Ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam đứng trước thách thức từ TPP

(VOH) - Việt Nam hiện đang là nước xuất khẩu đồ gỗ gia dụng lớn thứ 2 châu Á, tuy nhiên, ngành công nghiệp này hiện đang phải đối diện với nhiều thách thức khi đón nhận Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP) với cơ chế mở cửa thị trường. Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương sẽ đem lại nhiều cơ hội lớn cho nhiều ngành nghề của nền kinh tế Việt Nam, nhưng sẽ đặt ngành chế biến và xuất khẩu gỗ vào thách thức lớn.
Đồ thủ công mỹ nghệ của Việt Nam theo tiêu chuẩn của TPP cần đòi hỏi một đội ngũ lao động tay nghề cao. Ảnh: TTXVN

Thách thức trước tiên của ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam: trong Hiệp định TPP có quy định về hàm lượng giá trị khu vực. Cụ thể là sản phẩm phải đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 55% tổng giá trị trở lên; doanh nghiệp chỉ được phép nhập tối đa 45% nguyên vật liệu từ các nước ngoài khối để sản xuất ra một sản phẩm, kể cả chi phí gia công. Tuy nhiên, hiện nay cơ cấu thành phần của sản phẩm đồ gỗ Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu này. Trên 80% gỗ súc dùng để sản xuất sản phẩm gỗ ở Việt Nam đều phải nhập khẩu. Tính trung bình, Việt Nam nhập khẩu gần 3,5 triệu m3 gỗ/năm và trong đó, nhập khẩu gỗ xẻ phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ chiếm 65%.

Nguyên nhân thứ hai nằm ở trình độ lao động. Để nâng cao chất lượng các sản phẩm đồ gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ của Việt Nam theo tiêu chuẩn của TPP cần đòi hỏi một đội ngũ lao động tay nghề cao; Nhưng năng suất lao động trung bình của một nhân công Việt Nam chỉ là 1,9 sản phẩm ghế/ngày, ít hơn nhiều so với năng suất 4,5 sản phẩm ghế/ngày của nhân công làm việc tại Trung Quốc.

Ngoài ra, vấn đề môi trường cũng cần được các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ quan tâm nhiều để có thể tận dụng tối đa lợi thế từ hiệp định TPP mang lại. Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TPHCM bày tỏ quan điểm: "Chúng tôi thấy rằng, TPP sẽ đóng góp cho doanh nghiệp tốt hơn, nếu có những ràng buộc khi VN vào TPP như là vấn đề bảo đảm môi trường hay các vấn đề khác thì đó cũng tốt cho các doanh nghiệp giúp họ nâng cao hơn nữa môi trường làm việc cũng như quy mô của một doanh nghiệp sản xuất và chế biến gỗ. Các doanh nghiệp hiện đang tập trung sản xuất các đơn hàng từ đây đến cuối năm. Theo tôi, ngành gỗ không phải là ngành có lợi nhuận cao nhưng là trung bình cao so với các ngành khác".

Hiện các doanh nghiệp trong ngành vẫn còn có những hạn chế nhất định như: mẫu mã thiết kế đơn điệu, nhân công rẻ nhưng năng suất thấp, năng lực quản lý lao động chưa được nâng cao… Do đó, công tác xúc tiến thương mại, marketing, tạo thương hiệu quốc gia và chuỗi giá trị quốc gia trong ngành này đang còn gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, nâng sức cạnh tranh. Tuy vậy, với những chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây triển vọng phát triển của ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam vẫn có dấu hiệu tốt. Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư kí Phòng Thương mại và Công nghiệp Viêt Nam (VCCI) nhận định: "Trong đàm phán thì vấn đề xuất xứ nguyên liệu là vấn đề luôn được quan tâm, đặc biệt là ngoài vấn đề về tiêu chuẩn xuất xứ còn có vấn đề về tiêu chuẩn môi trường. Ngành đồ gỗ là ngành có tác động rất lớn đến môi trường. Đây cũng là một thông điệp quan trọng để các doanh nghiệp đồ gỗ quan tâm. Các doanh nghiệp phải xây dựng cho mình một tiêu chuẩn trong doanh nghiệp để  làm sao đảm bảo rằng nguồn gốc gỗ là nguồn gốc đạt tiêu chuẩn".

