Nhà đầu tư ngoại vẫn quan tâm thị trường bất động sản Việt Nam

(VOH) - Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đang rất vất vả tìm lối thoát khi thị trường bất động sản trở nên bấp bênh trong vài năm qua thì dòng vốn ngoại vẫn không ngừng đổ vào thị trường này.

Ngay đầu năm 2014, bất động sản Việt Nam vẫn tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài, đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI. Xa hơn một chút cuối năm 2013, một số vụ mua bán lớn của các công ty nước ngoài với các dự án bất động sản tại Việt Nam đã diễn ra như Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) và các công ty con đã thực hiện thương vụ mua lại cao ốc văn phòng Gemadept Tower (Lê Thánh Tôn, quận 1, TP HCM); Công ty Becamex Tokyu (liên doanh giữa tỉnh Bình Dương và Nhật) công bố khu thương mại của khu đô thị Tokyu Binh Duong Garden City để mời gọi các nhà bán lẻ vào dự án tỷ đô này…


1-2 năm trước đây đã bắt đầu xuất hiện dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản tại Việt Nam và không ngừng tăng thêm năm sau cao hơn năm trước. (ảnh minh họa: TTO)

Tình hình này không phải mới diễn ra trong năm nay mà 1-2 năm trước đây, đã bắt đầu xuất hiện dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản tại Việt Nam và không ngừng tăng thêm năm sau cao hơn năm trước. Một số chuyên gia cho rằng: thị trường có sự tham gia của những tập đoàn bất động sản dày dạn kinh nghiệm từ nước ngoài sẽ nhanh chóng hình thành những khu đô thị, khu dân cư bài bản, đẹp đẽ, những công trình kiến trúc đẳng cấp, chất lượng. Doanh nghiệp trong nước qua đó có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm quản lý và công nghệ hiện đại.



Tuy nhiên không ít cảnh báo được đưa ra, trước làn sóng đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản, các doanh nghiệp trong nước nếu không hợp tác với nhau để nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ không tránh khỏi nguy cơ bị loại khỏi thị trường, thậm chí bị doanh nghiệp nước ngoài thôn tính.
Trong khi các nước trong khu vực đã hình thành nhiều tập đoàn ủy thác đầu tư bất động sản, như con đường tất yếu phục vụ cho hoạt động kinh doanh thời hội nhập, thì các doanh nghiệp trong nước gần như chưa thể hiện được tầm nhìn đối với việc cần thiết phải liên minh, hợp tác không chỉ đề kháng với sự cạnh tranh từ “sân nhà” mà còn có thể vươn ra thế giới. Chuyên gia tài chính, bất động sản Nguyễn Hoàng Tuyển nói: “Kết hợp với nhau thì tạo sức mạnh, cùng một quỹ thời gian nếu một mình thì chỉ làm được một việc, nhưng kết hợp lại chúng ta có thể làm được nhiều việc một lúc. Nhà nước nên hỗ trợ việc này. Tôi biết một số nước khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài khi đó nhà nước sẽ thưởng lại để hỗ trợ chi phí ban đầu của doanh nghiệp đó”.



Tuy vậy, cũng không ít chuyên gia coi doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào bất động sản trong nước là chuyện bình thường. Bởi các nhà quan sát cho rằng con số vốn đầu tư nước ngoài chỉ là vốn đăng ký, chưa phản ánh được thực chất thị trường. Và thực tế trong mấy ngày qua một số dự án do đối tác nước ngoài đăng ký đầu tư lên đến hàng tỷ đô la, song vì nhiều lý do họ đã rút khỏi thị trường Việt Nam. Hơn nữa nếu đầu tư thật thì lượng vốn FDI còn phải giải ngân trong nhiều năm và việc đầu tư này chủ yếu dành chỗ là chính, cho nên trong ngắn hạn sẽ khó dự đoán được ảnh hưởng. Tiến sĩ Trần Minh Hoàng cho rằng: “Nhà đầu tư nước ngoài sẽ không giải ngân khi thị trường không thuận lợi và khi sức mua còn yếu thì họ sẽ giải ngân từ từ làm đến đâu bán đến đó. Vốn cam kết phụ thuộc nhiều thứ họ phải chờ thuận lợi thì mới giải ngân cho thị trường bất động sản”.



Cũng có không ít nhà đầu tư trong nước tự tin cho rằng vốn trong nước hay nước ngoài, ai đầu tư bao nhiêu không quan trọng. Vấn đề là họ phải có kế hoạch nắm được nhu cầu về bất động sản nhằm phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội lâu dài và trung thành với quy hoạch đó. Nếu mình làm không được thì doanh nghiệp ngoại sẽ làm.

Dẫu sao sự quan tâm của nhà đầu tư quốc tế với bất động sản Việt Nam trước mắt cũng mang lại nhiều yếu tố tích cực. Đối với sản phẩm bất động sản, loại sản phẩm tạo ảnh hưởng đến mọi hoạt động trong đời sống vật chất và tinh thần của con người, các công ty trong nước vẫn còn nhiều lợi thế để phát triển nhờ lợi thế am hiểu văn hóa, tập quán và tâm lý người Việt Nam. Lợi thế này có thể khai thác ở nhiều khâu dịch vụ như thiết kế không gian sống, môi giới, tiếp thị bán hàng...Nhiều chủ đầu tư trong nước chắc chắn đã nhận ra việc cần thiết phải sử dụng một số dịch vụ của doanh nghiệp trong nước. Vấn đề là các doanh nghiệp có xây dựng được đội ngũ nhân sự giàu năng lực và tiếp cận được phong cách làm ăn chuyên nghiệp, phù hợp thông lệ quốc tế hay không. Quan trọng hơn nó cho thấy một điều là thị trường bất động sản trong nước chưa phải quá bi đát như nhiều doanh nghiệp vẫn than.