MHB sáp nhập BIDV: Thương vụ sáp nhập “thần tốc”

(VOH) - Toàn bộ quá trình chuẩn bị sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) vào Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được thực hiện trong vòng 55 ngày kể từ khi Ngân hàng Nhà nước có quyết định thành lập Ban chỉ đạo sáp nhập MHB vào BIDV.

Mọi hoạt động giao dịch tại BIDV diễn ra ổn định sau khi sáp nhập (Ảnh: thoibaonganhang)

Đây được xem là thương vụ sáp nhập “thần tốc”, đồng thời cũng là “tín hiệu” đầu tiên để thực hiện giai đoạn 2 của đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tạo điều kiện để quá trình thực hiện Quyết định 254 - tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sau này đạt kết quả tốt hơn.

Phóng viên VOH phỏng vấn ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV về quá trình sáp nhập này.

* Thưa ông, tiến trình sáp nhập MHB vào BIDV được xem là “thần tốc”. Động lực nào đã thúc đẩy hai ngân hàng thực hiện nhanh chóng như vậy ?

Ông Trần Bắc Hà : Nhanh nhưng mà cẩn trọng, chặt chẽ. Tiến trình sáp nhập bắt đầu từ chủ trương của Chính phủ tại thông báo số 83, chấp thuận triển khai giai đoạn 2 của đề án tái cơ cấu theo Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, vì MHB và BIDV đều thuộc sở hữu của Nhà nước (BIDV là trên 95% và MHB là 91%), nói cách khác là cả hai ngân hàng đều chung một ông chủ là Nhà nước.

Thứ ba, việc sáp nhập dựa trên nền của Thông tư 04, quy định về mua bán và sáp nhập hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam và trong quá trình thực hiện, chúng tôi thường xuyên xin ý kiến chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước để giải quyết những vấn đề phát sinh.

Bên cạnh đó, việc sáp nhập nhanh do BIDV có kinh nghiệm, đầu tiên là vào năm 1998, Nhà nước giao cho chúng tôi trực tiếp làm trưởng ban chỉ đạo xử lý ngân hàng thương mại Nam Đô; sau đó đến năm 2012 thì BIDV cũng được giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức việc hợp nhất 3 ngân hàng. Đây cũng có ý là BIDV đang triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 2015, tiếp tục triển khai đề án tái cơ cấu ngân hàng và bên cạnh đó, chúng tôi muốn nhanh chóng tạo sự ổn định để đảm bảo sự phát triển theo kế hoạch, nhiệm vụ được giao.

* Trong suốt 55 ngày thực hiện sáp nhập, các hoạt động, giao dịch tại MHB được đảm bảo như thế nào, thưa ông ?

Ông Trần Bắc Hà: Quyết định 25 vào ngày 25/3 có một yêu cầu là phải an toàn hoạt động, đảm bảo các giao dịch bình thường cho khách hàng nên chúng tôi đã dự báo trước. Ngay phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo, chúng tôi đã xác định, từ ngày 1/4 bắt đầu chính thức công bố thông tin thì toàn bộ giao dịch (tiền vay, tiền gửi, thanh toán, bảo lãnh,…)  diễn ra bình thường, không gây ách tắc cho khách hàng. Tuy nhiên, về tâm lý, dư luận thì khách hàng cũng băn khoăn, cũng đặt ra những câu hỏi. Tất cả những câu hỏi đó, chúng tôi giải đáp thỏa đáng và đầy đủ. Tôi khẳng định một lần nữa, toàn bộ hoạt động giao dịch diễn ra bình thường.

* Sau khi sáp nhập, những công ty con của MHB được xử lý ra sao ?

Ông Trần Bắc Hà: Chúng tôi tiếp nhận theo phương thức nguyên trạng, sau này phải đánh giá đầy đủ, để đưa ra phương án xử lý. Trong câu chuyện ngân hàng sau sáp nhập sẽ có một nhiệm vụ là tiếp tục xử lý những vấn đề còn tồn tại và xử lý vướng mắc để sau sáp nhập, ngân hàng hoạt động an toàn và lành mạnh

* Về vấn đề xử lý nợ xấu, ngân hàng sau sáp nhập có gặp khó khăn gì không, thưa ông ?

Ông Trần Bắc Hà: Sau sáp nhập, nợ xấu là bao nhiêu thì lúc đấy mới tính toán được. Nhưng, dù nợ xấu có gia tăng thì BIDV cũng khẳng định là việc xử lý nợ xấu của BIDV đến kết thúc 31/12/2015 là dưới 3%. 

* Không ít người lo ngại, ngân hàng sau sáp nhập khó tránh khỏi những mâu thuẫn về mô hình, chiến lược kinh doanh, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Trần Bắc Hà: MHB có 18 năm hoạt động và BIDV có 58 năm hoạt động. Nếu MHB chuyên về ngân hàng bán lẻ, tập trung phục vụ cho khu vực ĐBSCL thì chiến lược của BIDV cũng trở thành một ngân hàng bán lẻ hiện đại, trong đó, chúng tôi đang gia tăng tiềm lực, tỷ trọng dư nợ và cung cấp dịch vụ cho khu vực nông nghiệp và nông thôn. Tôi nghĩ rằng nó có tính tương thích với nhau.

Thứ hai, ở khu vực ĐBSCL, BIDV có khoảng 13 chi nhánh và MHB có khoảng 17 đơn vị. Việc bổ sung mạng lưới này sẽ tạo điều kiện cho chúng tôi phục vụ tốt hơn, trên diện rộng hơn về các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL.

Đối với ĐBSCL, tổng khối lượng tín dụng của MHB và BIDV hiện khoảng 30.000 tỷ, chúng tôi khẳng định trong 3 năm tới dự kiến gia tăng dư nợ tín dụng cho khu vực này khoảng 100.000 tỷ, đây là tính kế thừa và tiếp tục của chúng tôi.

* Cám ơn ông!