Như vậy, đối với các doanh nghiệp, giải bài toán cho việc đảm bảo tiêu chuẩn xuất xứ, tiêu chuẩn sản phẩm chất lượng cao thì đáp án vẫn là nguồn vốn. Lãi suất ngân hàng hiện đã giảm nhưng vẫn còn rất cao so với các nước lân cận, doanh nghiệp muốn tiếp cận các nguồn vốn vay dài hạn vẫn còn khó, hạn chế vốn dẫn đến việc máy móc thiết bị sản xuất không được cải tiến, chất lượng và giá thành sản phẩm thấp, sức cạnh tranh yếu. Vòng lẩn quẩn này cần được tháo gỡ để doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả một thị trường rộng lớn hơn, yêu cầu cao hơn. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc công ty đồ gỗ Scansia Paciffic cho hay: "Máy móc của nghề gỗ rất hiện đại, năng suất nâng lên 10 tỷ, 20 tỷ không có nghĩa là chúng ta cần lượng lao động mấy lần, tuy nhiên chúng ta cần phải có lao động, nhưng lao động không chỉ riêng trong nhà máy, vận chuyển và cả những ngành phụ trợ đi theo nữa, ngành gỗ tạo lợi thế rất nhiều ngành phụ trợ kéo theo để hỗ trợ. Còn việc tiếp cận vốn trung và dài hạn để đâu tư thì gần như các ngân hàng hiện ít cho vay hoặc cho vay với lãi suất rất cao".

Mặc dù vậy, một số ngân hàng cũng đã có phương án hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết vấn đề về vốn. Có những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vay trung và dài hạn đầu tư trang thiết bị máy móc. Việc còn lại là làm sao để doanh nghiệp biết và tiếp cận nguồn vốn vay phù hợp cho mình. Ông Doãn Anh Tuấn, Giám đốc Phát triển Kinh doanh khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng chia sẻ: "Chương trình Smeep là một chương trình chúng tôi hợp tác với tổ chức quốc tế Nhật Bản, chương trình này đặc biệt dùng cho đầu tư máy móc thiết bị, nhà xưởng là các khoảng đầu tư dài hạn, nguồn vốn của chương trình là nguốn vốn quốc tế nên không hạn chế, lãi suát cũng giảm 2% so với lãi suất trung và dài hạn hiện nay. Đây là chương trình tôi nghĩ rất phù hợp đối với các doanh nghiệp ngành gỗ khi mà chúng ta đang tìm cách để đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm".

Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay vẫn là Mỹ và dự báo đây vẫn sẽ tiếp tục là thị trường nhiều tiềm năng cho sản phẩm gỗ Việt Nam. Tuy nhiên, ngành gỗ cũng như tất cả các ngành khác, sẽ tìm kiếm và khai thác đa dạng nhiều thị trường trên thế giới. 

Để đà phát triển này được tiếp sức mạnh mẽ hơn, Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và vùng nguyên liệu để làm tiền đề cho các doanh nghiệp có định hướng trong đầu tư phát triển; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh được tiếp cận với nguồn vốn vay đầu tư thiết bị; đầu tư trồng cây gỗ lớn với thời gian vay và trả nợ phù hợp với thời gian sinh trưởng của cây; có biện pháp để giảm chi phí cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và xuất nhập khẩu. Có như thế, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ mới tiếp tục khẳng định thế mạnh là một trong những ngành đóng góp lớn cho GDP cả nước khi thời gian đón nhận Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đã cận kề./.