Kiểm soát chất lượng tôm giống để phát triển nuôi tôm bền vững

(VOH) - Ngành nuôi tôm nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh hoành hành. Nhiều diện tích lớn vùng nuôi có tôm bị chết với tỷ lệ từ 30 đến 70%. Nhiều biện pháp đã được các cơ quan chức năng đưa ra nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người nuôi tôm.
Ảnh minh họa.

Vụ nuôi tôm 2012 với diện tích thả nuôi khoảng 300.000 ha, đang trải qua giai đoạn khó khăn. Bà con nông dân các tỉnh ven biển từ Ninh Thuận, miền Trung đến vùng bán đảo Cà Mau đã áp dụng các giải pháp ứng dụng kỹ thuật, vệ sinh ao nuôi trước khi thả giống nhưng vẫn xảy ra hiện tượng tôm chết. Bệnh gây chết cả tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, cho thấy, bệnh trên tôm do các nguyên nhân khác nhau gây ra như virus đốm trắng, virus đầu vàng, virus Taura và bệnh hoại tử gan tụy. Hiện tượng tôm chết phổ biến trong vòng 25 ngày cho đến 45 ngày tuổi. Tỷ lệ bệnh tôm cao nhất là ở Bến Tre và giảm dần ở Long An, Sóc Trăng, Ninh Thuận. Đối với bệnh hoại tử gan tụy, xảy ra chủ yếu trên tôm nuôi từ 20 đến 35 ngày tuổi. Bệnh làm ruột tôm trắng và phân đứt đoạn, gan tôm nhũn vỡ, sưng to hoặc teo nhỏ, màu sắc khối gan tụy nhợt nhạt, tôm không bắt mồi được và chết từ rải rác đến hàng loạt.
Theo một số chuyên gia trong ngành, từ vụ tôm chết năm 2011, bước đầu đã xác định do ảnh hưởng của hoá chất bảo vệ thực vật Cypermethrin được sử dụng để xử lý diệt tạp trong ao. Tuy nhiên, vụ nuôi 2012, mặc dù không sử dụng Cypermethrin nhưng tôm vẫn chết sau gần 30 ngày thả nuôi. Hiện câu hỏi được đặt ra là ngoài yếu tố môi trường nuôi, ô nhiễm hoá chất bảo vệ thực vật và thời tiết bất lợi còn có nguyên nhân nào khác gây chết tôm. Theo một số chuyên gia và người nuôi tôm, đó là vấn đề chất lượng giống tôm chưa tốt, cũng là nguyên nhân làm chết tôm nuôi. Vì chất lượng giống quyết định một nửa sự thành công của quá trình nuôi tôm thương phẩm. Nông dân Nguyễn Hiệp Thành, đang quản lý 11 ha tôm thẻ chân trắng ở xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết tầm quan trọng của tôm giống:

Với diện tích nuôi tôm thâm canh và quảng canh gần 660.000 ha, lượng tôm giống sử dụng mỗi năm lên đến hàng chục tỷ tôm post. Đối với tôm sú, hiện nay, các cơ sở sản xuất trong nước đã chủ động được tôm bố mẹ và cho sinh sản nhân tạo. Riêng với tôm thẻ chân trắng, nhu cầu mỗi năm khoảng trên 30 tỷ tôm post nhưng trong đó khoảng 50% là được nhập khẩu từ một số quốc gia trong khu vực châu Á. Vì vậy, chất lượng giống tôm thẻ chân trắng cần được quan tâm, Thạc sĩ Phạm Phú Hùng, Giám đốc Trung tâm thuỷ sản Long An có đề nghị:
Để có được con giống tốt, không nhiễm mầm bệnh trước khi thả nuôi, trước đây người nuôi tôm đã biết lấy mẫu tôm post 15 đưa đến phòng xét nghiệm. Tuy nhiên, hiện nay do tình trạng thiếu tôm giống, người nuôi tôm phải tranh nhau mua tôm giống nên các cơ sở bán tôm giống xuất bán sớm hơn. Theo một số chuyên gia, việc bán tôm giống sớm, lấy từ post 10 cũng là một cách để các cơ sở sản xuất tôm giống né kết quả xét nghiệm mẫu có chứa mầm bệnh. Bởi vì ở giai đoạn này, tôm giống chưa bị nhiễm mầm bệnh hoặc bị lộ bệnh, Tiến sĩ Lý Thị Thanh Loan, Giám đốc Phòng xét nghiệm Thanh Loan, Tp HCM giải thích và khuyến cáo:

Nghề nuôi tôm năm 2012 có nguy cơ bị thiệt hại về kinh tế xã hội nặng nề do dịch bệnh, có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng như vụ nuôi tôm năm 2011. Vì vậy, về phía người nuôi cần có ao lắng, tiến hành cải tạo đáy ao, sử dụng hoá chất được phép để xử lý nguồn nước, xét nghiệm chất lượng tôm giống.v.v. trước khi thả nuôi, còn với các cơ quan chức năng cũng có các biện pháp để xử lý ao tôm bệnh, nghiên cứu xác định các nguyên nhân còn tiềm ẩn, bảo đảm chống dịch hiệu quả cho bà con nông dân, nhất là quan tâm đến công tác quản lý, kiểm soát chất lượng tôm giống chặt chẽ, đúng quy định của ngành. Qua đó, giúp nghề nuôi tôm phát triển bền vững hơn./.