Người thu nhập thấp: Ngôi nhà mơ ước còn lắm gian nan

(VOH) - Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã bắt đầu được thực hiện từ đầu tháng 6 nhằm tạo điều kiện thuận lợi để những người thu nhập thấp có cơ hội được sở hữu nhà ở, đồng thời kích cầu thị trường bất động sản hồi phục trở lại. Tuy nhiên, sau nửa tháng đi vào thực tế, gói tín dụng ưu đãi này vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
Gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng sẽ phần nào giúp giải quyết tồn kho bất động sản và tạo điều kiện thuận lợi để những người thu nhập thấp có cơ hội được sở hữu nhà ở. Ảnh: NĐT

Nguồn vốn này được kỳ vọng sẽ làm ấm dần phân khúc nhà ở trung bình thấp của thị trường bất động sản và có sức lan tỏa cho nhiều phân khúc khác chứ không phải là biện pháp để giải cứu cả thị trường bất động sản. Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định: "Trong đợt này, ngành ngân hàng thành phố sẽ tạo điều kiện ưu tiên. Nếu đối tượng mua nhà, thuê nhà ở xã hội được hội đồng thẩm định của thành phố xem xét phê duyệt thì chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ có được căn nhà như họ mong muốn".

Con số 30.000 tỷ không phải là lớn so với nhu cầu về nhà ở của người dân hiện nay. Nhưng cũng đủ thắp lên niềm tin cho những người dân có thu nhập thấp đang mong muốn có một chỗ ở ổn định. Thế nhưng khi tiếp cận với gói hỗ trợ này, nhiều người dân từ hy vọng đã chuyển sang tâm lý thất vọng. Một người dân bày tỏ: "Gói hỗ trợ mà Nhà nước kích cầu cho người dân thu nhập thấp, nếu người dân vay tiền được thì rất là vui. Hiện nay, thu nhập của 2 vợ chồng ở khoảng 12 triệu/tháng, để vay được gói này thì cũng rất khó khăn. Đối với những người thu nhập thấp thì lãi suất 6% cũng còn ở mức cao. Cả lãi và gốc phải trả trong vòng 1 tháng là khoảng 7-8 triệu, số tiền này đã là một nửa thu nhập".

 Bên cạnh đó, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước,  gói 30.000 tỷ đồng sẽ dành tối đa 30% để cho doanh ngiệp vay và 70% hỗ trợ người mua nhà. Chỉ sau 10 ngày triển khai (ngày 10/6), Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã phê duyệt danh sách 10 doanh nghiệp được vay tổng số 9.000 tỷ đồng với lãi suất 6%/năm trong vòng 10 năm. Điều này cho thấy, 30% của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đã nhanh chóng tìm được chủ nhân. Còn 70% dành cho người thu nhập thấp, cần nhà ở thực sự thì vẫn còn vướng mắc nhiều rào cản. Ông Nguyễn Vĩnh Trân - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đâu tư Nam Long, cho rằng: "Theo tôi nghĩ, gói 30.000 tỷ này nên giao hết cho người mua nhà để tạo dựng niềm tin cho họ. Đồng thời, sự chủ động quyết định về nguồn vốn là do người mua nhà, chứ không phải ngân hàng quyết định việc cho doanh nghiệp nào mượn thì không công bằng".

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì vẫn còn nhiều vướng mắc khiến người dân khó tiếp cận được gói hỗ trợ này. Nguồn vốn này tập trung vào đối tượng có thu nhập thấp, nhưng thu nhập bao nhiêu được coi là thấp lại không được quy định rõ trong Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước nên gây không ít khó khăn cho người đi vay. Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu phân tích: "Có 2 rào cản cho người dân sử dụng gói tín dụng này. Rào cản thứ nhất là làm sao chứng minh được thu nhập của họ, đặc biệt là đối với những người làm nghề tự do. Thứ nữa là mức thu nhập bình quân của một người Việt Nam. Chẳng hạn để mua một căn nhà trị giá 1 tỷ đồng, số tiền vay là 800 triệu đồng với lãi suất 6% trong 10 năm thì 1 tháng họ phải trả 9 triệu đồng. Đây là rào cản khiến nhiều người băn khoăn, liệu thu nhập của cả gia đình có đáp ứng nổi điều kiện này không?".

Ngoài ra, một vấn đề khiến nhiều người đi mua nhà quan tâm thời gian vừa qua là những vướng mắc liên quan đến các tài sản đảm bảo. Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước quy định về cho vay vốn nhà ở Ngân hàng xem xét và quy định việc cho vay có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, những người thu nhập thấp thì tài sản tích lũy gần như không có, vì vậy cũng rất khó khi tiếp cận nguồn vốn này. Giải pháp đặt ra là người mua nhà có thể dùng chính căn nhà đi mua để làm tài sản thế chấp. Về phía ngân hàng, họ cũng gặp khó vì nhà ở xã hội là diện nhà bị khống chế không được mua bán trong vòng 10 năm, nên nếu người vay không trả được nợ, ngân hàng cũng chẳng thể phát mãi để thu hồi nợ.

Các cơ quan chức năng mong muốn gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng sẽ phần nào giúp giải quyết tồn kho bất động sản, lấy lại lòng tin của xã hội. Cùng với đó là giải quyết khó khăn của người dân về nhà ở. Tuy nhiên, nếu như những rào cản về điều kiện vay vốn không được sớm  tháo gỡ thì mục đích đầy tính nhân văn của gói hỗ trợ khó có thể thực hiện được./.