Hiệu quả của một chương trình bình ổn giá cả thị trường

(VOH) - Cách đây 13 năm, năm 2002, TPHCM đi đầu cả nước trong triển khai chương trình bình ổn giá cả thị trường. Những năm sau đó, UBND và các Sở - Ban - Ngành ở TPHCM đã triển khai bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu quanh năm với 9 nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm bao gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả và thủy hải sản.

Từ kết quả khả quan của hai chương trình bình ổn giá hàng lương thực, thực phẩm và các mặt hàng phục vụ Tết cũng như mùa khai trường năm 2011 và 2012, TP.HCM đã triển khai thêm 2 Chương trình bình ổn giá nữa dành cho sữa và thuốc tây, nâng tổng số lên 4 chương trình.

Chương trình bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn TPHCM đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn là 1 trong 10 công trình và sự kiện tiêu biểu của TP.HCM. Ảnh minh họa: tapchitaichinh

Hơn 13 năm qua, chương trình bình ổn thị trường đã dần trưởng thành và định hình qua nhiều giai đoạn. Từ năm 2002-2007, bình ổn giá trong những tháng cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, khởi đầu chương trình với 2 doanh nghiệp Nhà nước là Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn và Công ty Lương thực Thành phố, sau đó, số doanh nghiệp tham gia tăng lên qua từng năm.

Từ năm 2007-2009, chuyển từ cơ chế tạm ứng sang cơ chế cho vay không lãi ủy thác thông qua Quỹ Đầu tư phát triển đô thị (nay là Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP). Đến năm 2010, chương trình được triển khai trong cả năm. Cũng từ năm này, số vốn các doanh nghiệp vay rất nhỏ so với phần vốn doanh nghiệp tự đầu tư cho cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị và tạo nguồn hàng thiết yếu. Đặc biệt, một số doanh nghiệp không nhận vốn hỗ trợ từ chương trình. Càng về sau, chương trình càng được xã hội hóa cao, nhiều doanh nghiệp hoàn toàn không nhận vốn vay lãi suất ưu đãi hoặc chỉ nhận một phần vốn vay khi tham gia chương trình.

Hằng năm, thành phố chi từ vài chục đến vài trăm tỉ đồng hỗ trợ vốn vay lãi suất 0% cho chương trình. Về lâu dài, các doanh nghiệp tham gia chương trình có sự chủ động giảm nhận vốn ưu đãi, năm 2012 có 25 doanh nghiệp tham gia chương trình, nhưng chỉ nhận tổng cộng gần 270 tỉ đồng và từ 2013 đến nay, doanh nghiệp chủ động nguồn vốn.

Ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc ngân hàng nhà nước chi nhánh TPHCM cho rằng: “Thay vì trước đó từ 2012 trở về trước, ngân sách phải bỏ ra để hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã vay vốn ngân hàng thì kể từ 2013 với sự tham gia của các ngân hàng thì ngân sách không phải chi nữa, thay vào đó là sự chia sẻ; hay tinh thần trách nhiệm, thái độ chính trị của các ngân hàng thương mại trong vấn đề phát triển kinh tế xã hội của TPHCM, chương trình này đến nay đã được đánh giá rất cao. Thống đốc ngân hàng nhà nước cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại trong phạm vị cả nước triển khai chương trình này theo mô hình của TPHCM”.

Trong suốt thời gian triển khai thực hiện, chương trình bình ổn thị trường của TPHCM đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Với mục tiêu tăng cường sản xuất, chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, bảo đảm cung - cầu cân đối, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân; hàng hóa phải có chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý, đủ sức chi phối, định hướng dẫn dắt thị trường và thực hiện an sinh xã hội.

Chương trình đã cung ứng đủ và ổn định 9 nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu với giá cả thấp hơn thị trường từ 5 - 10%. Với ưu tiên tập trung phát triển hệ thống phân phối, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Chương trình đã góp phần giúp người lao động nghèo tiếp cận dễ dàng hơn với các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. “Bình ổn giá thì khách hàng sẽ đến siêu thị để lựa chọn mua và chất lượng hàng bình ổn cũng tốt, còn mua ở ngoài thì nhiều khi sản phẩm không biết có đúng hàng tốt và giá cả không ổn định”, bà Nguyễn Thị Thắm – người tiêu dùng ở quận Bình Tân, nhìn nhận.

