớm tại tỉnh Đắk Lắk với sản lượng dự báo đạt khoảng 250 nghìn tấn trong năm 2019.

tiêu xanh và tiêu đã phơi khô

Ảnh minh họa: internet

Tiêu chín đỏ cành, nông dân không buồn hái

Dù hiện tại tiêu đã chín đỏ cành nhưng nông dân ở nhiều vùng trồng tiêu không buồn hái vì giá bán giảm trong khi giá nhân công lại tăng cao.

Những ngày này, dù đã bắt đầu vào vụ thu hoạch hồ tiêu nhưng nông dân các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn rầu rĩ vì công thuê hái tiêu quá cao, trong khi giá bán không được cải thiện.

“Các chi phí vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật năm 2018 đã tăng từ 15 – 25% so với năm 2017; giá điện nước, công thu hoạch cũng tăng khoảng 10 – 15%, gây khó khăn cho nông dân trồng tiêu”.

Ông Lê Đình Thường, ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cũng cho biết, giá nhân công thu hoạch gần tết tăng cao, nếu như mọi năm chỉ 170.000 – 180.000 đồng/người/ngày, không bao ăn ở thì năm nay lên đến 200.000 – 210.000 đồng/người/ngày. Ông Thường nhẩm tính, bình quân 1 nhân công 1 ngày hái được khoảng 12 – 13kg tiêu khô. Năm nay giá phân bón tăng gần 20%, với giá bán hiện tại 49.000 đồng/kg, cộng với giá nhân công, phơi sấy, người trồng tiêu cầm chắc lỗ.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm 2018, xuất khẩu hạt tiêu ước đạt 232.000 tấn, trị giá 758 triệu USD, tăng 8% về lượng, nhưng giảm 32% về giá trị so với năm 2017. Giá xuất khẩu bình quân của hạt tiêu Việt Nam năm 2018 đạt mức 3.261 USD/tấn, giảm 37% so với năm 2017. Ngành hồ tiêu năm nay rớt khỏi top những ngành hàng có mức xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Bà Nguyễn Mai Oanh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, vụ mùa 2018 – 2019, Việt Nam có khoảng 100.000ha hồ tiêu cho thu hoạch với năng suất trung bình khoảng 24,7 tạ/ha, tương đương sản lượng khoảng 247.000 tấn. Đáng chú ý, trong khi giá hồ tiêu vẫn ở mức thấp thì chi phí sản xuất hồ tiêu lại tăng lên.

Mặc dù Tổ chức Hồ tiêu thế giới dự báo năm 2019, sản lượng hồ tiêu toàn cầu giảm khoảng 6% so với năm 2018 (còn khoảng 494.000 tấn) do thiên tai, dịch bệnh nhưng giá bán đầu năm 2019 sẽ không tăng do Brazil, Việt Nam đang bước vào vụ thu hoạch mới.

Ông Lê Đình Thường cũng lo lắng, giờ mới đầu vụ, nếu không hái tiêu bán, qua tết bước vào vụ thu hoạch rộ, giá bán sẽ còn giảm do nguồn cung tăng mạnh.

Để tăng giá bán, nhiều địa phương đã tích cực thành lập các hợp tác xã để cùng sản xuất tiêu sạch. Ông Trần Hữu Thắng – Chủ nhiệm HTX hồ tiêu Xuân Thọ (Xuân Lộc, Đồng Nai) cho biết, sau khi đăng ký nhãn hiệu hàng hóa “Hồ tiêu Xuân Lộc”, năm 2015 HTX cũng đăng ký xây dựng vùng chuyên canh sản xuất tiêu sạch, sau đó sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP. Nhờ đó, HTX đã ký được hợp đồng cung cấp trực tiếp 100 tấn tiêu/năm với một số công ty hồ tiêu của Ấn Độ có cơ sở tại Việt Nam, không qua thương lái nên giá bán cao hơn từ 10 – 15% so với giá bán thông thường.

“Điểm tích cực là thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân vào HTX đã tuân thủ tốt hơn quy trình canh tác, sản xuất để có nguồn nguyên liệu sạch, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Các địa phương tổ chức hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân canh tác theo tiêu chuẩn GAP, quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp, cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng lúc, đúng cách hơn…” – bà Oanh đánh giá.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, để cây tiêu giành lại vị thế ngành hàng tỷ USD, các doanh nghiệp cần liên kết với nông dân để tạo ra nguồn nguyên liệu bền vững, chấm dứt hiện tượng lạm dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nghiên cứu chế biến sâu để nâng cao giá trị cho sản phẩm xuất khẩu.

Giá tiêu thế giới tăng mạnh

Hôm nay 26/1/2018 lúc 9h50giờ Việt Nam, giá tiêu tại sàn Kochi (Ấn Độ) giao tháng 12 quay đầu giảm 415 Rupi/tạ, tương đương 1,11% về mức 37.085 Rupi/tạ. Trong khi đó, giá tiêu giao tháng 1/2019  tăng 175 Rupi/tạ, tương đương 0,48% lên mức 36.700 Rupi/tạ. Giá hạt tiêu trên (sàn SMX - Singapore) tháng 9 vẫn không đổi, ở mức 6.500 USD/tấn.

Theo Cơ quan Hải quan Thái Lan, nhập khẩu hạt tiêu của nước này 11 tháng năm 2018 đạt 76.839 tấn, trị giá 5,726 tỷ baht (tương đương 180,78 triệu USD), giảm 11,1% về lượng và giảm 8,1% về trị giá so với 11 tháng năm 2017. Trong 11 tháng năm 2018, Ấn Độ là thị trường cung cấp hạt tiêu lớn nhất cho Thái Lan, đạt 53.103 tấn, trị giá 3,278 tỷ baht (tương đương 103,5 triệu USD), giảm 19,5% về lượng và giảm 15,6% về trị giá so với 11 tháng năm 2017.

Theo đó, thị phần hạt tiêu của Ấn Độ trong tổng nhập khẩu của Thái Lan giảm từ mức 76,3% trong 11 tháng năm 2017, xuống còn 69,1% trong 11 tháng năm 2018. Trung Quốc là thị trường cung cấp hạt tiêu lớn thứ 2 cho Thái Lan với lượng đạt 15.464 tấn, trị giá 1,427 tỷ baht (tương đương 5 triệu USD), tăng 10,6% về lượng và tăng 24,4% về trị giá so với 11 tháng năm 2017.

Đáng chú ý, nhập khẩu hạt tiêu của Thái Lan từ Singapore tăng đột biến, tăng 973,9% về lượng, tuy nhiên con số ở mức thấp 470 tấn. Việt Nam là thị trường cung cấp hạt tiêu lớn thứ 3 cho Thái Lan. Với tốc độ tăng 6,4% về lượng, thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Thái Lan tăng từ mức 3,8% trong 11 tháng năm 2017, lên 4,6% trong 11 tháng năm 2018.

Giá vàng hôm nay 26/1/2019: Bất ngờ tăng vọt lên mức trên 1.300 USD/ounce:
Giá vàng thế giới bất ngờ đóng cửa ở mức cao, đạt mức 1302.60 - 1303.60 USD/ounce. Trong nước, giá vàng bật tăng từ 110 ngàn đồng/ lượng đến 160 ngàn đồng/lượng.

 

Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 26/1/2019: USD sụt giảm: USD giảm nhẹ và dự báo có thể tiếp tục giảm.