Nâng cao lợi thế cạnh tranh hàng hóa để tăng giá trị xuất khẩu

(VOH) - Trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu nước ta đạt 9,1 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng 4. Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt gần 42,9 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ.

Đồ gỗ Việt Nam ngày càng đa dạng về mẫu mã. Ảnh: chinhphu

Mặc dù tốc độ gia tăng của xuất khẩu khá ít nhưng cũng cho thấy tín hiệu khả quan trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam. Với những tín hiệu khả quan đó thì mục tiêu tăng giá trị xuất khẩu từ 12 - 13% trong năm nay là có thể thực hiện được.

 Một trong những lợi thế của Việt Nam khi gia tăng giá trị xuất khẩu là hàng hóa phù hợp với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay. Nhìn tổng thể thì hàng hóa Việt Nam cơ bản là những mặt hàng tận dụng lợi thế về tài nguyên thiên nhiên hoặc là lao động với kỹ năng chưa thật là cao. Các mặt hàng xuất khẩu có 2 ưu thế là: hàng hóa Việt Nam cạnh tranh nhờ giá và hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều là mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Do đó, độ co giãn tương thích giữa thu nhập và nhiều loại hàng hóa đã làm cho sức tiêu thụ không giảm. Hàng xuất khẩu của Việt Nam càng có ưu thế hơn trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tồn tại nhiều hiệp định thương mại tự do, nhu cầu tiêu dùng nội địa ở Đông Á đang chuyển dịch vào bên trong. Điều này giải thích vì sao trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, giá trị xuất khẩu của Việt Nam vẫn tương đối cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ông Trần Xuân Giá - nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá:

Nhìn về lâu dài, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải năng động hơn nữa, bởi nếu cạnh tranh chỉ qua giá cả thì hàng hóa của Việt Nam rất dễ bị đánh bật do luật chống bán phá giá và khó khăn để vượt qua hàng rào kỹ thuật. Chẳng hạn như các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, do hàng hóa Việt Nam thường gắn với các ưu thế về tài nguyên môi trường nên dễ nhiễm bẩn hơn. Ngoài ra, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hiện đang là khu vực rất năng động, xuất hiện nhiều tầng lớp trung lưu, tất yếu nhu cầu của tầng lớp trung lưu này sẽ chuyển dịch, do vậy yêu cầu về chất lượng hàng hóa phải ngày càng cao. Đây là yếu tố quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nắm bắt để có sự chuyển biến hợp lý. Ông Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói:

Theo các chuyên gia, xuất khẩu Việt Nam đạt chỉ tiêu đề ra với xác suất khá cao. Nguyên nhân là do kinh tế Thế Giới tuy có khó khăn nhưng ở trong hạn mức có thể kiểm soát, hơn nữa thị trường Đông Á là một thị trường khá hấp dẫn; theo thống kê năm 2011, đây là thị trường mà các doanh nghiệp Việt Nam có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhất. Năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nâng lên nhưng việc tìm kiếm được thị trường xuất khẩu phù hợp với hàng hóa của mình, đồng thời tiếp nhận được các gói hỗ trợ của nhà nước vẫn là vấn đề còn nhiều trăn trở. Ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến:

Các hoạt động xuất khẩu đã và đang đóng góp nhiều lợi ích cho nền kinh tế nước ta. Để hoạt động xuất khẩu đạt hiệu quả cao thì việc nâng cao các lợi thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đóng vai trò vô cùng quan trọng. Doanh nghiệp chính là nhân tố chính để thực hiện nhiệm vụ này. Vì doanh nghiệp chính là người trực tiếp sản xuất, vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng và sản phẩm có được người tiêu dùng lựa chọn hay không mang ý nghĩa sống còn đối với doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp cần nhận thức sâu sắc những cơ hội và thách thức đang diễn ra trong xu thế cạnh tranh toàn cầu; từ đó xây dựng chiến lược phát triển và tạo ra được các sản phẩm dịch vụ tương thích./.