Người phụ nữ làm nên tên tuổi ngành sữa Việt

(VOH) - Không chỉ được coi là người khai mở ngành công nghiệp sữa của Việt Nam, bà Mai Kiều Liên đã thành công trong việc đưa Vinamilk trở thành doanh nghiệp niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán vào ngày 25/9/2015 (Vốn hóa Vinamilk đạt 121.225 tỷ đồng trong khi cổ phiếu có lượng vốn hóa lớn thứ hai là VCB chỉ đạt 117.261 tỷ đồng).

CEO Vinamilk Mai Kiều Liên là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên và duy nhất được nhận Giải thưởng Nikkei châu Á 2015.

Nhân dịp khánh thành siêu nhà máy sản xuất sữa bột hiện đại nhất khu vực châu Á tại Bình Dương, bà Mai Kiều Liên (Tổng giám đốc Vinamilk) tiết lộ: Chính việc xây dựng các kế hoạch hoạt động hiệu quả và chủ động được nguồn nguyên liệu, nên quá trình sản xuất, kinh doanh của Vinamilk luôn vững vàng với tốc độ tăng trưởng hơn 20%. Thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng, dù trong bối cảnh tình hình kinh tế suy giảm, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành điêu đứng.

Người từ chối chức Thứ trưởng

Năm 1976, trờ về nước từ Liên Xô (nay là CHLB Nga) với bằng kỹ sư công nghệ chế biến sữa, bà Liên làm việc cho Công ty sữa và cà phê miền Nam, tiền thân của Vinamilk, và có nhiều đóng góp đưa công ty trở thành doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ.

Từ công việc ban đầu là kỹ sư, qua thời gian, bà Mai Kiều Liên lên chức Trưởng ca, rồi Phó Giám đốc Kỹ thuật, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh tế và đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Vinamilk từ năm 1992.

Năm 1997, khi đang là Ủy viên Trung ương Ðảng khóa VIII, dù được gợi ý ra Hà Nội giữ chức Thứ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương), nhưng bà Mai Kiều Liên đã xin ở lại ở lại Vinamilk với mong muốn gắn bó để xây dựng Vinamilk thành doanh nghiệp sữa hàng đầu của Việt Nam.

Năm 2003 đánh dấu bước ngoặc đối với sự phát triển của Vinamilk khi bà Mai Kiều Liên chính thức trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk). Bằng việc áp dụng các mô hình quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế, bà Mai Kiều Liên đã xây dựng Vinamilk trở thành một trong những thương hiệu có lợi nhuận lớn của Việt Nam cũng như có tên tuổi khắp châu Á. Đây cũng là quãng thời gian, Vinamilk trở thành doanh nghiệp tạo ra được một cuộc cách mạng trong thói quen ăn uống của người Việt cũng như phát triển nguồn nguyên liệu cho ngành.

“Bà Mai Kiều Liên là người tiên phong trong thị trường các sản phẩm từ sữa tại Việt Nam, là nữ doanh nhân rất được kính trọng tại châu Á”

- Tạp chí Nikkei Asian.

Đến nay, Vinamilk cũng đã đầu tư 22,8% cổ phần tại nhà máy Miraka (New Zealand); 70% cổ phần vào nhà máy Driftwood (Mỹ); nắm giữ 51% cổ phần đầu tư nhà máy tại Campuchia; mở công ty con tại Ba Lan làm cửa ngõ giao thương các hoạt động thương mại của Vinamilk tại châu Âu. Sản phẩm của Vinamilk có mặt ở hơn 31 nước trên thế giới, như Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Canada, Mỹ, Úc...

Vị kiến trúc sư của "ngôi nhà Vinamilk"

Sự thành công của Vinamilk hôm nay ngoài sự nỗ lực tìm kiếm, tạo ra cái mới trong các dòng sản phẩm; triết lý kinh doanh không đi theo lối mòn - không theo xu hướng đám đông - còn là nhờ biết sử dụng người tài. “Mọi người trong công việc có gì chưa chuẩn thì tôi hướng dẫn họ làm, đào tạo họ chứ không bỏ người. Quan trọng nhất là tôi thống nhất được mọi người thành một khối để phát huy sức mạnh của tập thể”, "nữ tướng" Mai Kiều Liên chia sẻ.

Bà Mai Kiều Liên bên dây chuyền sản xuất sửa tươi Vinamilk.

Sau gần 40 năm gắn bó và hơn 20 năm giữ cương vị Tổng giám đốc, điều khiến bà Mai Kiều Liên tâm đắc nhất là tập thể lãnh đạo cùng kỹ sư, cán bộ, công nhân của Công ty đã xây dựng được “Văn hóa Vinamilk”. Điều đó có ý nghĩa tất cả mọi thành viên của công ty, từ người kinh nghiệm lâu năm đến người trẻ, ai cũng coi Vinamilk là gia đình thứ hai của mình, cùng nhau chia sẻ mọi thứ trong công việc cũng như trong cuộc sống, giúp nhau vượt qua khó khăn và cùng tự hào với những thành quả đạt được của Vinamilk.