Hạ tầng giao thông tạo động lực cho kinh tế phát triển

(VOH) - Năm 2014 và vài năm gần đây, hàng loạt công trình cầu đường được đưa vào sử dụng không chỉ giúp giảm ùn tắc giao thông mà còn rút ngắn thời gian đi lại giữa các quận, huyện, tạo đà phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM.

Hiệu quả từ giao thông

Một dự án tầm cỡ được đưa vào sử dụng vào cuối năm 2014 chính là tuyến cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, đoạn đi qua TPHCM. Việc đưa vào khai thác sẽ rút ngắn thời gian đi lại, thúc đẩy giao thương, đồng thời giải tỏa áp lực giao thông, kết nối TPHCM với các tỉnh lân cận, tạo diện mạo hạ tầng đô thị khu vực Đông Nam thành phố ngày càng khang trang, hiện đại. Cách đây chưa lâu khu vực phía Đông Bắc thành phố cũng được tạo động lực phát triển khi tuyến đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài được thông xe đưa vào sử dụng đợt 1, giải quyết lượng lớn nhu cầu đi lại của người dân ở các quận Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp và Thủ Đức.

Có những dự án quy mô lớn này, Thành phố đã có nhiều nỗ lực vượt qua những thời điểm căng thẳng trong việc tìm nguồn vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng cũng như thi công.

Định hướng của TP là rõ ràng : phát triển nhanh hệ thống cầu đường, sớm hình thành các đường vành đai, các trục đường xuyên tâm, các đường kết nối đến các khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm thương mại và các khu dân cư tạo sự đi lại thuận lợi theo hướng Đông - Tây và Bắc - Nam của thành phố, tạo đà cho phát triển nhanh các đô thị dọc hai bờ sông Sài Gòn. Những dự án giao Thoòng đang góp phần tôn tạo nên vẻ hoành tráng, hiện đại của thành phố mang tên Bác.

Hạ tầng giao thông TPHCM trong thời gian tới không chỉ hiện đại mà còn đảm bảo mỹ quan đô thị - Ảnh minh họa - (Nguồn: ATGT).

Ngoài cảnh quan, đầu tư giao thông còn tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Đó chính là điều kiện tốt, thúc đẩy nhiều hơn hoạt động kinh doanh của nhân dân, doanh nghiệp, góp phần đưa kinh tế thành phố tiếp tục phát triển trong tương lai.

Chờ đợi hiệu quả từ tương lai

Năm 2014, kinh tế TPHCM tăng trưởng khá, bất chấp những diễn biến không thuận lợi của kinh tế toàn cầu. Dự kiến, Thành phố hoàn thành 21/28 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Đó là minh chứng rõ nét nhất cho những quyết sách kinh tế trong đó có chính sách đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Nhưng chưa dừng lại ở đó nếu nhìn về tương lai gần. Người dân Thành phố vẫn còn nhiều thứ để chờ đợi.

Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 kéo dài từ Bến Thành đến Suối Tiên đang bước vào giai đoạn thi công nước rút là một ví dụ. Đây được coi là một trong những bước tiến quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị tại trung tâm kinh tế lớn nhất nước. Mục tiêu chính của dự án là đáp ứng nhu cầu giao thông trên tuyến xa lộ Hà Nội, nơi có lưu lượng giao thông cao nhất trong số các cửa ngõ TPHCM, đang là điểm đen về ùn tắc và tai nạn giao thông.

Ở khía cạnh kinh tế, tuyến Bến Thành- Suối Tiên sẽ là động lực thúc đẩy cho các quận dọc tuyến như Quận 2, 9, Thủ Đức, TPHCM và thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương giao thương phát triển. Ngoài ra, một số khu vực như Khu Công nghệ cao, Khu Đại học quốc gia, Khu vui chơi giải trí Suối Tiên, Công viên Văn hóa Lịch sử dân tộc cũng được hưởng lợi từ tuyến đường này.

TPHCM đang trên đà phát triển. Lộ trình ấy xuất hiện tồn tại yếu kém là điều khó tránh khỏi song người dân thành phố vẫn có thể tự hào và tự tin với những kết quả đã, đang và sẽ đạt được. Đó chính là sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, người dân cùng góp sức tạo nên những nét chấm phá cho kinh tế đô thị địa phương, góp phần cùng cả nước tiến về phía trước.