Mua bán, sáp nhập ngân hàng- Xu thế tất yếu

(VOH) - Mấy năm gần đây, việc mua bán, sáp nhập được coi là xu thế tất yếu trong hệ thống ngân hàng. Ngoài những ngân hàng buộc phải sáp nhập vì "yếu", cũng có ngân hàng bán cổ phần cho đối tác nước ngoài, hay mua cổ phần từ đơn vị khác để mở rộng, phát triển hoạt động kinh doanh…


Habubank vào SHB sáp nhập trong năm 2012.

Hệ thống ngân hàng Việt Nam đã từng trải qua thời kỳ phát triển ồ ạt của các ngân hàng nên đã xảy ra đổ vỡ tín dụng. Sau một loạt các cuộc sắp xếp, sáp nhập, mua bán với những kết quả bước đầu, giúp cho ngành Ngân hàng khắc phục được khó khăn, giúp cho hệ thống tài chính lành mạnh. Việc sáp nhập, hợp nhất được xem là giai đoạn quan trọng trong quá trình tái cấu trúc nhằm đảm bảo tính cạnh tranh tốt trong môi trường kinh tế đầy biến động.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 52 ngân hàng thương mại, 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, một con số quá lớn so với nhu cầu của nền kinh tế. Bên cạnh đó, các ngân hàng sở hữu chồng chéo lẫn nhau, góp vốn cho vay lẫn nhau hoặc đầu tư chung các dự án lớn, do đó khi chủ dự án mất khả năng trả nợ thì hệ thống ngân hàng sẽ phát sinh những khoản nợ khó đòi đầy rủi ro. Giảm số lượng ngân hàng là bước đi đúng đắn trong tiến trình tái cơ cấu hệ thống. Ngay trong khu vực Đông Nam Á, một số quốc gia cũng trải qua quá trình bùng nổ về số lượng ngân hàng và phải tái cơ cấu với những bước đi mà Việt Nam đang đi. Điển hình như thời cao điểm, Malaysia có 59 ngân hàng, nay cắt giảm còn khoảng 10 đơn vị; Thái Lan từng có 90 ngân hàng, nay còn khoảng 15 đơn vị. Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, trưởng khoa quản trị kinh doanh, trường Đại học ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: 
Việc tái cấu trúc ngân hàng thì mục tiêu cuối cùng đó là phải lành mạnh hệ thống; gia tăng an toàn và hiệu quả của từng ngân hàng; phải giải quyết quy mô, cơ cấu ngân hàng cho tốt, an toàn cho người gửi và những người liên quan. Với mục tiêu đó thì sẽ có nhiều biện pháp để đẩy các ngân hàng yếu vào thế phải sáp nhập nhưng tư tưởng vẫn chủ yếu là xu thế tự nguyện.

Đặc biệt, trong mùa đại hội cổ đông năm nay, nhiều ý tưởng sáp nhập, góp vốn, mua cổ phần đã được nhiều ngân hàng đề cập đến, điển hình như: Eximbank, Sacombank, Western Bank, DaiABank, HD Bank. Điểu này hứa hẹn tạo nên làn sóng mua bán, sáp nhập sôi động trong thời gian tới. Đặc biệt, khi chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là không tăng thêm số lượng ngân hàng thương mại trong tương lai gần thì sáp nhập là xu thế tất yếu nếu muốn có quy mô và quản trị tốt hơn. Ông Lê Hùng Dũng- Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Eximbank, cho rằng: "Hiện có rất nhiều ngân hàng, trong đó có khá nhiều ngân hàng nhỏ, vốn điều lệ thấp, gặp khó khăn trong việc đóng góp cho nền kinh tế xã hội,…Theo định hướng của Chính phủ và ngân hàng Nhà nước trong đó có việc tự nguyện sáp nhập nên Eximbank trình đại hội cổ đông xin cho phép nghiên cứu việc có thể sáp nhập".

Việc hợp tác, sáp nhập giữa các ngân hàng phù hợp sẽ giúp phát huy tối đa lợi thế kinh doanh của các bên tham gia, tận dụng được thế mạnh trong sản phẩm, dịch vụ, nguồn khách hàng,… Ngoài ra, việc hợp tác, sáp nhập cũng giúp cho các ngân hàng tiết giảm chi phí đầu tư và vận hành, thời gian phát triển mạng lưới…để nhanh chóng vươn tới tầm vóc, vị thế thị trường vững chắc. Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch hội đồng quản trị LienVietPostBank, khẳng định: "Trong việc sáp nhập này, ngân hàng sẽ có mạng lưới hoạt động tốt hơn để có dịch vụ tốt hơn cho khách hàng, đặc biệt là người dân ở vùng sâu , vùng xa. Khi đó, nhân dân, doanh nghiệp và cả Nhà nước đều được lợi".

Các chuyên gia ngân hàng cho rằng xu hướng mua bán, sáp nhập trong ngành ngân hàng sẽ diễn ra mạnh, khi mà lộ trình tái cơ cấu đã được vạch ra là sẽ thu hẹp số lượng các ngân hàng thương mại và tạo ra những ngân hàng có quy mô và sức mạnh lớn hơn. Từ đó, tạo ngồn vốn dồi dào và chất lượng cho doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh, đưa nền kinh tế phát triển ổn định. Ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc HDbank, chia sẻ: "Có thể các ngân hàng có các mạng lưới cũng như hệ thống nguồn lực tăng thêm. Đồng thời tăng thêm nguồn vốn cho các hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, khi sáp nhập thì giá trị của ngân hàng mới sáp nhập cũng được tăng thêm, qua đó hỗ trợ cho cổ đông tạo cho họ có thêm hứng thú đầu tư tiếp vào ngân hàng".

Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định từ nay đến năm 2015 sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp củng cố, chấn chỉnh và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Một số tổ chức tín dụng nhỏ, yếu kém sẽ giảm bớt và hình thành một số ngân hàng thương mại có quy mô lớn hơn.
Có thể thấy, hoạt động mua bán, sáp nhập, hợp nhất thực sự đã giúp hệ thống ngân hàng trở nên lành mạnh hơn. Điển hình như, ngân hàng SCB sau 1 năm hợp nhất, đã có lãi xấp xỉ 82 tỷ đồng trong năm 2012. TienPhongBank, sau khi bán cổ phần cho tập đoàn Doji, đã hoạt động mạnh trở lại với mức tăng trưởng tín dụng đạt 15%, huy động tăng 28% và nợ xấu xuống dưới 5%.