Hướng đi mới cho ngành sản xuất, tiêu thụ cá tra

(VOH) - Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, ngành nuôi trồng, chế biến cá tra xuất khẩu của vùng ĐBSCL đã có sự phát triển tăng tốc trong nhiều năm qua và có đóng góp lớn trong tỉ trọng xuất khẩu của đất nước. Tuy nhiên, sự phát triển quá nóng của lĩnh vực này trong thời gian qua đã cho thấy nhiều vấn đề cần giải quyết. Chính vì vậy, việc ra đời Hiệp hội Cá tra Việt Nam qua việc tiến hành Đại hội thành lập vào ngày 2/3 vừa qua được kỳ vọng tạo một luồng gió mới để đưa lợi thế của ĐBSCL phát triển vượt bậc hơn nữa trong thời gian tới.
Hiệp hội Cá tra Việt Nam được thành lập kỳ vọng tạo một luồng gió mới để đưa lợi thế của ĐBSCL phát triển vượt bậc hơn nữa trong thời gian tới. Ảnh minh họa: internet

Có thể nói, nhìn lại khoảng thời gian gần đây, con cá tra ĐBSCL liên tục vướng vào cảnh “thăng trầm”. Niềm vui thì ít mà nỗi buồn thì vô biên. Điều khẳng định được là 95% sản lượng cá tra toàn cầu là do Việt Nam cung cấp, nhưng cái “tệ” lớn nhất là các doanh nghiệp trong nước đua nhau hạ giá khiến giá sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, toàn bộ các khâu từ con giống, nuôi trồng, chế biến đều có những bất cập đã dẫn đến lợi thế cạnh trang của đất nước luôn trong tình trạng “nguy khó”.

Vì vậy, việc thành lập Hiệp hội cá tra Việt Nam có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của ngành hàng, tăng trưởng trong vùng nói riêng và của cả nước nói chung. Ông Nguyễn Hữu Khánh - nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang cho rằng: Việc thành lập hiệp hội là điều hết sức cần thiết, tuy nhiên, nếu kỳ vọng quá nhiều vào hiệp hội giải quyết những vấn đề lớn thì e là không kham nổi. Nhưng, việc hình thành hiệp hội thì có thể tạo ra mô hình sản xuất khép kín, kiến nghị những chủ trương chính sách đối với Trung ương sẽ góp phần giải quyết khó khăn trong tình hình hiện nay. Ông Nguyễn Hữu Khánh nói:

Phát biểu tại đại hội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám khẳng định: Sự ra đời của Hiệp hội Cá tra Việt Nam là kết quả đồng thuận cao của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, các cơ quan quản lý, các địa phương vùng ĐBSCL cùng các bên liên quan trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ cá tra. Sau khi thành lập, Hiệp hội Cá tra Việt Nam cần nhanh chóng kiện toàn bộ máy hoạt động, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên liên quan. Đồng thời, Hiệp hội cần phát huy tốt vai trò là cầu nối hội viên với cơ quan quản lý, tham gia tích cực vào quá trình tổ chức lại chuỗi sản xuất và tiêu thụ cá tra. Đặc biệt, Hiệp hội cần sớm tham gia xây dựng và hoàn thiện Nghị định "Về Quản lý sản xuất và xuất khẩu cá tra" để trình Chính phủ phê duyệt nhằm đưa ngành cá tra của Việt Nam phát triển ổn định và bền vững. Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám nêu rõ:

Có thể nói, tuy có mở ra nhiều cơ hội phát triển, song thời gian qua, thách thức của ngành hàng này cũng rất lớn. Nhất là trong bối cảnh khả năng cạnh tranh của thủy sản còn yếu, trình độ quản lý còn nhiều bất cập, các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của các nhà nhập khẩu thường xuyên thay đổi và ngày càng đòi hỏi khắt khe. Do vậy, Hiệp hội ra đời sẽ góp phần định hướng giúp nghề nuôi cá tra phát triển ổn định và bền vững, trong đó các vấn đề yếu kém về mất cân đối cung cầu, giá cả nguyên liệu không ổn định, cạnh tranh không lành mạnh sẽ được giải quyết một cách thống nhất. Ông Nguyễn Văn Ký - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGIFISH) cho biết:

Tại Đại hội thành lập Hiệp hội Cá tra Việt Nam, các đại biểu đã biểu quyết tán thành Nghị quyết Đại hội với những nội dung chính sau: Nhất trí cơ bản nội dung Điều lệ Hiệp Hội gồm 7 chương, 24 điều theo dự thảo. Theo đó, Đại hội đã tiến hành bầu BCH Hiệp hội cá tra Việt Nam nhiệm kỳ I (2013-2015) với 47 thành viên, trong đó Thường vụ Ban chấp hành gồm 18 thành viên, Ban Kiểm tra gồm 3 thành viên, Ban Thường trực với 6 thành viên (1 Chủ tịch và 5 Phó Chủ tịch Hiệp hội). Ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam được bầu giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhiệm kỳ I; ông Võ Hùng Dũng - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội.

Sự hình thành Hiệp hội đồng nghĩa sự phát triển của ngành hàng, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của các địa phương, đồng thời giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập cho người dân của các tỉnh, thành phố có nuôi cá tra. Ông Huỳnh Thế Năng - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang nói:

Thế giới đã “gần hơn” với con cá tra Việt Nam, còn trong nước đến khi nào mới hết tình cảnh “mình hại ta” với các chiêu thức hạ giá, sản phẩm chất lượng không cao,... Tất cả đều kỳ vọng vào sự đổi mới và sự vào cuộc quyết liệt của “người cầm lái” là Hiệp hội Cá tra Việt Nam để đưa sản phẩm có lợi thế canh tranh “rất nóng” của Việt Nam có mặt trong “ngăn lạnh” của người dân ở các châu lục trên thế giới.