Một số giải pháp cho ngành mía đường phát triển

(VOH) - Hiện nay, nhiều nhà máy đường ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã kết thúc vụ ép mía đường 2010 - 2011. Tuy nhiên, lượng đường tồn kho và giá đường giảm đang làm nhiều nhà máy đường rơi vào khó khăn, lượng đường trên thị trường tiêu thụ giảm.v.v. Ngành đường cần có những giải pháp để phát triển ổn định hơn.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam thừa nhận việc nhập khẩu đường để điều tiết cung cầu trong nước là đúng. Tuy nhiên, việc Bộ Công thương ký quota cho một số doanh nghiệp nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn đường cho năm 2011 đã làm ngành mía đường bất ổn hơn. Hiện một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng nhập khẩu 50.000 tấn đang chờ giao nhận hàng. Nguyên nhân của việc cho phép nhập thêm đường là do Hiệp hội mía đường Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương đã đánh giá chưa đúng về sản lượng đường sản xuất trong nước niên vụ mía 2010 - 2011. Việc cấp quota 250.000 tấn là do ước sản lượng đường trong nước chỉ đạt 930.000 tấn, nhưng thực tế cho đến giờ này vụ sản xuất sắp kết thúc, sản lượng đường năm 2011 trong nước có thể đạt xấp xỉ 1,1 triệu tấn, tăng gần 20% so dự kiến. Hiện nay, các nhà máy đường trong nước như Phụng Hiệp, Vị Thanh, Hiệp Hòa, Bourbon Tây Ninh, Khánh Hoà, Lam Sơn.v.v. tồn kho khoảng 500.000 tấn, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường trong 5 tháng tới. Và trong bối cảnh nền kinh tế lạm phát, lãi suất ngân hàng cao, các nhà thương mại không dám trữ đường thì các nhà máy đường phải dự trữ bắt buộc. Việc thiếu vốn sản xuất và ôm hàng với lãi suất cao là gánh nặng quá sức chịu đựng của các nhà máy đường, áp lực bán ra để có vốn tiếp tục sản xuất và né lãi đã làm thừa nguồn cung đường tại thời điểm này, do vậy với một lượng đường nhập thêm vào dù không lớn cũng gây ảnh hưởng nặng nề tới tình cảnh khó khăn của thị trường. Giá càng tuột càng không bán được, đường sản xuất hàng ngày cứ vào kho, nợ tiền mía trong dân ngày càng chồng chất, lãi suất ngân hàng mỗi ngày nén thêm vào chi phí…
Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cần thực hiện một số giải pháp để bảo đảm nguồn cung cho nhu cầu tiêu thụ đường trong tương lai. Đó là Bộ Công thương kìm lại các quota đã cấp, giãn thời điểm thông quan sang tháng 7, tháng 8 năm 2011 đối với các hợp đồng nhập khẩu đã ký hoặc cho tái xuất, giảm bớt hạn ngạch cân đối thừa để điều chỉnh cung vừa đủ cầu, kiểm soát chặt chẽ gian lận thương mại hoặc lợi dụng hạn ngạch để nhập vượt hạn ngạch. Chấp nhận giá đường cao, bởi giá mía phải thật sự ổn định và hấp dẫn đối với nông dân, đây là điều kiện đầu tiên và quan trọng hàng đầu để người dân phát triển mía. Nhưng điều kiện để các nhà máy đường mua mía giá tốt cho dân là giá đường cũng phải ở mức cho phép nhà máy đường bảo đảm giá mía cho nông dân. Chính phủ và người tiêu dùng sẽ là người bảo đảm giá đường tối thiểu cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các công ty, nhà máy đường phải hoàn thiện và nghiêm túc trong thu mua mía đồng thời tích cực làm tốt công tác khuyến nông, giúp nông dân nâng cao trình độ canh tác kể cả giống mía để thông qua năng suất chất lượng cao, người dân tăng thêm thu nhập trên cây trồng mía ở trình độ cao hơn. Hiện nay Hiệp hội Mía đường Việt Nam đang vận động để các nhà máy đường góp vốn thành lập công ty cổ phần thương mại để góp phần điều tiết cung cầu đường trong nước, tháo gỡ một phần khó khăn cho Hội viên. Trong tương lai, việc cân đối mía đường sản xuất trong nước và cấp phép nhập khẩu thêm cần xem xét vào cuối vụ ép mía đường hàng năm. Trong trường hợp thiếu đường thì phải nhập, nhưng không phải là nhập lậu và cũng không lập lại sai lầm như trường hợp nhập khẩu đường năm 2011.
Một giải pháp nữa là các ngành chức năng, nhất là ở khu vực biên giới, cần quan tâm kiểm soát chặt chẽ việc nhập lậu đường theo đường tiểu ngạch. Bởi nhiều nhà máy đang bán đường với giá 17.000 đồng/kg, cộng thêm thuế VAT đang làm các nhà máy đường nội địa thua ngay trên sân nhà, bởi đường nhập lậu Thái Lan cũng được bán đồng giá nhưng không phải chịu một khoản thuế nào. Bên cạnh đó, các nhà máy cần được nhà nước hỗ trợ về vốn sản xuất và dự trữ, ông Trịnh Minh Châu, Giám đốc Nhà máy đường Sóc Trăng cho biết:

Theo quy hoạch phát triển ngành mía đường đến năm 2020 diện tích trồng mía cả nước là 300.000 ha và sản lượng đường trong nước sản xuất đạt 2 triệu tấn, cơ bản đáp ứng yêu cầu trong nước và bắt đầu có xuất khẩu. Nhưng định hướng này có hiện thực hay không vẫn tùy thuộc rất lớn vào sự hấp hẫn của ngành mía đường đối với người trồng mía. Cụ thể làm thế nào đảm bảo thu nhập tối thiểu cho nông dân trồng mía, ít ra cũng từ 30 triệu đồng/hộ/năm, có cạnh tranh so với các cây trồng khác. Bình ổn ngành mía đường, cần giải quyết hài hoà lợi ích cho cả nông dân lẫn doanh nghiệp./.