Kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp và ổn định thị trường vàng

(VOH) - Hôm qua (7/5), Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp và Hiệp hội ngành nghề trên địa bàn TP.HCM về hoạt động sản xuất, kinh doanh và việc vay vốn tín dụng ngân hàng đồng thời khảo sát về tình hình thị trường vàng thời gian qua. Ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã chủ trì buổi làm việc.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, tình hình thanh khoản của các ngân hàng tương đối ổn định. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra hàng loạt giải pháp như: tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất cho vay, hiện lãi suất cho vay trên địa bàn TP.HCM phổ biến từ 9,5 - 10%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ (thời hạn trả nợ, lãi suất, cho vay mới trả nợ cũ,...) cho hơn 58.000 doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 290.000 tỷ. Tuy nhiên, điều kiện cho vay vẫn không được nới rộng nên doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp có đủ điều kiện vẫn không dám vay do hàng hóa tiêu thụ chậm, có vốn cũng không thể đầu tư, đầu tư là lỗ.
Nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh Nghị quyết 02 (ngày 7/1/2013) của Chính phủ được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá cho thị trường bất động sản. Thế nhưng, sau 4 tháng Nghị quyết được ban hành, hầu hết các nội dung trong Nghị quyết chưa đi vào thực tế, khiến thị trường tiếp tục khó khăn. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, cho rằng: “Ngày 7/1/2013 là ngày Nghị quyết 02 nhưng đến hôm nay vẫn chưa có

Thông tư của Ngân hàng Nhà nước. Điều đó có nghĩa Nghị quyết 02 bị vô hiệu trong 4 tháng nay. Chúng ta đánh giá nền kinh tế đang rất khó khăn, thị trường bất động sản đang vướng hàng tồn kho và nợ xấu là tính cấp bách phải giải quyết. Nhưng đến nay, Nghị quyết 02 vẫn chưa đi vào cuộc sống được thì mất đi tính cấp bách của vấn đề”.

Tại cuộc họp, các doanh nghiệp nêu lên một số kiến nghị như: tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được với vốn vay; từng bước hạ lãi suất mặt bằng cho vay với nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo tính thanh khoản và giảm tỷ lệ nợ xấu. Có chính sách phù hợp đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Triển khai một số biện pháp cấp bách nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: tìm giải pháp tăng sức mua, giảm thuế gián tiếp cho các doanh nghiệp. Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị: “Phải đánh giá đúng tình hình thực tế thì mới giải quyết được vấn đề. Chúng tôi đề nghị làm rõ trách nhiệm vì sao có tình hình các doanh nghiệp chết hàng loạt nhưng các báo cáo lại là “có triển vọng”. Kiến nghị thứ hai là tháo gỡ ngay về cơ chế chính sách để xây dựng lòng tin. Kiến nghị thứ ba là chúng ta đã thực hiện nền kinh tế thị trường, đồng ý là có sự quản lý của Nhà nước nhưng phải để nền kinh tế vận hành theo kinh tế thị trường thực sự đúng nghĩa của nó”.

Sau hơn 1 tháng thực hiện đấu thầu vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra thị trường hơn 14 tấn vàng (ảnh: HTD)

Liên quan đến việc quản lý thị trường vàng trong thời gian vừa qua, các chuyên gia kinh tế, tài chính ngân hàng đã có buổi thảo luận sôi nổi. Các chuyên gia đã đưa ra nhiều kiến nghị nhằm ổn định thị trường vàng và đưa giá vàng trong nước sát với giá thế giới. Ngày 3/4/2012, Chính phủ ban hành Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Sau 1 năm thực hiện, thị trường vàng vẫn còn tình trạng thiếu ổn định. Đặc biệt, sau hơn 1 tháng thực hiện đấu thầu vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra thị trường hơn 14 tấn vàng. Thế nhưng giá vàng trong nước vẫn liên tục tăng cao hơn so với giá vàng thế giới ở mức phổ biến 5 - 6 triệu đồng/lượng. Điều này cho thấy việc quản lý thị trường vàng đang là một thách thức đối với các cơ quan quản lý. Chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí, phân tích: “Mặc dù đã bán ra 14 tấn, giá chênh vẫn tiếp tục gia tăng vì mức cầu quá lớn, hay mức cầu là của ngân hàng thương mại phải mua để tất toán trước tháng 6

và của dân. Ngân hàng nhà nước chỉ có 3 giải pháp để tiếp tục: ngưng bán đấu giá bây giờ thì quả thật thị trường sẽ rất hỗn loạn và giá vàng nội địa sẽ tiếp tục tăng mạnh; nếu tiếp tục bán thêm từ khối vàng dự trữ ngoại hối như ngân hàng nhà nước tuyên bố thì có khả năng khối dự trữ đó sẽ cạn dần trong vài tháng tới; nếu giá thế giới xuống thấp hơn 1400 USD/ounce thì ngân hàng nhà nước sẽ chịu lỗ lớn do giá mua vào cao trước đây, còn ngân hàng nhà nước được nhập vàng mới về bán thì lại tiêu hao khối dự trữ ngoại hối. Thành ra ba thế của ngân hàng nhà nước đều lâm vào thế kẹt”.

Theo các chuyên gia trong ngành vàng, để có cái nhìn chính xác hơn về sự ổn định thị trường vàng thì phải đợi sau ngày 30/6/2013, khi mà các ngân hàng thương mại hoàn tất đóng trạng thái vàng. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tại buổi làm việc cho rằng để phát triển thị trường vàng lành mạnh nên tạo nguồn nguyên liệu bền vững cho sản xuất và chế tác nữ trang, bằng tín dụng vay nguyên liệu bán thành phẩm (có ký quỹ đảm bảo). Đồng thời, từng bước hình thành sàn giao dịch hàng vàng tập trung do ngân hàng Nhà nước kiểm soát…Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam, đề xuất: “
Vấn đề quản lý vàng tiền tệ làm sao vừa chống vàng hóa và vừa ổn định vàng, rút ngắn chênh lệch, thì tôi cho rằng chỉ có thành lập sàn vàng quốc gia. Không thể nào dùng biện pháp hành chính để cấm các tổ chức và cá nhân mua vàng. Thành lập sàn vàng quốc gia hiện nay và để tránh hiện tượng bài bạc trong kinh doanh sàn vàng thì chúng ta có thể điều chỉnh bằng tỷ lệ ký quỹ. Bên cạnh đó, khi thành lập sàn vàng quốc gia thì ngân hàng Nhà nước không phải bận tâm lo mua vàng nữa vì trên thị trường đã có người mua và người bán. Đồng thời, chúng ta tổ chức hệ thống công nghệ tốt thì hiện tượng sp sàn như các sàn vàng trước đây thì chúng ta đều khắc phục được hết”.

Các Đại biểu Quốc hội cho biết sẽ đưa những kiến nghị của doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế ra bàn luận tại kỳ họp Quốc hội sắp tới để có hướng giải quyết giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh. Đồng thời có những giải pháp để đưa thị trường vàng đi vào ổn định trong thời gian tới./.