Giải pháp nào cho nông dân trồng lúa - Bài 1: Thực trạng chia nhau lợi nhuận từ hạt gạo xuất khẩu

(VOH) - Theo tính toán, với giá xuất khẩu 440 USD/tấn, sau khi trừ các chi phí để gạo xuống tàu xuất bến thì doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ thu được ít nhất 8.000 đồng/kg. Nếu giá mua gạo trắng xuất khẩu 7.000 đồng/kg thì công ty quá lãi, đến 1 triệu đồng/tấn. Một công ty xuất khẩu 100.000 tấn gạo/năm sẽ lãi 100 tỷ đồng là không khó.

Theo trang Web của Hiệp hội Lương thực Việt Nam thông tin tháng 2, giá lúa khoảng 4.300 - 4.400 đ/kg tùy theo chất lượng và địa phương. Giá gạo nguyên liệu hoại 1 làm ra gạo 5% tấm khoảng 5.600 - 5.700 đ/kg tùy từng địa phương. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 6.700 - 6.800 đ/kg, gạo 25% tấm khoảng 6.300 - 6.400 đ/kg tùy chất lượng. Còn giá FOB gạo xuất khẩu, cảng ở Việt Nam, đóng gói 50kg/bao, loại gạo 5% tấm 470 USD/tấn, Gạo 25% tấm, 450 USD/tấn. Với giá này các doanh nghiệp kinh doanh gạo xuất khẩu luôn có lãi còn thương lái và nông dân chịu lép vế hơn. Đây chính là những băn khoăn việc phân chia lợi nhuận cho các bên tham gia vào chuỗi có những khác biệt.

Theo tính toán, với giá xuất khẩu 440 USD/tấn, sau khi trừ các chi phí để gạo xuống tàu xuất bến thì doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ thu được ít nhất 8.000 đồng/kg. Nếu giá mua gạo trắng xuất khẩu 7.000 đồng/kg thì công ty quá lãi, đến 1 triệu đồng/tấn. Một công ty xuất khẩu 100.000 tấn gạo/năm sẽ lãi 100 tỷ đồng là không khó.

 

Thu mua lúa gạo ở Cần Thơ. (Ảnh: VNN)

Về phía thương lái mua lúa tham gia 1 phần trong chuỗi lúa gạo này cũng ''kiếm ăn'' được nếu giá lúa ổn định, tuy nhiên, thị trường luôn biến động. Chị Trần Thị Bông, ở ấp Tây Bình, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cho biết, gia đình có ba chiếc ghe bầu chuyên mua lúa, sau tết hai chiếc phải nằm nhà vì làm ăn với các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu gạo ngày càng khó. Đầu tháng 3 này, giá lúa IR 50404 từ 4.600 đồng/kg xuống còn 4.100 đồng/kg và lúa dài các giống OM từ 4.700 đồng còn 4.300đ/kg, gạo nguyên liệu từ 6.500 - 6.600 đồng/kg còn 5.500 -5.700đ/kg, giá gạo nguyên lệu cân cho kho xuất khẩu giảm từng ngày, thương lái cơ cực và dễ bị thua thiệt khi các kho tính ẩm độ gạo cao. Thương lái chẳng làm gì để giá lúa giảm, vì doanh nghiệp xuất khẩu gạo mới là người ra giá thu mua lúa gạo. Giá gạo thu mua của các doanh nghiệp xuất khẩu giảm từ trước Tết đến nay gần 2.000 đồng/kg, trong khi đó cùng vào thời điểm này năm 2009, họ mua lúa từ nông dân với giá cao, có lúc lên đến 6.000 đồng/kg nên nhiều thương lái lỗ vốn. Một số thương lái nói đùa: chỉ những người chưa kinh doanh là người không bị lỗ.

