Ngành công nghiệp phụ trợ: Trông người lại ngẫm đến ta

(VOH) - Như chúng tôi đã thông tin, sau 4 ngày tổ chức, Triển lãm máy móc thiết bị Trung Quốc lần thứ 8 vừa kết thúc tại TPHCM. Triển lãm đã thu hút 10.000 khách tham quan, trong đó có không ít doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Song điều chúng tôi muốn đề cập sau đây không phải sự thành công của triển làm mà qua sự kiện này một lần nữa chúng ta có dịp nhìn lại ngành công nghiệp trong nước với nhiều điều suy ngẫm.

Những năm qua, kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới. Môi trường kinh doanh tại Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi, được xem là một thị trường đang phát triển mạnh mẽ và năng động. Song song đó, là sự ra đời của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, luyện kim đã khẳng định thương hiệu của mình trên trường quốc tế, Công ty Cổ phần cơ khí-điện Lữ Gia, Công ty TNHH một thành viên chế tạo động cơ VINAPPRO, Tổng công ty cơ khí, vận tải Sài Gòn (SAMCO) …..là một minh chứng.
Ngoài ra, sự ổn định về chính trị và hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, phù hợp với thông lệ quốc tế, môi trường kinh doanh tại Việt Nam không ngừng được cải thiện. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam, trong đó có không ít những doanh nghiệp đến từ Trung Quốc.
Do vậy, triển lãm đã mang đến nhiều cơ hội giúp quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa doanh nghiệp 2 nước. Ông Phan Thế Hào – Vụ trưởng, trưởng cơ quan đại diện phía Nam, Bộ công thương đánh giá:

Với sự đầu tư hợp tác không ngừng, Trung Quốc đã trở thành bạn hàng lớn của Việt Nam trong sáu năm liền với hơn 2000 doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cung cấp cho thị trường Việt Nam nhiều sản phẩm máy móc, thiết bị có chất lượng tốt. Từ thực tế đó, có thể thấy ngành công nghiệp nặng Trung Quốc ngày càng thâm nhập sâu hơn vào thị trường nước ta. Ông Nguyễn Ngọc Thứ - Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu - Trung Quốc nói:

Tuy nhiên, từ triển lãm do nước bạn tổ chức tại Việt Nam, có một thực tế khó phủ nhận về sự non kém của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam. Trong khi Trung Quốc đã sớm phát triển ngành công nghiệp phụ trợ thì ở Việt Nam, phần lớn sản phẩm công nghiệp phụ trợ đều do nhập trực tiếp từ nước ngoài.
Tỷ lệ nội địa hoá của Honda Việt Nam là cao nhất nhưng cũng chỉ mới đạt 10%, kế tiếp là Toyota Việt Nam (7%). Hai công ty Daewoo việt Nam và Ngôi Sao cùng đạt 4%. Thấp nhất là Suzuki (chỉ đạt 3%) và Ford Việt Nam: 2%. Tương tự là hai ngành dệt may và da giày. Mặc dù công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu trong vài năm gần đây phát triển so với trước đây, nhưng hai ngành này vẫn phụ thuộc rất lớn vào việc nhập khẩu nguyên phụ liệu nước ngoài. Trong đó, ngành dệt may nhập khẩu khoảng 80% nhu cầu về sợi polyeste, ngành giày da nhập khẩu khoảng 85% hóa chất, các phụ liệu đế giày, mũi giày cùng các phụ liệu khác. Ngành thép cũng không ngoại lệ khi tỉ lệ nhập nguyên liệu của Trung Quốc lên đến 60 – 70%. Ông Nguyễn Tiến Nghị, Phó chủ tịch Hiệp Hội thép Việt Nam nói:

Chính vì điều này, đã làm sản phẩm của doanh nghiệp có giá thành cao hơn, thiếu tính cạnh tranh trên thương trường. Mặt khác, chúng ta thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn, tay nghề phù hợp với đặc tính riêng của ngành.
Theo các chuyên gia, để ngành công nghiệp nặng nước ta có thể sánh ngang tầm, việc trước tiên đòi hỏi phải đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, tăng tỉ trọng một số ngành mũi nhọn trong công nghiệp nặng như luyện kim, khai thác khoáng sản,…, áp dụng công nghệ tự động hóa vào sản xuất nhằm khai thác hết tiềm năng vốn có, nâng cao giá trị sản phẩm.

Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là việc ứng dụng tự động hóa vào sản xuất, chưa tập trung quan tâm ứng dụng công nghệ mới, chưa có định hướng chiến lược phát triển lâu dài mà chủ yếu vẫn sản xuất theo truyền thống, thiết bị lạc hậu. Điều này đã khiến doanh nghiệp gặp trở ngại khi tiến hành tự động hóa trong sản xuất, dẫn đến cơ khí tự động không thể hỗ trợ các ngành khác cùng phát triển, thành ra sản phẩm công nghiệp Việt Nam không đạt tới độ tinh xảo, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Đầu tư, đổi mới máy móc thiết bị là một giải pháp lâu dài của doanh nghiệp Việt Nam. Quan trọng là chọn đầu tư đúng công nghệ tiên tiến, hiện đại, để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam. Lúc đó, “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mới trở thành ý thức bền vững trong lòng người tiêu dùng.