Ngành dệt may về đích trước thời hạn

(VOH) - Kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm 2010 của Việt Nam ước đạt trên 11 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2009 và vượt 5% so với kế hoạch đề ra là 10,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, những biến động trên thị trường nguyên liệu cũng như chi phí đầu vào tăng mạnh đang là thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp trong đàm phán đơn hàng cho năm 2011 và trở lại thời kỳ tăng trưởng với tốc độ cao trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

 May hàng xuất khẩu tại Công ty may Bình Định.Ảnh TTXVN.

Năm 2009, do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam không tăng trưởng so với năm 2008, chậm một năm so với chiến lược phát triển ngành đề ra. Nhưng trong năm 2010, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt hơn 11 tỷ USD nên đã rút ngắn được khoảng 2/3 thời gian chậm trễ do khủng hoảng. Doanh nghiệp trong ngành đang cố gắng đến hết năm 2011 hoàn tất quá trình khắc phục hoàn toàn hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế trong giai đoạn vừa rồi, đưa dệt may Việt Nam từ năm 2012 trở đi quay trở lại đúng nhịp độ phát triển tăng trưởng trong kế hoạch phát triển 2010-2015.
Báo cáo mới đây của Hiệp hội Dệt may cho thấy, nhiều doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận rất cao như công ty cổ phần may Việt Tiến, có tỷ suất lợi nhuận 44%; công ty cổ phần may Hưng Long có tỷ suất lợi nhuận 170%… Bên cạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp dệt may không quên khai thác song song và khá hiệu quả thị trường trong nước. Doanh thu hàng may mặc đạt khoảng 3-3,5 tỷ USD tại thị trường nội địa, tăng trưởng 15-18%/năm. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Vinatex mart cho biết:

Với cơ hội thị trường tiêu thụ đang dần hồi phục, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhiệm kỳ 2011-2015 cho biết, mục tiêu của ngành dệt may đến năm 2015 là phát triển dệt may trở thành một trong những ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực, kim ngạch xuất khẩu 19 tỷ USD, tỷ lệ nội địa hóa 60%, thu hút trên 2,5 triệu lao động; xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm thời trang của khu vực. Để đạt được mục tiêu trên, ngành dệt may sẽ thực hiện tái cơ cấu về phương thức kinh doanh theo hướng chuyển dần từ gia công sang bán sản phẩm với thiết kế của chính các doanh nghiệp trong nước; việc tái cơ cấu đẳng cấp về sản phẩm của ngành may xuất khẩu sẽ đi vào hướng chất lượng cao, chứ không làm những sản phẩm cấp thấp; đẩy mạnh chương trình thời trang hóa ngành dệt may với xây dựng thương hiệu thời trang. Ngoài 3 thị trường chính là Mỹ, EU và Nhật, hàng dệt may VN cũng đã có bước tiến đột phá vào thị trường Hàn Quốc. Việc thiết lập Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) đã mang lại lợi ích đáng kể cho dệt may Việt Nam. Có nhiều tháng, xuất khẩu dệt may Việt Nam vào Hàn Quốc tăng trên 80% so với cùng kỳ năm 2009. Ông Vũ Đức Giang cho biết thêm:

Trao đổi với các doanh nghiệp dệt may tại Thành phố Hồ Chí Minh thì đều cho rằng, sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đang có nhiều thuận lợi về thị trường cũng như đơn hàng. Hiện nay, nhiều đơn hàng sản xuất tại Trung Quốc bị dội, các nhà nhập khẩu nước ngoài phải cầu cứu doanh nghiệp dệt may Việt Nam thực hiện. Nhiều nước sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may trong khu vực châu Á cũng đang rơi vào cảnh thiếu lao động và Việt Nam có thuận lợi hơn khi được nhà nhập khẩu tin tưởng lựa chọn.
Các doanh nghiệp đang tích cực đàm phán đơn hàng cho năm 2011 trong điều kiện giá đầu vào đang là ẩn số. Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, hiện đang có một số tín hiệu trái chiều trên thị trường nguyên vật liệu. Giá sợi bông bắt đầu suy giảm tại Trung Quốc, cùng hướng với đợt giảm giá mạnh của xơ bông trong 10 ngày vừa qua. Các thương lái đầu cơ tỏ ra thờ ơ với thị trường bông giao sau, và do một lượng bông lớn hơn đổ vào thị trường giao ngay tại Trung Quốc và Ấn Độ. Tại thời điểm hiện tại, mức tiêu thụ bông toàn cầu khá èo uột, do người tiêu dùng chuyển sang các loại xơ polyester giá rẻ hơn. Tuy vậy, giá các nguyên liệu đầu vào sản xuất xơ polyester tại châu Á lại duy trì ổn định trong tuần qua, mặc dù giá các loại xơ thành phẩm giảm mạnh. Đối với các nguyên liệu giao sau hồi tháng 12, thậm chí giá còn gia tăng so với cùng kỳ tháng trước. Đây là một chỉ báo rõ ràng cho thấy, giá thành sản xuất các nguyên liệu đầu vào các nhà sản xuất polyester sẽ còn gia tăng trong thời gian tới.

Trong nhiều năm nay, xuất khẩu dệt may giữ vị trí thứ 2 trong top đầu ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và đóng góp tỷ lệ khá lớn, chiếm khoảng 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Không chỉ đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu, ngành dệt may còn giải quyết việc làm cho hơn 2 triệu lao động, góp phần quan trọng vào giải quyết công ăn việc làm, an sinh xã hội.
Dệt may thật sự đóng vai trò quan trọng đối với một đất nước có dân số hơn 40 triệu dân trong độ tuổi lao động như Việt Nam. Nếu xây dựng thương hiệu và phát triển thời trang nội địa tốt hơn mới hy vọng dệt may sẽ trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn thật sự.