Hệ thống thủy lợi góp phần cho nông nghiệp TP phát triển

(VOH) - 35 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng chưa phải là thời gian quá dài với mỗi chúng ta. Thế nhưng, với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, sản xuất nông nghiệp ở TP nói riêng đã có bước đi bền vững khá tốt và đang đi theo hướng công nghệ cao, nền sản xuất nông nghiệp đô thị.

Một trong những yếu tố làm nên nền nông nghiệp bền vững và ổn định, đó là sự đóng góp của hệ thống công trình thủy lợi được quan tâm đầu tư hoàn chỉnh. Công trình thủy lợi quan trọng gắn liền với sản xuất nông nghiệp TP phải kể đến đầu tiên đó là hồ Dầu Tiếng và hệ thống kênh Đông.

 Đào mương, bơm thoát nước xử lý đất xây dựng móng hồ chứa nước của hệ thống cấp nước kênh Đông.

Xác định thuỷ lợi là mặt trận hàng đầu để phát triển nông nghiệp, thời gian qua, lãnh đạo TP đã tập trung vốn đầu tư và huy động hàng trăm nghìn ngày công lao động, vận động nông dân hiến hàng trăm hécta đất để khôi phục và xây dựng mới các công trình thuỷ lợi, trong đó có hệ thống kêng Đông trên địa bàn huyện Củ Chi đất thép thành đồng. Đến nay, TP đã đưa vào khai thác, sử dụng hàng trăm công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có đại công trình thuỷ lợi kênh Đông. Chỉ riêng công trình thủy lợi kênh Đông đã đảm bảo nước tưới cho gần 15 ngàn hécta đất canh tác, trong đó có 12 ngàn hécta được tưới chủ động bằng các công trình kiên cố hóa kênh mương. Phải nói rằng, trong gần 30 năm vận hành và khai thác, công trình thủy lợi Dầu Tiếng đã có những đóng góp đáng kể trong phát triển kinh tế-xã hội và cải thiện điều kiện môi trường cho những vùng hưởng lợi là TP.HCM, Tây Ninh, Bình Dương và Long An. Dầu Tiếng đã tưới trực tiếp cho 63.000 hécta, trong đó Tây Ninh 48.500 hécta, Củ Chi khoảng 15 ngàn hécta và hiện đang mở rộng thêm hệ thống tưới Tân Hưng để đạt được diện tích 10.700 hécta, tạo nguồn nước cho 41.000 hécta ven sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông; cung cấp nguồn nước sạch cho các nhà máy nước Thủ Dầu Một- Bình Dương và nhà máy nước Tân Hiệp- TP.HCM, đẩy ranh giới mặn trên sông Sài Gòn và một số vùng trên sông Vàm Cỏ Đông, góp phần làm giảm mức độ ô nhiễm, hạn chế xâm nhập mặn trên sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch trong vùng vào thời điểm mùa khô như hiện nay. Ông Nguyễn Trọng Thanh, Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng đánh giá:


Riêng với kênh Đông, hệ thống kênh tưới tiêu của công trình hiện nay có thể nói là khá hoàn chỉnh so với các hệ thống thủy lợi khác đã được xây dựng ở khu vực phía Nam. Ngoài kênh chính Đông, các hệ thống kênh cấp I, cấp II, cấp III và cấp IV và kênh nhánh được xây dựng khá đồng bộ và quản lý có hiệu quả. Nguồn nước mát của sông Sài Gòn và Dầu Tiếng đã tuôn chảy khắp 12/21 xã ở huyện Củ Chi, tưới mát cho gần 15.000 hécta, tạo nguồn sống cho lúa, hoa màu, vườn cây ăn trái, tắm mát gia súc, gia cầm, góp phần cải tạo đất, tăng lượng nước ngầm phát triển giao thông nông thôn.Từ đó mà đã góp làm cho xóm làng đổi mới, kinh tế - xã hội, đời sống người dân vùng ngoại thành ngày càng nâng cao, đồng thời tạo nguồn nước ngọt cho TP. Hồ Chí Minh. Kể từ năm 2002 đến nay, hệ thống thuỷ lợi Kênh Đông không còn là kênh mương đất nữa mà kiên cố hóa bằng bêtông, toàn bộ hệ thống được hiện đại hoá để chủ động trong việc điều tiết nước qua các cống vào từng cánh đồng. Vui mừng phấn khởi về công trình mang tính lịch sử này, Ông Đỗ Xuân Hưng, Chủ tịch Hội nông dân xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi phấn khởi nói:

Là một nông dân sản xuất rau màu với gần một hecta, nhờ áp dụng những mô hình công nghệ cao do các nhà khoa học hướng dẫn, cộng với nguồn nước kênh Đông tưới mát mà anh Trần Thanh Minh, ở ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây đã vượt nghèo và vươn lên khấm khá. Anh mong muốn:
Còn chị Tô Thị Quốc, nông dân trồng rau ở ấp Trảng Lắm, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi bày tỏ:
Nếu như sau ngày giải phóng, Củ Chi được xem là vùng trắng với những hố bom mìn, đất đai khô cằn, hoang hóa thì không lâu sau nơi đây đã trở thành vành đai xanh của TP. Ông Lê Minh Tấn, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết thêm:
Các vùng ngoại thành khác như: Hóc Môn, Bình Chánh, quận 12, Cần Giờ, Nhà Bè… trước đây, đồng ruộng cũng bỏ hoang, rừng bị tàn phá, hệ thống các công trình thuỷ lợi nhỏ xây dựng trước đây bị hư hại, xuống cấp nghiêm trọng, đời sống của người nông dân hết sức khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt, nhất là về lương thực. Vậy mà ngày nay, những vùng này cũng đã có bước chuyển biến không ngừng với những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, chất lượng. Nhiều mô hình nông nghiệp của TP được nhân rộng và được nhiều người dân nơi khác đến tham quan, học tập. Có thể nói, ngày nay, hệ thống thủy lợi vẫn chảy quanh co trên những vùng đất ngoại thành TP. Và ở TP.HCM bây giờ khi nói đến năng suất lúa, không ai tính bằng giạ mà người ta tính bằng tấn. Không chỉ sống với hai mùa lúa trong năm mà nông dân TP.HCM còn trồng nhiều loại cây ăn trái, khoai lang chất lượng cao, rau sạch, hoa cảnh cá kiểng, chăn nuôi bò sữa, nuôi trồng đánh bắt thủy sản,...vv....cho chất lượng cao nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào khâu canh tác. Đó là những tín hiệu vui và đáng mừng trong thời điểm hiện nay khi mà nông nghiệp, nông thôn TP không ngừng phát triển ổn định và bền vững sau 35 năm giải phóng./.

Minh Tâm