Ngân hàng đẩy mạnh lĩnh vực bán lẻ

(VOH) - Mở rộng các dịch vụ bán lẻ đang là xu thế của các ngân hàng thương mại nhằm tăng thị phần, nâng cao cạnh tranh.

Ảnh minh họa (ub.com.vn)

Bài học từ 2 cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ 1998 - 1999 và 2007 - 2008 cho thấy : sai lầm của các ngân hàng thương mại là quá ưu tiên tăng trưởng tín dụng vào những lĩnh vực đem lại lợi nhuận cao và nhanh (bất động sản, chứng khoán…) và chưa quan tâm đến lĩnh vực bán lẻ - nơi đem lại sự phát triển ổn định.

Hướng về bán lẻ là bền vững

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Văn Bình nhận định: “Phát triển mạnh bán lẻ là một định hướng rất tốt và Ngân hàng Nhà nước ủng hộ chủ trương này. Có đẩy mạnh bán lẻ thì ngân hàng mới thực sự bền vững, mới thực sự ăn sâu cắm rễ vào nền kinh tế. Đây là thực tiễn và trên thế giới cũng vậy”.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, chiến lược của BIDV trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại và trong đó gia tăng tiềm lực, tỷ trọng, dư nợ và cung cấp dịch vụ cho khu vực nông nghiệp-nông thôn. Việc bổ sung mạng lưới sẽ tạo thêm điều kiện để BIDV phục vụ tốt hơn, rộng hơn các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đồng bằng sông Cửu Long.”

Dưới áp lực cạnh tranh về cung cấp dịch vụ ngân hàng, hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại, đa năng, nhiều ngân hàng thương mại trong nước không ngừng đa dạng hóa dịch vụ, sản phẩm, thay đổi phương thức giao dịch theo mô hình hiện đại, chuyên nghiệp nhằm thu hút các nhóm khách hàng cá nhân, các khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh. Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank đánh giá: “Về huy động, cho vay… đều có mức tăng trưởng khá tốt, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của ngành bởi Sacombank đi theo định hướng bán lẻ, đẩy mạnh phát triển đối tượng khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như khách hàng cá nhân.”

Không chỉ các ngân hàng lớn, mà nhiều ngân hàng nhỏ cũng tìm lối đi riêng để phát triển dịch vụ bán lẻ. Điển hình như ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB) với chiến lược hướng đến khách hàng cá nhân, hộ gia đình, tiểu thương. Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank) đầu tư phát triển mạng lưới, nâng số điểm giao dịch, chú trọng sản phẩm dịch vụ. Các ngân hàng còn đưa ra nhiều sản phẩm nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của nhiều nhóm khách hàng như dịch vụ rút tiền mặt tại ATM không dùng thẻ của ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank).

Đòi hỏi “ sáng tạo” và “đột phá”

Chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ phải đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, vì vậy, trước hết, các ngân hàng phải có sự đầu tư về công nghệ, mang lại những tiện ích tốt nhất trong quá trình phát triển dịch vụ. Bên cạnh đó, các dịch vụ, sản phẩm ngân hàng của Việt Nam gần như giống nhau, quá truyền thống và không tạo được sự khác biệt để thu hút khách hàng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho rằng: “Chưa có ngân hàng nào thực sự nổi bật hay có sự khác biệt lớn với các ngân hàng khác về sản phẩm, dịch vụ để khẳng định đó là sản phẩm - dịch vụ của riêng mình, là thương hiệu của mình.”

Đặc biệt, khi gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, dịch vụ bán lẻ của các ngân hàng Việt Nam sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với những ngân hàng Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia… Đây là những thị trường có tính tương đồng với Việt Nam và không ít ngân hàng của các quốc gia này đã khẳng định vị thế thành công tại các thị trường quốc tế.