Hướng ra cho xuất khẩu gạo: Liên kết lại và tìm giống lúa

(VOH) - Ngành sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam nói chung và hoạt động kinh doanh của thương nhân xuất khẩu gạo của Việt Nam nói riêng đang đối mặt với những khó khăn, thách thức to lớn, rất cần có những nghiên cứu sâu sắc, toàn diện và hệ thống để tìm ra những giải pháp và đối sách phù hợp trước những biến động của thị trường gạo thế giới cả trước mắt và lâu dài.
Đến nay Việt Nam vẫn chưa giải quyết được vấn đề xây dựng thương hiệu cho hạt gạo (ảnh minh họa: TNO)

Đối với nước ta mặt hàng lúa gạo là một trong những mặt hàng trọng yếu và đồng thời có tính nhạy cảm cao do những đặc thù của nền kinh tế nông nghiệp. Nhờ sản xuất lúa liên tục tăng trưởng cả về năng suất và diện tích trong nhiều năm liền mà hạt gạo đã vươn lên trở thành một trong những mặt hàng nông sản chiến lược trong xuất khẩu. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, ngành hàng lúa gạo Việt Nam càng lúc càng đối diện với vô vàn khó khăn từ những thay đổi trong cách nhìn nhận về hoạt động xuất nhập khẩu gạo của một số quốc gia. Ấn Độ - nước sản xuất gạo lớn thứ 2 thế giới đã quay trở lại tham gia thị trường xuất khẩu, trong khi các nước Myanmar, Campuchia và Pakistan đều nỗ lực gia tăng sản lượng gạo bán ra. Những nước nhập khẩu thì thực hiện điều chỉnh chính sách nhập khẩu theo hướng tăng cường tự túc lương thực, đa dạng hóa nguồn cung và quan sát thị trường để tìm kiếm cơ hội mua gạo với giá có lợi nhất. Trước tình hình như vậy, rõ ràng với một quốc gia chiếm tỷ trọng lớn về thị trường cung ứng gạo thế giới chắc chắn chúng ta phải chịu những tác động nhất định. Ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công Thương dẫn chứng:



Vẫn biết tác động của thị trường là yếu tố khách quan và rõ ràng chúng ta phải chấp nhận một cuộc chơi sòng phẳng. Vậy nhưng, điều đáng nói ở đây chính là cùng với thời gian vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, thì đến nay chúng ta vẫn chưa giải quyết được vấn đề xây dựng thương hiệu cho hạt gạo. Mà điều này xuất phát từ chỗ Việt Nam chưa có được một bộ giống lúa đặc sản mang bản sắc riêng của mình. Ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nêu ý kiến:


Rõ ràng là vậy, suốt một thời gian dài chúng ta chỉ biết chạy theo số lượng mà quên đi chất lượng. Kể cả nông dân và cán bộ ngành nông nghiệp thường chỉ xem giống lúa đạt chuẩn là giống lúa phải có năng suất cao, từ 6-7 tấn trở lên, chứ không bao giờ chấp nhận giống lúa thơm, ngon mà năng suất thấp. Trong khi cứ nhìn sang Thái Lan, có nơi họ chấp nhận trồng giống lúa 3 tấn/hecta mà chất lượng cao để mục đích cuối cùng là thu về mức lợi nhuận cao nhất. Về những bất cập trong lĩnh vực nghiên cứu chọn tạo giống lúa phục vụ xuất khẩu ở vùng ĐBSCL hiện nay, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh lo lắng:



Giống lúa đã thiếu thì chính việc liên kết lỏng lẻo giữa doanh nghiệp và nông dân trong thời gian qua lại càng làm cho hạt gạo Việt nhọc nhằn tìm đầu ra. PGS-TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định, muốn mở rộng thị trường xuất khẩu gạo thì chúng ta phải làm thương hiệu nhưng trước khi nghĩ đến chuyện này, doanh nghiệp phải xây dựng được vùng nguyên liệu và liên kết với nông dân. Trong đó xây dựng cánh đồng mẫu lớn là việc làm cấp thiết. PGS-TS Phạm Văn Dư nhấn mạnh:


Cục Trồng trọt cho biết, đến nay diện tích sản xuất lúa theo “cánh đồng mẫu lớn” của vùng ĐBSCL là 80.000 hecta, con số này vẫn còn quá ít. Trong khi theo tính toán của ngành nông nghiệp, mỗi hecta lúa tham gia trong “cánh đồng mẫu lớn”, người sản xuất có thể thu lời thêm từ 2,2 đến 7,5 triệu đồng. Đồng thời chi phí sản xuất giảm được từ 10 đến 15%, giá trị sản lượng tăng 20 đến 25%. Về phía doanh nghiệp sẽ có được vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu, từ đó tạo lập được thương hiệu cho mình và là tiền đề cho việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Lợi ích là vậy thế nhưng câu hỏi đặt ra là thời gian qua tại sao các doanh nghiệp vẫn không mặn mà liên kết với nông dân? Ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho hay:



Để tháo gỡ khó khăn trên cho các doanh nghiệp, theo ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công Thương, sắp tới, bộ sẽ phối hợp với các bộ ngành khác và Hiệp hội để khảo sát, đánh giá thật kỹ lưỡng để đưa ra nhận định một cách thống nhất về khái niệm liên kết. Bởi liên kết không có nghĩa là yêu cầu các doanh nghiệp sẽ phải đầu tư toàn bộ 100% cho người nông dân, để rồi vượt quá khả năng chịu đựng của doanh nghiệp và gây ra tổn hại cho doanh nghiệp. Chúng ta sẽ nghiên cứu đưa ra những mô hình thích hợp để có khuyến nghị và tổ chức thực hiện trong liên kết. Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh vẫn lưu ý rằng, để ngành hàng lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững thì nhất quyết doanh nghiệp phải liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu. Bởi chúng ta không thể cứ sản xuất nhỏ lẻ mãi được mà phải chuyển sang liên kết sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại để phát huy tiềm năng lợi thế của mình. Làm được như vậy thì sức cạnh tranh của hạt gạo Việt mới lớn mạnh
.