Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng

(VOH) - Từ một nước nghèo, Việt Nam bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đầu tàu kinh tế thành phố Hồ Chí Minh.

70 năm sau ngày độc lập, trải qua bao khó khăn, gian khổ, Đảng bộ và nhân dân thành phố phấn đấu không ngừng, góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh, sánh vai cùng các nước trong khu vực và trên thế giới.  Bằng ý chí tự lực tự cường, khơi dậy sức sáng tạo của nhân dân, tạo ra tư duy mới, cách làm mới trên nhiều lĩnh vực, mô hình sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy kinh tế - xã hội liên tục phát triển, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân.

Giáo sư, Tiến sĩ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá: “Trong dòng chảy lịch sử vĩ đại của đất nước, thành phố Hồ Chí Minh có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng. Chặng đường xây dựng, phát triển và hội nhập của thành phố mang tên Bác đã khơi dậy và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và tinh thần vì cả nước, cùng cả nước. Bài học thành công của thành phố trong việc ổn định thị trường qua các thời kỳ rất khác nhau. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ thành phố là nhân tố hàng đầu, bảo đảm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng và phát triển thành phố. Đảng bộ thành phố đã luôn bám sát thực tế, từ thực tiễn tạo ra những giá trị mới làm cơ sở cho công cuộc đổi mới”.

Cổng vào khu chế xuất Linh Trung 2 (Thủ Đức - TPHCM) - Ảnh: Thuduc.HCMcity.

Từ sau giải phóng đến đầu thập niên 80, thành phố Hồ Chí Minh được xác định là trung tâm kinh tế lớn, một trung tâm giao dịch quốc tế và du lịch cùa nước ta. Hai mươi năm sau đó, khi trải qua 10 năm tìm tòi tháo gỡ khó khăn, góp phần hình thành đường lối đổi mới, thành phố trở thành đô thị lớn nhất nước, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước.

Trong quá trình 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, thành phố có đến 15 mô hình sáng tạo đóng góp vào hoàn thiện thể chế chung. Đó là những đóng góp rất lớn từ thực tiễn, đặc biệt là đóng góp về thể chế kinh tế. Nếu trước thời kỳ đổi mới, trong 10 năm (1976- 1985), tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thành phố chỉ tăng bình quân 2,7%/năm, thì trong giai đoạn 1991- 2010, thành phố là một trong rất ít địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt hai con số suốt 20 năm. Bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ mới, thành phố là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí quan trọng của cả nước.

Một góc cảng Tân Cảng - Khu công nghiệp Hiệp Phước (Nhà Bè - TPHCM) - Ảnh: DĐTM.

Từ năm 2011 đến nay, thành phố cũng đạt mức tăng trưởng kinh tế xấp xỉ 10%/năm, gấp 1,6 lần mức bình quân chung của cả nước. Quy mô kinh tế, tiềm lực và sự đóng góp cho cả nước ngày càng lớn. Đến nay, thành phố đóng góp khoảng 1/3 giá trị sản xuất công nghiệp, 1/5 kim ngạch xuất khẩu và 1/5 quy mô kinh tế của cả nước, đóng góp 30% trong tổng thu ngân sách quốc gia.

Năm 1986, chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của thành phố nói riêng và cả nước nói chung, được đặt ra trên cơ sở đổi mới và mở cửa. Đến nay, sau gần 30 năm hội nhập quốc tế, không còn bó hẹp trong lĩnh vực kinh tế mà còn mở rộng ra tất cả cả lĩnh vực khác, ở mọi góc độ song phương và đa phương,… có thể nói, thành phố có những bước tiến, hướng đi tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội.

Ông Tất Thành Cang, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cho biết: “Trong quá trình hội nhập, kinh tế thành phố vẫn giữ vững được tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch sang dịch vụ theo đúng lợi thế sẵn có của một đô thị lớn. Các chỉ số năng lực cạnh tranh của thành phố đã được cải thiện, chỉ số năng lực hội nhập khá tốt, cơ chế vận hành của thị trường ngày càng được tôn trọng hơn, vai trò của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp từng bước được nâng cao”.

Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, thành phố cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố cho rằng: “Trong quá trình hội nhập và dặc biệt thực hiện Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị về thành phố, tức là thành phố phát triển phải là đầu tàu mang tính lan tỏa và phải cạnh tranh ngang tầm với các đô thị lớn trong khu vực. Hiện nay, thành phố đang đứng trước những vấn đề như: sự bất cập về cơ cấu kinh tế, năng lực cạnh tranh; thứ hai, là sự bất cập về hạ tầng đô thị không tương xứng với quy mô kinh tế; bất cập thứ ba là về thể chế, làm sao xây dựng nền hành chính công vụ cải cách. Với truyền thống năng động sáng tạo, không đầu hàng trước cái khó, thì làm gì trong giai đoạn mới? Bởi, nhìn quá khứ để rút ra cái gì cho tương lai là rất quan trọng”.

Với thành phố Hồ Chí Minh, năng động, sáng tạo vừa là truyền thống, là giá trị lịch sử, vừa là bài học của quá trình thực tiễn hơn một thế kỷ qua, đồng thời là phẩm chất tốt đẹp đã và đang được phát huy để đưa thành phố mang tên Bác ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng.