Nâng cao giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam

(VOH) - Theo nghị định 109 của Chính phủ, từ 01/01/2011, các yêu cầu để thương nhân, doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, là phải có kho lúa gạo ít nhất 5.000 tấn, có cơ sở xay, xát lúa gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ.

Hiện nay, đang có trên 200 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo, nhưng chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp chủ chốt, nắm giữ 80% lượng gạo xuất khẩu, trong đó có Tổng Công ty lương thực miền Nam Vinafood 2, là doanh nghiệp đầu đàn xuất khẩu gạo của Việt Nam. Hiện Vinafood 2 đang đầu tư cho các doanh nghiệp thành viên xây dựng hệ thống kho, máy xay xát, đánh bóng, sân phơi, máy sấy lúa… với tổng công suất khoảng 1 triệu tấn gạo, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh và tham gia bình ổn thị trường.


Hiện nay, cả nước đang có trên 200 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo, nhưng chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp chủ chốt.

Tổng Công ty Lương thực miền Nam Vinafood 2 đã quyết định chủ trương đầu tư xây dựng hàng chục điểm kho cho các doanh nghiệp thành viên ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn từ năm 2009 đến 2011, ông Trương Văn Húa, phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinafood 2 cho biết:

Thực hiện chủ trương này, một số nhà xưởng, kho chứa lúa gạo được khởi công xây dựng và đưa vào hoạt động. Mới xây dựng năm 2009 như Xí nghiệp chế biến lương thực Phú Hòa, ở Khu công nghiệp Thoại Sơn, huyện Tịnh Biên của Công ty thực phẩm An Giang Anfoodco, đã hoàn tất đầu tư giai đoạn 1, hoạt động từ tháng 7 năm 2009 đến nay. Riêng Công ty Chế biến lương thực Tiền Giang TigiFaco là doanh nghiệp mới thành lập, nằm bên bờ sông Tiền, hiện có 4 dự án trong đó có nhà máy chế biến lương thực, nhà máy chế biến thủy sản cá tra và vùng nuôi cá tra 15 ha ở Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Rồi Công ty Lương thực Bạc Liêu vừa khởi công xây dựng Kho chứa lương thực Ninh Quới tại ấp Ninh Lợi, xã Ninh Quới A, Huyện Hồng Dân, Tỉnh Bạc Liêu hoặc kho An Phú Tân tại xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè của Công ty lương thực Trà Vinh. Hầu hết các kho này đều có diện tích gần 10.000 mét vuông, lắp đặt hệ thống máy móc xay xát, đánh bóng gạo công suất trên dưới 40 tấn/giờ, máy tách màu để sản xuất gạo cao cấp, băng chuyền vận chuyển gạo, ngoài ra, còn có khu vực sấy và trữ lúa... Về hoạt động xây kho và thu mua lúa gạo, ông Trần Thanh Tâm, Phòng kế hoạch Công ty lương thực Trà Vinh cho biết:

Đối với Kho chứa lương thực Ninh Qưới sẽ góp phần giúp cả nông dân lẫn doanh nghiệp có lợi, ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc nói:

Ngoài vinafood 2, hiện một số doanh nghiệp khác cũng có các dự án xây kho lúa gạo như dự án của Công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang, xây dựng hệ thống lò sấy gắn liền với vùng sản xuất nguyên liệu 10.000 ha lúa chất lượng cao, ở huyện Châu Thành và Châu Phú, tỉnh An Giang, hệ thống kho chứa 35.000 tấn, tổng vốn đầu tư trên 65 tỉ đồng.

Tuy nhiên, một vấn đề đặc thù trong dự trữ gạo là việc quản lý thế nào để tránh hư hỏng và hao hụt. Mặc dù, xây dựng kho chứa để bảo quản, dự trữ lúa gạo tốn chi phí không nhỏ nhưng do gạo là mặt hàng dễ bị hư hỏng vì độ ẩm hoặc do côn trùng mối, mọt.v.v. do đó, bên cạnh vấn đề quản trị kho tàng, luân chuyển xuất nhập gạo ra vào hợp lý còn phải lưu ý đến các hư hại do côn trùng, ông Vương Cao Biên, Phó Giám đốc Công ty thực phẩm An Giang Anfoodco cho biết công tác xử lý côn trùng tại kho:

Bên cạnh việc quản trị kho, vấn đề dự trữ lúa gạo còn gặp một khó khăn không nhỏ là vốn thu mua lúa gạo để dự trữ. Đới với doanh nghiệp, khi dùng tiền để mua và dự trữ lúa gạo là đồng tiền nằm một chỗ, không quay vòng, không sinh lợi, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Lượng gạo hàng hoá hàng năm khoảng 6 đến 7 triệu tấn. hiện nay tổng diện tích kho chứa gạo của nước ta có khả năng dự trữ trên 3 triệu tấn gạo để chờ xuất bán với giá cao, mang lại hiệu quả lớn cho quốc gia, nhưng hầu như tất cả các kho chứa này chỉ làm nhiệm vụ dự trữ lúa gạo theo kiểu "ăn đong". Do đó, Nhà nước cần tham gia vào việc dự trữ lúa gạo như bên Thái Lan đã làm. Cụ thể Chính phủ chi ngân sách hoặc có cơ chế chính sách, cung ứng vốn cho doanh nghiệp dự trữ lúa gạo thay cho giải pháp hỗ trợ lãi suất vốn vay ngân hàng như hiện nay.

Nhu cầu nhập khẩu gạo thế giới dự kiến trong năm 2011 là rất lớn, do ảnh hưởng thời tiết hạn hán, mưa bão khiến sản lượng lúa ở nhiều quốc gia nhập khẩu và xuất khẩu giảm sút. Thái Lan ước giảm khoảng 1,6 triệu tấn lúa, Ấn Độ tồn kho lên đến hơn 20 triệu tấn, nhưng lo ngại giá cả tăng cao, lạm phát nên vẫn cân nhắc trong tham gia xuất khẩu… còn ở Việt Nam, toàn bộ sản lượng gạo hàng hoá vụ Đông Xuân 2011 khoảng 3 triệu tấn gần như cơ bản đã có đầu ra. Cùng với sự ra đời của Nghị định 109 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, việc xây dựng các kho chứa lúa gạo kịp thời, vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời cũng là dịp để sắp xếp lại trật tự trong xuất khẩu, kinh doanh lúa gạo, tái cấu trúc hệ thống chế biến và sàng lọc để chọn doanh nghiệp đủ thực lực đầu tư vào ngành gạo. Bên cạnh đó, nguồn vốn để thu mua dự trữ lúa gạo cũng là vấn đề cần thiết, không thể bỏ qua./.