Giảm thất thoát sau thu hoạch - Khâu đột phá sản xuất lúa gạo

(VOH) - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất lúa hàng hóa và xuất khẩu lớn nhất cả nước. Một trong những yếu tố gây trở ngại đến việc giảm giá thành, giảm thất thoát và nâng cao chất lượng lúa gạo là vấn đề nan giải mà lãnh đạo các địa phương trong vùng cùng với các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và bà con nông dân phải đặc biệt quan tâm.
Bà con nông dân thu hoạch lúa. Ảnh: nhanong

Theo các nhà khoa học, tổn thất sau thu hoạch lúa gạo của bà con nông dân khu vực ĐBSCL trong những năm qua là khá lớn, khoảng từ 10-13%. Bình quân hàng năm thất thoát hơn 2,2 triệu tấn, trị giá thiệt hại trên 550 triệu đôla. Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thất thoát sau thu hoạch cao nhất là khâu phơi sấy với 4,2%, thu hoạch 3%, xay xát 3%, bảo quản 2,6% và vận chuyển gần 1%. Các tổn thất phụ phẩm khác của lúa gạo cũng lên đến 50%. Nhiều giải pháp được đưa ra hiệu quả và thiết thực nhất là trong thời gian qua, việc xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn gắn với sự liên kết 4 nhà đã giúp cho nhiều địa phương và bà con chủ động hơn trong sản xuất.

Theo Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam thì nhờ mô hình này, bà con đã có thay đổi tập quán sản xuất, đặc biệt là việc đầu tư các lò sấy, các nhà máy xay xát của các doanh nghiệp đã góp phần ổn định giá cả và giảm thất thoát sau thu hoạch lúa gạo. GS-TS Bùi Chí Bửu cho biết thêm:

Tuy nhiên, mô hình này vẫn chưa xuất hiện nhiều. Thực tiễn là sản xuất ở ĐBSCL vẫn còn gặp nhiều khó khăn từ khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu,… Đây là những rào cản lớn cho việc áp dụng các thiết bị sau thu hoạch để đạt hiệu quả. Do vậy, để giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng giá trị trong chuỗi sản xuất, các chuyên gia đề xuất giải pháp tập trung đầu tư phát triển hệ thống bảo quản, tồn trữ lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long. PGS-TS Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nêu vấn đề cụ thể:

Để giảm thất thoát, Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện đề án "Nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh nông sản, đảm bảo khả năng dự trữ phục vụ xuất khẩu”, với tổng mức đầu tư dự toán hơn 7.000 tỷ đồng. Mục tiêu của đề án là từ nay đến năm 2020, các tỉnh ĐBSCL phát triển công nghệ sấy, mỗi năm làm khô từ 7 đến 8 triệu tấn lúa, đặc biệt là lúa hè thu. Tiến sĩ Võ Hùng Dũng - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh tại  Cần Thơ cho rằng, chúng ta cần phải có hệ thống dự báo chính xác, nhạy bén; tổ chức tốt hệ thống thu mua, chế biến và bảo quản để bảo đảm chất lượng gạo; đồng thời mở rộng khả năng chủ động ứng phó diễn biến thị trường; công tác điều hành xuất khẩu theo cơ chế mới phù hợp, chỉnh đốn đội ngũ doanh nghiệp theo hướng chuyên nghiệp hơn, có trách nhiệm và quan tâm cụ thể đến khâu sản xuất của người nông dân… Tiến sĩ Võ Hùng Dũng nhấn mạnh:

Có thể nói, giải pháp trước mắt là chúng ta đang tập trung giảm thất thoát sau thu hoạch ở cây lúa từ khâu xuống giống, chăm bón, né rầy cho đến khi thu hoạch, sấy, bảo quản, xay xát,... chắc chắn sẽ hạn chế được thất thoát đến mức tối đa, góp phần tăng năng suất lao động cho người dân. Với tổng quan về thu hoạch, sấy, bảo quản, xay xát lúa gạo và những công nghệ thu hoạch sau cho phù hợp, trong thời gian tới, chúng ta sẽ giảm tổn thất thu hoạch tăng thu nhập cho người nông dân trồng lúa, làm giàu cho xã hội thông qua các biện pháp xử lý sau thu hoạch.