Nhờ lượng hàng cung ứng dồi dào, giá cả hợp lý, mạng lưới phân phối phủ rộng khắp địa bàn, chương trình đã hạn chế một cách hiệu quả tình trạng gian thương đầu cơ trục lợi, găm hàng… để nâng giá tùy tiện ở các loại hình phân phối khác tại các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa...

Chương trình bình ổn giá của TP có ảnh hưởng lớn và mạnh mẽ đến việc bình ổn giá trong phạm vi cả nước, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng khắp mọi miền đất nước, nhất là với những người nghèo, những hộ gia đình kinh tế khó khăn.

Sau 14 năm thực hiện, chương trình này đã thành “thương hiệu” trong hoạt động thương mại của TP và thành công nhất so với các địa phương. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP đánh giá: “Chương trình phát triển theo hướng xã hội hóa, nhằm khai thác tối đa tiềm năng của các nguồn lực xã hội và tạo điều kiện cho các nguồn lực kết gắn cùng nhau để tăng cường hiệu quả chương trình, mở rộng quy mô và phát triển 4 chương trình bình ổn theo chiều sâu với hàng hóa tăng về số lượng chủng loại, chất lượng và với lượng ngân hàng doanh nghiệp tham gia nhiều hơn; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hiện đại hóa quy trình sản xuất và nâng cao năng lực quản trị cũng như tăng cường hợp tác với các đối tác phù hợp tại các tỉnh thành phố trong nước, nhất là các địa phương có quan hệ hợp tác thương mại với TPHCM. Thúc đẩy phát triển mạng lưới điểm bán bình ổn thị trường sâu rộng trên địa bàn dân cư, và đẩy mạnh việc phân phối hàng bình ổn thị trường đến các bếp ăn tập thể phục vụ công nhân, người lao động”.

Đánh giá cao những nỗ lực TPHCM – địa phương tiên phong thực hiện và duy trì chương trình bình ổn giá cả thị trường hơn 13 năm qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương – Trần Tuấn Anh cho rằng: “Qua những việc thực hiện thì chúng ta đã thấy được ý nghĩa, thấy được hiệu quả, thấy được vai trò của chương trình bình ổn, và những đóng góp to lớn của chương trình đối với các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hội và đáp ứng được nhu cầu của đời sống nhân dân của chương trình bình ổn của thành phố cũng như trên phạm vị cả nước. Chính vì vậy, chúc mừng lãnh đạo TPHCM, các sở ban ngành và đặc biệt là các doanh nghiệp đã tham gia chương trình bình ổn trong suốt 14 năm qua về những thành tích, những nỗ lực to lớn, có nhiều đóng góp vào những mục tiêu chung của thành phố cũng như của cả nước”.

Từ khi thực hiện đến nay, chương trình luôn nhận được sự đồng thuận cao từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp, các ngành hàng, người tiêu dùng, nhờ đó chương trình không ngừng lan tỏa và phát huy hiệu quả. Để chương trình bán hàng bình ổn giá đủ mạnh, có khả năng kiểm soát thị trường, doanh nghiệp kinh doanh có lãi và người tiêu dùng được lợi, chính quyền thành phố và cộng đồng doanh nghiệp đã không ngừng đổi mới về sản xuất, tạo nguồn hàng, phương thức phân phối, cách tiếp cận với người tiêu dùng và tự chủ về nguồn vốn và năng lực kinh doanh.

“SaiGonFood tham gia chương trình bình ổn, nhận được sự hỗ trợ của Sở Công thương thành phố qua các hoạt động liên kết, kết nối với ngân hàng để vay vốn, kết nối các hệ thống phân phối trong việc phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng. Còn 1 hoạt động quan trọng nữa đó là kết nối với các doanh nghiệp địa phương để có nguồn cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp”, bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó tổng giám đốc SaiGonFood chia sẻ.

Từ sự định hình và khẳng định tính hiệu quả, chương trình bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn TPHCM đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn là 1 trong 10 công trình và sự kiện tiêu biểu của TP.HCM – một dấu son cho sự trưởng thành của chương trình và minh chứng về hiệu quả kinh tế - xã hội của TP./.