Ông Trần Văn Tuân là chủ cơ sở xay xát gạo gia công ở xã Khánh Hậu, TP Tân An, Long An, đồng thời làm luôn nghề thương lái 20 năm qua, đi mua lúa tận vùng Đồng Tháp Mười ở các huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa, Thạnh Hóa trải dài đến Tân Hồng, Hồng Ngự, Tháp Mười của Đồng Tháp, vừa bật sổ vừa nói, cuối tháng 2 vừa qua, ông đã mua lúa IR 50404 với giá 4.400 đồng/kg, sau khi phơi sấy, xay xát ra gạo lứt để bán cho công ty lương thực xuất khẩu, tính ra không được lời một đồng bạc nào. Lúa mua của nông dân tại đồng nếu tính theo độ ẩm 22%, vận chuyển về phải chi phí nhiều thứ như tiền sấy 120.00 đồng/tấn, công chà lúa gần 130.000 đồng/tấn nếu giá điện tăng sẽ là 150.000 đồng/tấn. Nhiều thương lái lúa cho biết với giá ổn định, giỏi lắm mỗi tháng mỗi lái đi được 2 đợt khoảng 100 tấn lúa, lãi trung bình 100 đồng/kg vị chi 10 triệu đồng/tháng. Nếu phải vay vốn ngoài thì trả lãi vay hết 5-6 triệu đồng, tính ra thương lái cũng lời chút đỉnh. Còn như vừa qua hầu hết lái nào cũng lỗ. Từ năm 2008 đến nay, hậu quả do biến động giá gạo, nhiều thương lái lúa đã giải nghệ vì lỗ vốn. Trả lời câu hỏi thương lái có thể ép giá mua lúa của nông dân được không, anh Phạm Văn Đức, chủ một cơ sở xay xát gạo và cũng làm thương lái lúa lâu năm nói lên tâm tư chung của những thương lái:

Lợi nhuận từ hạt gạo xuất khẩu không được chia đều cho những người tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến xuất khẩu, nhất là cho người trồng lúa, đối tượng đảm trách 60% công việc trong chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Về phía nông dân làm lúa, giá lúa bán ra giảm cũng đồng nghĩa với thu nhập giảm và lo lắng với chi phí đầu vào cho vụ sản xuất mới đang trên đà tăng gia phân bón, xăng dầu, điện... theo ông Quách Thanh Hiệp ở xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, thì nông dân phải trả tiền cho đại lý bán vật tư nông nghiệp phân bón, thuốc trừ sâu với giá tăng lên. Lý do là mua thiếu tới cuối vụ bán lúa mới trả tiền. Do vậy, đến khi thu hoạch lúa, thương ái mua lúa giá nào thì bán giá đó. Nông dân lo sản xuất, không quyết định được giá mua vật tư và cả giá bán nông sản. Còn anh Trương Tấn Linh, xã Long Định, Châu Thành Tiền Giang, làm hơn 1 ha lúa cho biết, gia đình ngoài sản xuất lúa còn đi mua lúa của nông dân về xay bán cho nhà máy. Mấy ngày qua, giá lúa mua cho dân thấp hơn gần 2.000 đồng/kg so thời điểm trước Tết. Hiện giá lúa hơn 4.200 đồng/kg, với giá này, nếu năng suất cao thì nông dân còn lãi khá hơn so với vụ Hè Thu, nên vụ này nếu làm lúa không lời thì cộng chung cả năm sẽ không còn lãi bao nhiêu. Theo anh Linh ước tính:

Nếu tính giá lúa mua tại ruộng 3.500 đồng/kg, trừ chi phí 2.200 đồng/kg thì nông dân cũng lãi hơn 30% nhưng với diện tích bình quân 5-6 công ruộng/hộ, làm 3 vụ lúa thì cả năm cũng chỉ được 7-8 tấn, tức lãi khoảng hơn 10 triệu đồng/năm. Trong khi đó, đủ thứ chi phí, sinh hoạt hàng ngày, đám cưới, giỗ chạp, ma chay... thì nông dân ít ruộng vẫn còn nghèo dài dài.

Như vậy, giá lúa phải tương ứng với giá mua gạo lứt của công ty lương thực xuất khẩu đưa ra. Giá mua gạo cao thì thương lái, nhà máy xay xát mới mua lúa cho nông dân cao được. Muốn vậy, các công ty xuất khẩu gạo và nhà nước cần nắm rõ thông tin thị trường và đưa ra dự báo giá gạo xuất khẩu để giúp nông dân lẫn cơ sở xay xát tồn trữ lúa để bán được giá cao, có lợi nhiều hơn. Vấn đề đặt ra là làm sao tính toán giá thành hợp lý, sắp xếp kênh tiêu thụ, đảm bảo đầu ra cho hạt lúa ngay từ đầu vụ để nông dân bớt lo lắng, thương lái cùng các cơ sở xay xát cũng có lợi nhuận để chi phí cho cuộc sống và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng phải hoạt động có hiệu quả kinh tế./.

Nguyễn Thắng