Nông dân Việt Nam dùng hàng Việt Nam

(VOH) - Trước đây, do thị trường nông thôn còn bị bỏ ngỏ, các doanh nghiệp Việt Nam không thiết tha với việc phân phối hàng hóa về đây nên người nông dân không có nhiều cơ hội để lựa chọn các sản phẩm uy tín, có chất lượng. Đa số mặt hàng ở đây là những sản phẩm có nguồn gốc không rõ ràng và chất lượng không đảm bảo. Tuy nhiên, với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, đặc biệt là chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn, người nông dân đã bắt đầu làm quen với khái niệm “dùng hàng Việt Nam”.


Máy gặt đập liên hợp Chín Nghĩa của ông Võ Văn Chưởng đang thu hoạch lúa ở xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa (Long An). Hiện nay nhiều nông dân trong huyện phải tự tìm vốn khi mua máy gặt đập liên hợp Việt Nam. Ảnh: Hùng Anh-SGTT
Vì có khoảng 70% dân số sống ở nông thôn nên nhu cầu sử dụng hàng hóa ở đây rất lớn. Mặc dù thu nhập của đa số nông dân còn thấp nhưng điều đó không có nghĩa là nông dân phải sử dụng những sản phẩm giá rẻ với chất lượng kém. Người tiêu dùng ở đây cũng mong muốn có được những sản phẩm chất lượng tốt, giá cả phải chăng và nhất là phải đảm bảo an toàn. Trước thông tin hàng hóa ngoại nhập, không rõ xuất xứ, chứa nhiều hóa chất độc hại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng, nông dân đã cân nhắc hơn trong việc lựa chọn sản phẩm.

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến thị trường nông thôn cho nên người nông dân có thể dễ dàng mua được các sản phẩm có chất lượng tốt không thua kém hàng ngoại mà lại an toàn. Chị Mã Thị Hồng, nông dân ở Trà Vinh cho biết:
Bên cạnh những mặt hàng tiêu dùng hằng ngày như thực phẩm hay nước rửa chén, xà bông, … một số bà con nông dân còn có nhu cầu sử dụng những mặt hàng Việt Nam cao cấp hơn như là các mặt hàng gia dụng, quần áo, giày dép… Nếu như trước đây, đa số các sản phẩm quần áo, giày dép có xuất xứ Trung Quốc chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường nông thôn bởi ưu thế giá rẻ, mẫu mã đa dạng, thì hiện nay một số thương hiệu Việt Nam như Thái Tuấn, Việt Tiến, Biti’s, … đã dần dần khẳng định được tên tuổi của mình. Nhờ có chất lượng tốt, bền, đẹp, nông dân Nguyễn Văn Sơn ở huyện Châu Thành, An Giang và gia đình hiện rất tin dùng hàng Việt Nam:
Nhờ không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, các sản phẩm thương hiệu Việt Nam đã có thể cạnh tranh với các mặt hàng ngoại nhập, không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, ở một số vùng nông thôn xa xôi, người dân khó tìm được các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao. Hệ thống phân phối hàng hóa ở nông thôn vốn còn mỏng, không thể cung cấp cho nông dân nhiều sản phẩm có chất lượng, các chủng loại hàng hóa cũng không đa dạng như ở thành phố. Chị Nguyễn Thị Triển, nông dân ở xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, Tây Ninh cho biết nơi đây chưa có nhiều hàng hóa Việt Nam:
Để nông dân có cơ hội sử dụng nhiều mặt hàng Việt Nam, các doanh nghiệp cần phải tăng cường vận chuyển và phân phối hàng hóa về nông thôn. Đồng thời, cũng cần đẩy mạnh công tác quảng cáo, giới thiệu rộng rãi sản phẩm đến bà con nông dân.
Giá cả hàng hóa cũng là điều khiến người tiêu dùng ở nông thôn quan tâm. Một số sản phẩm có giá quá cao so với thu nhập của đa số nông dân. Một khi còn phải lo lắng cảnh thiếu trước hụt sau thì người nông dân không thể tiêu xài quá nhiều cho việc mua sắm hàng hóa. Chị Trần Thị Hạnh Tuyết, nông dân ở kênh 6, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, Kiên Giang đề nghị:
Với thu nhập thấp, người nông dân phải rất tiết kiệm trong chi tiêu nên mức tiêu thụ hàng hóa ở nông thôn không cao. Ngoài ra, hầu hết nông dân chỉ có khả năng mua những mặt hàng giá rẻ, phù hợp với túi tiền, chứ không phải những mặt hàng cao cấp dù chất lượng rất tốt. Thế nên, trong một thời gian dài, thị trường nông thôn tràn ngập những sản phẩm trôi nổi, hàng giả, hàng nhái, không đảm bảo chất lượng nhưng giá cả thì chấp nhận được.

Do đó, để tăng mức tiêu thụ sản phẩm Việt Nam thì cần có sự tương tác giữa các doanh nghiệp và nông dân. Muốn nông dân mua các sản phẩm Việt Nam thì trước hết người nông dân phải bán được các mặt hàng nông sản như lúa, rau, tôm, cá, … Một khi hàng hóa nông sản được tiêu thụ ổn định, thì nông dân mới có đủ tiền mua sắm, chi tiêu. Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) nêu ra biện pháp giúp nông dân giải quyết đầu ra cho nông sản:
Làm sao để người dân ở những vùng nông thôn xa xôi có thể sử dụng các sản phẩm thương hiệu Việt Nam có chất lượng tốt với giá phải chăng luôn là điều khiến nhiều doanh nghiệp trăn trở. Trước thực tế đời sống nông dân còn nhiều khó khăn thì điều quan trọng nhất lúc này là phải tăng mức thu nhập của nông dân. Để làm được điều đó thì nhà nước cũng như các doanh nghiệp cần có chính sách hỗ trợ sản xuất, giúp đỡ nông dân tiêu thụ sản phẩm làm ra. Đây chính là mấu chốt giải quyết cho vấn đề đưa hàng Việt Nam về tiêu thụ ở thị trường nông thôn cũng như khuyến khích nông dân sử dụng hàng Việt Nam nhiều hơn.