Khoa học công nghệ địa phương - những tín hiệu khởi sắc

(VOH) - Từ đầu năm 2014, Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi có hiệu lực đã mang lại sắc thái mới cho hoạt động khoa học và công nghệ nước ta.

Tại TP.HCM, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, các dự án khoa học công nghệ được triển khai ở các quận huyện đã bước đầu đơm hoa kết trái.

Ảnh minh họa: hochiminhcity.gov.vn

Gia đình có hơn 2.000 m2 đất nông nghiệp, nhưng chị Phạm Thị Hoa, một hộ nông dân ở phường Long Phước (Quận 9) vẫn không tìm thấy lối ra cho kinh tế của gia đình, cho đến ngày chị quyết định trồng đậu bắp và bán hết sạch trong ngày mùng 3 Tết năm 2012.

Sau đó chị được phòng Kinh tế - Quận 9 mời tham dự những khóa tập huấn trồng rau sạch, cây kiểng, cá cảnh, trồng nấm. Suy đi tính lại chị quyết định chọn trồng rau sạch, ban đầu thí điểm với diện tích 500 m2 và trồng xen canh một số loại cây trái khác trên diện tích còn lại.

Hiện nay, trừ đi chi phí thu nhập của gia đình chị được khoảng 120 triệu đồng/năm. Niềm vui lấp lánh trong giọng nói chân chất của người phụ nữ này khi kể về những gì mình đã trải qua.

“Mô hình trồng rau sạch của mình không có nhà lưới vì vốn đầu tư chưa nhiều, gia đình mình tự sản xuất nhưng mình không sử dụng thuốc tăng trưởng chỉ dùng phân hữu cơ, phân bò và phân tro. Rau mình tự sản xuất nên cũng có thể bán rẻ cho bà con” – chị tâm sự.

Những sự hỗ trợ về khoa học công nghệ của các chuyên gia trên địa bàn quận 9 còn là mô hình trồng nấm, cây kiểng hay cá cảnh, hướng đến nền nông nghiệp đô thị. Từ đây, nhiều nông dân đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Ngoài ra, Sở còn hỗ trợ thí điểm hệ thống đảm bảo chất lượng 5S, lập dự án quy hoạch khu du lịch sinh thái cù lao Long Phước, kết hợp với nhà vườn và du lịch tâm linh.

Ông Trần Văn Sơn, nguyên trưởng phòng Kinh tế Quận 9 chia sẻ: “Từ nay cho đến năm 2020, theo quy hoạch chung của TP.HCM, Quận 9 chỉ còn trên 400 ha đất nông nghiệp, tập trung ở phường Long Phước. Định hướng của quận là đưa Long Phước phát triển mô hình du lịch sinh thái kết hợp với nhà vườn, hiện nay các mô hình đã khởi động và phát triển”.

Vào năm 2013, Sở Khoa học và Công nghệ đã đầu tư cho huyện Cần Giờ nghiên cứu các mô hình nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học, sản xuất muối trải bạt, hiệu quả đã được kiểm chứng, người nông dân cảm thấy rất yên tâm với việc nuôi tôm theo hướng mới như thế này.

Năm 2014, Sở tiếp tục đầu tư để Cần Giờ nghiên cứu nuôi thử nghiệm cua sinh thái dưới tán rừng, triển khai đề tài nghiên cứu công nghệ và chế tạo thiết bị sấy nâng cao chất lượng khô cá dứa, nuôi nhông cát...

Nói về lĩnh vực nông nghiệp thì trong mấy năm trở lại đây, sự hợp tác của các nhà học với nông dân đã có nhiều sự thay đổi tích cực. Nếu như trước đây, nông dân cho rằng nhà khoa học còn rời xa họ thì nay chính các nhà khoa học đã mang những đề tài nghiên cứu của họ để nông dân thử nghiệm với kinh phí đầu tư từ Sở Khoa học và Công nghệ.

Ông Trần Thu Bích - Trưởng phòng Khoa học Công nghệ huyện còn nhớ một buồng chuối với những quả xanh to, đều tăm tắp được một người nông dân ở Củ Chi mang đến tặng vì khi đó tiến sĩ Dương Công Kiên ở trường Đại học Khoa học Tự nhiên thực hiện đề tài thử nghiệm trồng chuối cấy mô ở khu vực Củ Chi. Chuối to, tròn ngon nhưng hơi đáng tiếc là thị trường tiêu thụ còn nhỏ nên người nông dân này chưa dám mạnh dạn thực hiện trên quy mô lớn.

Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã chuyển giao hơn 70 đề tài nghiên cứu cho Hội nông dân rất sát sườn và thực tế. Ông Trần Trường Sơn, Phó chủ tịch Hội nông dân TP.HCM cho hay:

“Những cái đề tài này liên quan đến chuyển giao nhà lưới, trồng cây theo tiêu chuẩn Vietgap, phát triển vùng nguyên liệu dược liệu trên địa bàn như giảo cổ lam trên địa bàn Củ Chi, hoặc ứng dụng trồng chuối của Nhật, tổ chức những hội thảo đầu bờ để người nông dân đánh giá hiệu quả và không ai khác hơn chính những người nông dân sẽ quyết định phương thức sản xuất của mình”.

Còn ở quận 6, cách đây 2 năm khi lãnh đạo quận muốn cải tạo hệ thống chiếu sáng dân lập, qua phần tư vấn của một công ty tư nhân kinh phí thực hiện cho mỗi phường lên đến hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP.HCM thì kinh phí giảm xuống còn 600 triệu.

Sau khi thí điểm thành công ở phường 8 (Q.6), mô hình này đã được nhân rộng ra các phường khác vừa giảm lượng khí CO2, giảm thiểu tai nạn giao thông cũng như các tệ nạn xã hội do một số con đường đã được chiếu sáng một cách đồng bộ.

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Chuyên viên phòng Kinh tế Quận 6 nhìn nhận: “Trước đây trên địa bàn phường 8 có 750 bóng đèn dân lập. Sau khi cải tạo xong và đấu nối vào hệ thống đồng hồ điện của Điện lực Bình Phú tiết kiệm được 1/3 điện năng. Năm 2014, quận  tiếp tục triển khai ở phường 3 và đang đưa vào sử dụng, năm 2015 sẽ cải tạo hết toàn bộ các bóng đèn trên địa bàn quận 6”.  

Theo tiến sĩ Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng Vụ phát triển Khoa học Công nghệ địa phương, thì trong năm 2015, khoa học công nghệ địa phương sẽ tiếp tục được đầu tư theo hướng ưu tiên phát triển công nghệ cao, làm nền tảng cho phát triển kinh tế tri thức: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ cơ khí - tự động hoá…; Tập trung khai thác các lợi thế và điều kiện đặc thù của từng vùng, địa phương để đẩy mạnh sản xuất hàng hóa là các sản phẩm chủ lực, trên cơ sở liên kết phát triển chuỗi giá trị hàng hóa. Từ đây nhiều người có quyền hy vọng khoa học công nghệ sẽ có thể trở thành động lực để phát triển kinh tế xã hội như những gì mà nghị quyết trung ương Đảng đã đề ra.