Hạ lãi suất huy động: không có tình trạng người dân ồ ạt rút tiền

(VOH) - Sau khi Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố giảm trần lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều ngân hàng đã đồng loạt hạ lãi suất huy động.

Ngân hàng Nhà nước vừa có thông báo giảm trần lãi suất huy động tiền đồng, có hiệu lực kể từ ngày 29/10/2014. Theo đó, trần lãi suất huy động tiền đồng sẽ giảm từ 6% xuống còn 5,5% cho kỳ hạn 6 tháng. Trần lãi suất huy động USD giảm từ mức 1% xuống còn 0,75%. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ giữ nguyên các lãi suất chính sách chính (tái cấp vốn, chiết khấu, và chiếu khấu giấy tờ có giá) cho đến hết năm nay. Đây là lần thứ hai trần lãi suất huy động giảm trong năm 2014.

Sau khi Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố giảm trần lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều ngân hàng đã đồng loạt hạ lãi suất huy động.

Giao dịch tại các ngân hàng vẫn diễn ra bình thường, không có tình trạng người dân ồ ạt rút tiền. Trước thông tin giảm lãi suất khách hàng cũng có nhiều suy nghĩ khác nhau: "Tôi quyết định gửi tiết kiệm vì đầu tư vào lĩnh vực khác thời điểm này thì rủi ro cao...Tôi chưa có kế hoạch đầu tư nên vẫn gửi ngân hàng dù lãi suất hạ nhưng vẫn yên tâm hơn". Hay như: "Vì lãi suất huy động giảm xuống nên mình muốn rút tiền để đi đầu tư nơi khác...Lãi suất thấp nên tôi quyết định rút tiền để kinh doanh tiệm café nhỏ, lời lãi thì sẽ cao hơn".

Nhân viên Vietcombank kiểm đếm tiền gửi tiết kiệm của khách hàng - Ảnh: Hồng Thúy (NLĐ).

Sự đắn đo giữa việc gửi ngân hàng hay rút tiền ra đầu tư kênh khác đang là tâm lý chung của nhiều người dân nắm giữ lượng tiền nhàn rỗi trong bối cảnh lãi suất liên tục hạ. Còn theo một số chuyên gia, lãi suất giảm ở các kỳ hạn ngắn có thể kích thích tiêu dùng, đẩy vốn vào chứng khoán, bất động sản... Ông Nguyễn Ngọc Huy Cường, Giám đốc khối Kinh doanh chứng khoán, Công ty cổ phần chứng khoán Thành Công, tin rằng: "Hạ lãi suất thì lúc nào những kênh còn lại đặc biệt là kênh chứng khoán cũng sẽ có hiệu ứng tích cực. Điển hình là khoảng thời gian đầu năm 2014, khi mà lãi suất hạ thì những nhà đầu tư đã chuyển dòng tiền qua thị trường chứng khoán rất nhiều. Nếu trước năm 2013, thanh khoản nhiều lắm chỉ đạt hơn 2.000 tỷ đồng/phiên, còn trong năm 2014 (dĩ nhiên có sự tác động bởi nhiều yếu tố như: khối ngoại tệ, hay các quỹ đầu tư vào Việt Nam,…) thì trung bình mỗi phiên giao dịch là từ 3.500- 4000 tỷ đồng. Lượng tiền từ những nhà đầu tư cá nhân hút lượng tiền gửi ngân hàng để chuyển qua thị trường chứng khoán để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn".

Còn về phía doanh nghiệp, sau khi có thông tin giảm lãi suất huy động giảm, nhiều doanh nghiệp ở thành phố kỳ vọng nguồn vốn vay trung, dài hạn cũng sẽ được giảm xuống dưới 10%/năm để đầu tư máy móc, thiết bị mới cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh dài hơi của mình.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thành phố, cho rằng: "Các doanh nghiệp đang kỳ vọng lãi suất trung dài hạn sẽ kéo xuống dưới 10%. Nếu doanh nghiệp muốn đầu tư trung dài hạn mà vay với lãi suất 11-13%/năm, thì đầu tư sẽ rất khó. Đặc biệt, tình hình thị trường hiện nay vẫn chưa khởi sắc lắm. Hy vọng, với lãi suất dưới 10% thì doanh nghiệp sẽ đầu tư mua sắm thiết bị, máy móc mới".

Bên cạnh việc hạ lãi suất huy động thì nhiều ngân hàng cũng đã chủ động giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Bởi, giữa doanh nghiệp và ngân hàng là mối quan hệ cùng phát triển. Nếu sức khỏe của doanh nghiệp không tốt thì tăng trưởng tín dụng của ngân hàng cũng sẽ ì ạch.