Kinh tế Việt Nam - Dấu hiệu khởi sắc đã rõ ràng

(VOH) - Nhìn từ diễn biến chung của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua, kinh tế trong năm 2015 được nhận diện sẽ có nhiều dấu hiệu cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ.

ASEAN là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất. Trong đó, Việt Nam sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trên sân chơi thương mại toàn cầu (ảnh minh họa: Dantri)

GDP tăng, lạm phát thấp nhất trong vòng 10 năm

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2014 tăng 5,98%, vượt so với mục tiêu đã được Quốc hội thông qua từ đầu năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2014 tăng 4,09% so với năm 2013, đây là năm có mức lạm phát thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Cán cân thương mại thặng dư năm thứ ba liên tiếp. Thị trường tài chính tiền tệ ổn định hơn, biểu hiện ở chỗ lãi suất huy động và cả cho vay đều giảm. Tỷ giá của Việt Nam đồng so với đô la ít biến động, điều này hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu và củng cố tâm lý thị trường.

Cùng với đó là quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được những tiến bộ đáng kể. TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, dẫn chứng: “Kinh tế Việt Nam chúng ta thấy có 2 dấu hiệu tích cực. Một là kinh tế vĩ mô. Thứ hai là sự phục hồi trên một số lĩnh vực và rõ nhất là chỉ số PMI của nước ta kể từ tháng 09/2013 đến nay luôn trên 50 điểm. Trong khi đó, lần đầu tiên trong vòng 3 năm trở lại đây, mức độ tăng trưởng trong lĩnh vực xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa đạt trên 10%. Đây là dấu hiệu tương đối tích cực, đặc biệt là doanh nghiệp nội địa và khu vực nông nghiệp. Với dấu hiệu tích cực và lạc quan ấy, Chính phủ mới đưa ra mức tăng trưởng lạc quan hơn là 6,2%".

Năm 2014 là năm đột phá cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh, nổi bật nhất là sự ra đời của Nghị quyết số 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính.

Nhiều luật mới tạo ra sức sống mới cho nền kinh tế

Năm 2015 là năm sẽ có nhiều bộ luật, đạo luật liên quan đến kinh doanh, đến môi trường đầu tư được ban hành và có hiệu lực như Luật doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở,...các luật có liên quan tới thể chế kinh tế thị trường sẽ tạo ra sức sống mới cho nền kinh tế. Theo nhận định của Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên ủy ban kinh tế Quốc hội, thì chưa bao giờ chính sách vĩ mô nhất quán như bây giờ, kinh tế vĩ mô ổn định, hoàn thiện hệ thống pháp luật thông thoáng.

"Tôi chưa thấy lúc nào dư địa để thực hiện các chính sách vĩ mô mà thuận lợi như bước sang 2015. Nghị quyết 01 của Chính phủ ban hành ngày 3/1/2015, có thể thấy rằng, chưa bao giờ chính sách vĩ mô của Chính phủ lại nhất quán từ Nghị quyết 11 ban hành tháng 3/2011 cho đến nay, sau 4 năm, các nghị quyết đều nhất quán, là không nóng vội, xử lý mục tiêu tăng trưởng mà tập trung để ổn định vấn đề vĩ mô", tiến sĩ Trần Du Lịch nhận định.

Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh

Riêng về lĩnh vực tiền tệ, bằng những động thái chủ động và tích cực của Ngân hàng Nhà nước trong năm qua đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ. Thị trường ngoại hối và thị trường vàng năm qua khá ổn định. Sức hấp thu vốn của nền kinh tế có bước cải thiện, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong năm qua đạt chỉ tiêu đề ra. Mục tiêu tín dụng 2015 sẽ tăng 13-15% để góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Tuy nhiên năm 2015 sẽ có những vấn đề chủ chốt được khơi thông, như chính sách tiền tệ về tín dụng và quản lý nợ xấu, hội nhập quốc tế, cải cách cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng, đầu tư công và giám sát tài chính nhằm phòng ngừa rủi ro. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết: "Trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các giải pháp về tín dụng và lãi suất. Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tín dụng theo phương châm là mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả, gắn chính sách tín dụng với các chính sách kinh tế ngành, hướng dòng tín dụng vào sản xuất kinh doanh nhất là vào 5 lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ".

Tiềm ẩn rủi ro

Bên cạnh mặt bằng lãi suất thấp thì nhiều quy định có lợi cho thị trường bất động sản cũng liên tục được ban hành trong thời gian qua, dự báo năm 2015 sẽ là một năm nhiều hứa hẹn của thị trường này. Năm 2015 cũng sẽ kết thúc việc đàm phán và sẽ triển khai nhiều hiệp định tự do thương mại, tạo ra động lực quan trọng đối với tăng trưởng thương mại và đầu tư, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cộng đồng kinh tế quốc tế đang đánh giá khối các quốc gia ASEAN là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất. Trong đó, Việt Nam sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trên sân chơi thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội là không ít thách thức và rủi ro. Ông Trần Việt Anh, chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, bày tỏ: "Đây là một năm hết sức quan trọng vì chúng ta gia nhập vào cộng đồng kinh tế ASEAN, một thị trường mở, rất rộng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại biết rất ít về điều này. Đây là một thách thức rất lớn khi mà sự chuyển dịch về lao động, chuyển dịch về hàng hóa sẽ ảnh hưởng rất lớn về vấn đề quản trị của mỗi doanh nghiệp. Đây là vấn đề mà Nhà nước, Chính phủ cũng như các hiệp hội phải làm sao để cho các doanh nghiệp nhỏ nhất đến các doanh nghiệp lớn nắm được thông tin. Thường các doanh nghiệp vừa và nhỏ họ chưa nắm được thông tin chứ không phải họ không quan tâm".

Năm 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015 và cũng tạo tiền đề phát triển bền vững từ 2016 đến 2020. Có thể thấy, với những tiền đề và những tín hiệu khởi sắc rõ rệt, kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội nối tiếp đà phục hồi với kỳ vọng tăng trưởng GDP vào khoảng  6,2% trong năm nay./.